Nga cấm nhập khẩu thịt lợn sống từ EU và Hoa Kỳ
Các nước rơi vào danh sách cấm nhập khẩu thực phẩm gồm Mỹ, Canada, EU, Ukraine, Úc, Na Uy, Albania, Island, Montenegro và Liechtenstein. Theo đó, thịt lợn sống và các sản phẩm phụ khác từ gia súc, lợn, cừu, dê, ngựa và lừa không thể xuất sang thị trường Nga. Ngoài ra, lệnh cấm còn áp dụng đối với mỡ lợn, thịt nạc, mỡ gia cầm và mỡ từ gia súc, cừu, dê, đặc biệt cấm xuất khẩu sang Nga mỡ lợn dạng lỏng.
Tuy nhiên, các nước trên vẫn có thể xuất khẩu lợn thuần chủng vào Nga và một số hàng hoá dùng để sản xuất dược phẩm.
Nga tin rằng, những hạn chế mới sẽ không có ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực của đất nước. Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho biết, mở rộng cấm vận là cuộc đấu tranh chống kênh “thương mại xám” - hình thức nhập khẩu một số hàng hoá dưới dạng mặt hàng hoá khác, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Nga.
Theo thông tin từ Hiệp hội chăn nuôi lợn quốc gia của Nga, năm 2016, sản lượng giết mổ ở Nga đạt 3,55 triệu tấn, trong đó 60% các sản phẩm chế biến được sản xuất từ 20 trang trại lớn nhất cả nước. Trong năm nay, con số này trong 9 tháng tăng 4,5% lên 3,2 triệu tấn thịt. Yury Kovalev, Tổng giám đốc Hiệp hội chăn nuôi lợn quốc gia cho biết, việc mở rộng lệnh cấm sẽ không dẫn đến tình trạng thiếu cung đối với thịt lợn, vì các nhà sản xuất Nga sẽ đáp ứng đủ nhu cầu về thịt trong thời gian dài.
Trước đó, cơ quan Giám sát nông nghiệp Nga đã cấm nhập khẩu sản phẩm thịt lợn từ EU vào tháng 1/2014 sau khi phát hiện bênh dịch tả lợn châu Phi tại Baltic.
EU đã khiếu nại lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tháng 8/2016, Hội đồng Trọng tài WTO thừa nhận phần lớn lệnh cấm của Nga đi ngược lại các cam kết.
Nga kháng cáo lại quyết định này trong bối cảnh tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Ba Lan và các nước Baltic trở nên trầm trọng, trong khi đó những biện pháp mà EU sử dụng để loại bỏ các ổ dịch bệnh lại không hiệu quả. Cuối tháng 2/2017, WTO đã bác bỏ kháng cáo của Nga.
Nga cấm vận thực phẩm phương Tây từ tháng 8/2014 để trả đũa biện pháp trừng phạt được áp đặt với cáo buộc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea bất hợp pháp và ủng hộ lực lượng nổi dậy miền Đông Ukraine.
Kể từ đó đến nay, lệnh cấm này đã được gia hạn nhiều lần và có hiệu lực đến cuối năm 2018./.
Nguồn tham khảo:
https://ria.ru/economy/20171027/1507713170.html
https://ru.sputniknewslv.com/Russia/20171027/6292439/Rossija-ne-pustit-svinej-SShA.html
Bình luận