Thực tế hiện nay cho thấy rằng vấn đề phát thải khí nhà kính dường như đang được nhiều nghị sự lớn tập trung ráo riết hơn. Một ví dụ mới nhất là dự luật thuế phí carbon do dân biểu Hoa Kỳ (Santa Barbara) Salud Carbajal đề xuất áp dụng mức phí 15 USD/tấn CO2 đối với tất cả nhiên liệu hóa thạch được khai thác ở Hoa Kỳ. Đồng thời sẽ áp đặt “các điều chỉnh” đối với giá nhiên liệu nhập khẩu vào Hoa Kỳ để phản ánh hàm lượng carbon của nguyên nhiên liệu, giữ cho các nhà sản xuất Mỹ thực hiện không bị bất lợi trong cạnh tranh. Nghĩa là gần như hầu hết sự chú ý đang đổ dồn vào carbon [1].

Tuy nhiên, bên cạnh vấn nạn phát thải khí nhà kính vào khí quyển, tổn thất đa dạng sinh học cũng đang nổi lên cực kỳ nghiêm trọng. Như thế, CO2 và các khí nhà kính chỉ là một mặt trận trong cuộc chiến chống suy thoái môi trường sống hiện nay mà thôi.

Tổn thất đa dạng sinh học là một mặt trận có vẻ trầm hơn vào thời điểm hiện tại, khi mà lượng phát thải liên tục phá đỉnh, với mức phát thải 2023 được ước tính sẽ vươn tới đỉnh mới, ~38 GT CO2e. Những tổn thất cụ thể đã và sẽ tiếp tục được cập nhật, liên tục, ngày càng ở quy mô và phạm vi gia tăng đáng sợ hơn, chứ không chỉ giới hạn trong côn trùng, chim cánh cụt, cá heo, cá voi hay san hô, nghe đã khá “quen tai” nữa [2]. Một ví dụ tổn thất lặng lẽ hơn, nhưng đến nay cũng khiến các nhà bảo tồn phải lên tiếng mạnh mẽ: chim bói cá Azure (xanh da trời) đặc hữu của vùng Tasmania, Australia [3]. Loài chim nhỏ bé, rất đẹp và bắt cá siêu thiện nghệ này vốn dĩ vẫn là nguồn cảm hứng của nhiều họa sỹ, nhà văn, nghệ sỹ nhiếp ảnh và trẻ nhỏ. Nay chim bói cá Azure đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Người ta ước tính chỉ còn lại 250 đến 400 con chim bói cá xanh Tasmania trong tự nhiên. Đây là một trong 14 loài chim được phân loại là có nguy cơ tuyệt chủng hoặc cực kỳ nguy cấp mà không có kế hoạch phục hồi cấp tiểu bang hoặc quốc gia. Tuy vậy, tới nay Bộ Tài nguyên và Môi trường Tasmania cho biết họ mới xác định loài chim này là một loài “cần có thêm thông tin về dân số và đặc điểm phân bố” [3]. Hãy nhìn sự chênh lệch để thấy bất cân đối lớn thế nào. Trái đất rộng lớn đang cung cấp tài nguyên sinh sống cho hơn 8 tỷ người, nhưng lại không thể gìn giữ được dân số loài chim bói cá bé nhỏ, dẫn tới suy giảm dân số tới mức chỉ còn vài trăm cá thể. Quả là giới nghiên cứu gọi chim bói cá là một chỉ dấu sinh thái, nhạy cảm và dễ tổn thương với biến động môi sinh cũng chẳng sai chút nào! [4]

Đến nay, rất nhiều người đã nhận ra vấn đề nằm cả ở cách thức và quy mô con người tiêu thụ sản phẩm phục vụ đời sống của chính mình, trong Kỷ Nhân sinh (Anthropocene). Chủ nghĩa tiêu dùng đã thúc đẩy khai thác tài nguyên thiên nhiên tới đỉnh điểm, và mọi thứ đều cạn kiệt. Ngay cả những sản phẩm được coi là vì tương lai môi sinh, giúp hạn chế phát thải khí nhà kính, như xe hơi điện (EV), cũng đang cần tới hy sinh rừng và chấp nhận tổn thất đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng để đổi lấy nickel phục vụ sản xuất pin [5].

Bây giờ, cuộc chiến với tổn thất đa dạng sinh học đang lan rộng sang ngành công nghiệp làm đẹp. Công nghiệp thời trang đã từng chịu áp lực trước các ảnh hưởng môi trường tiêu cực, và đang phải điều chỉnh lớn, nhất là với thời trang nhanh [6]. Nhưng món chăm sóc thẩm mỹ dường như đang chịu áp lực gia tăng dần. Ngành hàng thẩm mỹ và chăm sóc cá nhân có doanh số rất lớn và lợi nhuận cao, đặc biệt đối với phân khúc thu nhập cao. Tuy nhiên, lợi thế này cũng tiềm ẩn rủi ro phải đối diện với những quan sát, nghiên cứu, điều tra và cả chỉ trích của các tổ chức xã hội dân sự, các phong trào hoạt động môi trường, và cả người tiêu dùng. Hơn ai hết, ngành công nghiệp này có độ nhạy rất cao với rủi ro của các ý kiến đánh giá tiêu cực xã hội, nhất là hậu quả nặng nề của các phong trào tẩy chay tiêu dùng. Sắc thái mới nhất và sẽ chỉ có thể gia tăng khi mà sức khỏe hệ sinh thái toàn cầu đang suy giảm chính là các sản phẩm có liên quan tới phát thải và tổn thất môi sinh, cụ thể hơn là tổn thất đa dạng sinh học do chặt phá rừng và canh tác nông nghiệp gây tác hại lâu dài.

Nguồn: Getty [7]
Nguồn: Getty [7]

Một số thông tin trực tiếp đề cập tới ngành hàng này được nêu trong báo cáo của Doolan [7] sẽ làm rõ hơn những điểm cụ thể cần quan tâm. Hãng nghiên cứu và tư vấn Ecovia Intelligence đang kỳ vọng xu hướng gia tăng số lượng các hãng sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân áp dụng các điều lệ và kế hoạch bền vững trong tương lai gần. Cụ thể nhất của dịch chuyển này là lựa chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo các quy chuẩn đạo đức môi trường. Họ đánh giá, dịch chuyển này bây giờ không còn là đón đầu xu hướng thay đổi, mà trở nên cấp thiết trước mắt!

Khả năng gây tổn thất đa dạng sinh học liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành mỹ phẩm chủ yếu đến từ nguồn nguyên liệu. Với xu hướng sức khỏe cho người tiêu dùng, các hãng khai thác nguyên liệu có nguồn gốc nông nghiệp và thu hoạch từ thiên nhiên hoang dã đang phải đối mặt với các điều tra về khả năng đảm bảo nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp và hợp đạo đức môi trường. Chẳng hạn, nếu sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu thiên nhiên mà vi phạm các quy định chặt phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR), thì sản phẩm đó sẽ bị cấm hoặc chịu những án phạt rất nặng. Việc truy nguyên nguồn hàng hóa trở lại vùng địa lý với các điều kiện sản xuất đang trở thành yêu cầu bắt buộc.

Dầu cọ là một ví dụ. Loại nguyên liệu này sử dụng rất nhiều trong công nghiệp mỹ phẩm. Nhưng canh tác cọ dầu là một ví dụ điển hình của việc tàn phá rừng nguyên sinh và mang vào phương thức sản xuất vừa ảnh hưởng cân bằng sinh thái, vừa gây nhiễu loạn hệ trữ carbon ổn định, gây ra phát thải quy mô lớn.

Năm 2022 đã chứng kiến 196 quốc gia ký thỏa thuận ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học dưới sự chủ trì của Liên hợp quốc. Khuôn khổ chung về bảo vệ sự đa dạng sinh học Côn Minh-Montreal trước mắt đang khuyến khích các nhà khai thác tìm nguồn nguyên liệu có nguồn gốc thực vật tuân thủ đạo đức và pháp luật môi trường, ví dụ dựa trên tiêu chuẩn UEBT (https://uebt.org/). Tuy nhiên, xu hướng gia tăng áp lực và luật hóa sẽ dần diễn ra ở các quốc gia, do đó sẽ trở thành bắt buộc.

Đứng trước thực tế này, các thương hiệu toàn cầu cần tiên phong hành động trong đầu tư thúc đẩy áp dụng những nguyên lý canh tác nông nghiệp tái tạo, nghiên cứu phát triển các phương pháp sản xuất thân thiện với thiên nhiên. Thế giới muốn nhìn thấy một phần lợi nhuận khổng lồ của họ phải được quay trở lại để vun bón, cải thiện độ phì nhiêu của đất, trữ carbon và chung tay trong công cuộc lớn nhằm bảo vệ đa dạng sinh học trong hệ sinh thái Trái đất [8].

Một số cam kết tiêu biểu có thể thấy qua ví dụ:

  • Davines Group (https://davinesgroup.com/en; hãng sản phẩm chăm sóc tóc và chăm sóc da của Ý) hợp tác với Viện Rodale để thành lập Trung tâm Hữu cơ Tái tạo Châu Âu tại Parma vào năm 2021. Công ty này nuôi trồng các nguyên liệu mỹ phẩm bằng cách sử dụng nông nghiệp tái tạo trên diện tích 17 ha.
  • Tập đoàn đa quốc gia L’Occitane cam kết sản xuất 100% nguyên liệu thô theo nền nông nghiệp tái tạo và bền vững vào năm 2025.
  • Weleda (công ty mỹ phẩm hữu cơ tiên phong của thế giới; https://www.weleda.com/international) gây dựng vườn cây thuốc với hơn 1.000 loài thực vật khác nhau và hơn 80% nguyên liệu từ thực vật, được canh tác tuân thủ quy trình nông nghiệp hữu cơ.

Mặc dù xu hướng dịch chuyển từ nguyên liệu có nguồn gốc hóa thạch (như dầu mỏ) sang các loại nguyên vật liệu tái tạo, thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn gốc hài hòa thiên nhiên đã được xác định về triết lý, nhưng thực thi được gọi tên là: “Một hệ sinh thái phức tạp đầy thách thức” [7]. Lý do chính là vì mỗi sự dịch chuyển đều kéo theo cả chuỗi ảnh hưởng, mà có thể đánh giá mức độ liên kết và ảnh hưởng thông qua chính sự phức tạp của chuỗi giá trị hiện tại trong ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, cho dù có nhiều thách thức, sự đồng thuận trong chuyển dịch nguyên liệu và định hướng bảo tồn đa dạng sinh học vô cùng hữu ích, vì đó là tiền đề dẫn tới sự thống nhất nguyên tắc minh bạch thông tin nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu. Bản thân các hãng tiên phong cũng có nhu cầu ngày càng tăng về việc cho thấy thiện chí với môi trường và chủ động đưa ra bằng chứng thuyết phục với người tiêu dùng về trách nhiệm xã hội thông qua hoạt động hạn chế phát thải, và nhất là bảo vệ sự đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái.

Nhân loại đã bỏ lại phía sau thời mà quý tộc khoác lên mình khăn lông hải ly, lông chồn giết hại trong tự nhiên hoang sơ. Nhân loại cũng đang tiếp tục bỏ lại phía sau những sản phẩm làm đẹp nhưng lại mang tới sự chết chóc cho cân bằng sinh thái, dù chỉ là gián tiếp. Sự hủy hoại sinh thái cũng chính là hủy hoại môi trường sống của đồng loại, những con người cần lao có thể không có tiền để làm đẹp. Cái đẹp kiểu tàn phá ấy giờ đây được hiểu là một phần nguồn gốc của nỗi đau khổ của đồng loại, chứ không chỉ dừng ở thiên nhiên.

Hay nói như lời Karl Marx, được trích trong bộ phim tài liệu Chuyện tử tế nổi tiếng năm 1987 của đạo diễn Trần Văn Thủy:

“Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình”.

Chắc chắn các nhà tư bản sở hữu các hãng làm đẹp, cũng như người tiêu dùng, đã hiểu rất rõ điều này.

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Welsh, N. (2023, Sept. 26). Rep. Carbajal Announces Bill to Fight Climate Change with Emission Fees. https://www.independent.com/2023/09/26/rep-carbajal-announces-bill-to-fight-climate-change-with-emission-fees/

[2] Hoàng, N. M., & Phương, L. V. (2023). Thống kê thương vong trong thiên nhiên. https://kinhtevadubao.vn/thong-ke-thuong-vong-trong-thien-nhien-27421.html

[3] Wallace, E. (2023, Oct. 7). Conservationists fear that without a recovery plan, the Tasmanian azure kingfisher could go extinct. https://www.abc.net.au/news/2023-10-07/tasmanian-azure-kingfisher-endangered/102940696

[4] Hoàng, V. Q.(2023, Sep. 21). Bói cá: Kết nối con người và thế giới tri giác qua khoa học, văn chương, nghệ thuật và trải nghiệm. https://kinhtevadubao.vn/boi-ca-ket-noi-con-nguoi-va-the-gioi-tri-giac-qua-khoa-hoc-van-chuong-nghe-thuat-va-trai-nghiem-27115.html

[5] Hoàng, V. Q., Hoàng, N. M., & Phương, L. V.(2023, Oct. 16). Môi trường ở đâu trong lời giải được cho là để bảo vệ môi trường: tình huống Nickel. https://kinhtevadubao.vn/moi-truong-o-dau-trong-loi-giai-duoc-cho-la-de-bao-ve-moi-truong-tinh-huong-nickel-27338.html

[6] Yến, N. T. Q. (2023, Oct. 12). Nền tảng thương mại điện tử quần áo tái chế của nhãn hàng thời trang Canada. https://kinhtevadubao.vn/nen-tang-thuong-mai-dien-tu-quan-ao-tai-che-cua-nhan-hang-thoi-trang-canada-27311.html

[7] Doolan, K. (2023, Oct. 24). "Carbon is only part of the story": biodiversity loss takes the spotlight. https://www.cosmeticsdesign-europe.com/Article/2023/10/24/carbon-is-only-part-of-the-story-biodiversity-loss-takes-the-spotlight

[8] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9