Tuy nhiên, theo cơ quan thống kê, số vốn này giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đưa gần 5 tỷ USD vào Việt Nam
Vốn FDI giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước do thiếu vắng các dự án lớn

Thiếu vắng dự án lớn, số vốn đăng ký mới giảm 80,9%

Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký cấp mới có 183 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 631,8 triệu USD, tăng 45,2% về số dự án và giảm 80,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Việc vốn đầu tư đăng ký mới trong 2 tháng đầu năm giảm sút là do thiếu vắng những dự án quy mô lớn. Cụ thể ở giai đoạn này, Việt Nam chỉ ghi nhận 1 dự án có vốn đầu tư đạt 136,4 triệu USD.

Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, có nhiều dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD. Riêng các dự án này đã chiếm tới 69,2% tổng vốn đăng ký mới của 2 tháng năm 2021, đặc biệt trong đó có dự án nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD.

Hình 1: Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02 các năm 2018-2022 (Tỷ USD)

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

Thống kê cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục "ưu ái" ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với số vốn cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất đạt 346,8 triệu USD, chiếm 54,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 186,9 triệu USD, chiếm 29,6%; các ngành còn lại đạt 98,1 triệu USD, chiếm 15,5%.

Trong số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 222,8 triệu USD, chiếm 35,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 112,7 triệu USD, chiếm 17,8%; Trung Quốc 78,9 triệu USD, chiếm 12,5%; Hàn Quốc 63,4 triệu USD, chiếm 10%; Đài Loan 43,9 triệu USD, chiếm 7%.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 142 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 3,59 tỷ USD, tăng 123,8% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 68,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,16 tỷ USD, chiếm 27,5%; các ngành còn lại đạt 160,4 triệu USD, chiếm 3,8%.

Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần hoạt động kinh doanh BĐS chiếm 46,5% giá trị góp vốn

Thống kê cũng cho thấy, có 400 lượt vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so cùng kỳ năm trước.

Trong đó có 174 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 91,5 triệu USD và 226 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 678,1 triệu USD.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 357,8 triệu USD, chiếm 46,5% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 228,7 triệu USD, chiếm 29,7%; ngành còn lại 183 triệu USD, chiếm 23,8%.

Giải ngân vốn FDI trong hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 324,3 triệu USD

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 2: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng đầu năm các năm 2018-2022 (Tỷ USD)

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

Nguyên nhân cơ bản khiến giải ngân FDI tích cực được lý giải là do Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Tỷ lệ giải ngân cụ thể giữa các ngành cũng tương ứng với tỷ lệ đăng ký mới của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đứng đầu với 2,02 tỷ USD, chiếm 75,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 324,3 triệu USD, chiếm 12,1%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 210 triệu USD, chiếm 7,8%./.