Nhận diện những “điểm nghẽn” của ngành du lịch và gợi mở hướng tháo gỡ
Nhận diện khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành du lịch đang bộc lộ những “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của ngành. Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra, khi chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam, diễn ra ngày 15/11, theo chinhphu.vn.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, huy động và bố trí nguồn lực cho xúc tiến du lịch còn hạn chế, phân tán, dàn trải. Ảnh: VGP |
Cụ thể, theo Thủ tướng, hiện nay, vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", liên kết ngành, nhất là giữa giao thông vận tải, công thương, y tế... với du lịch chưa chặt chẽ, chưa hình thành mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược cùng phát triển; chưa tạo được chuỗi dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, chưa có các chiến dịch kích cầu du lịch tầm cỡ quốc gia.
Các sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không có nhiều sản phẩm đặc sắc Việt Nam theo tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nhiều sản phẩm du lịch được sao chép từ địa phương này sang địa phương khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, dẫn đến chất lượng không cao, thiếu tinh tế, thiếu sáng tạo, thiếu tính bền vững, thiếu bản sắc... Chưa có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế, được tổ chức chuyên nghiệp cao, thường xuyên để trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam như Lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng, Festival di sản Huế.
Cũng theo Thủ tướng, công tác đánh giá, dự báo, định hướng phát triển thị trường chưa rõ nét, đồng bộ, sát thực tiễn. Chuyển đổi số trong du lịch ở cả cấp Trung ương và địa phương chưa mạnh mẽ, đồng bộ. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chậm đổi mới, thiếu tổng thể và tầm nhìn dài hạn.
Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam vẫn đang phải đối diện với không ít thách thức. Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm. Nhu cầu du lịch thế giới đang thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Tác động bất lợi từ những bất ổn chính trị, xung đột, thiên tai, kinh tế tăng trưởng chậm tại các thị trường truyền thống. Cạnh tranh trong khu vực, quốc tế ngày càng gay gắt. Biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan và triều cường tác động ngày một lớn tới hoạt động du lịch…
Những “nút thắt” của ngành du dịch, dưới góc nhìn của ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đó là về vĩ mô thì việc liên kết, kết nối giữa các vùng miền, các ngành, các doanh nghiệp đều không được tốt. Khi có dịch Covid-19 thì sự kết nối rất tuyệt vời. Hết Covid-19, thì những nỗ lực ấy, liên kết ấy hình như biến mất, lại quay trở lại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lại tăng giá, hạ giá và lộn xộn. Việc không triển khai khuyến mại kích cầu, giá tăng cao quá, không xây dựng được sản phẩm có tính cạnh tranh khiến khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước cần chấn chỉnh lại. Tại sao chúng ta không thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế? Ở đây công tác xúc tiến du lịch triển khai còn chậm và rất ít hiệu quả. Việc xúc tiến ở nước ngoài để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam triển khai quá ít, nhiều hội chợ quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới bị bỏ qua (WTM London, JATA Tokyo Nhật Bản) hoặc tham gia cầm chừng (chỉ địa phương tham gia) khiến hình ảnh du lịch Việt Nam mờ nhạt so với doanh nghiệp quốc tế.
Nhân lực của thị trường thì thiếu trầm trọng, hiện nay ngành du lịch mới chỉ thu hút được khoản 60% lao động. Nhiều lao động có nghiệp vụ cao đã chuyển sang ngành khác. Nhiều doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú phải sử dụng cả lao động chưa qua đào tạo để phục vụ khách. Việc đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới còn quá ít. Hiện nay phải đầu tư cho du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch nông thôn. Cái này chưa phát triển thành chính sách cụ thể, nên những sản phẩm này chưa được đầu tư.
6 giải pháp trọng tâm
Để ngành du lịch phát triển tích cực hơn trong thời gian gian, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Quảng Ninh, Ninh Bình...). Hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - các tỉnh miền núi phía bắc; Huế - Đà Nẵng; Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng, TP. HCM và phụ cận; Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang).
Thúc đẩy các mô hình quản trị tích hợp công-tư trong phát triển du lịch; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận vốn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Giao thông vận tải tích cực trao đổi với Cơ quan hữu quan các nước bạn nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi kết nối đường bay trực tiếp từ các thị trường du lịch truyền thống, trọng điểm đến Việt Nam.
Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch đẩy mạnh khai thác du lịch đường bộ, khách qua biên giới (gồm cả du lịch bằng xe tự lái) và đường thủy (hiện đường bộ, đường biển còn ít, trong khi tiềm năng, dư địa còn lớn).
Chủ tịch UBND các cấp phát huy vai trò của người đứng đầu trong hoạch định, điều hành, chỉ đạo đổi mới tư tuy về quản lý và phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đồng hành phát triển du lịch".
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong xây dựng, xúc tiến, quản lý, phát triển các sản phẩm du lịch mang tầm quốc gia và có tính liên vùng. Ảnh: VGP |
Thứ hai, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động du lịch; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch.
Thứ ba, xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh (du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, sức khỏe...).
Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường, đảm bảo khai thác có hiệu quả các thị trường trọng điểm, truyền thống và từng bước mở rộng các thị trường mới tiềm năng. Thúc đẩy cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch phù hợp với lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng mô hình, phương thức xúc tiến du lịch có tính chất đột phá với tầm nhìn dài hạn, huy động hiệu quả sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên nhiều nền tảng. Tăng cường năng lực, quy mô, tính hiệu quả của hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia. Thực hiện rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế quản lý và vận hành để phát huy tốt hơn nữa vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Bộ Ngoại giao phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan đại diện, các tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài, các kênh ngoại giao... trong quảng bá, phát triển du lịch. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gắn kết hiệu quả xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch; lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam và các chương trình xúc tiến thương mại khác.
Thứ năm, tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa. Bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đặc biệt chú trọng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách - "Mỗi người dân là một đại sứ du lịch".
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch đã được cắt giảm, đơn giản hóa.
Các địa phương xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, trồng và phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa ở các khu du lịch; nâng cao trình độ văn hóa của người dân gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên.
Thứ sáu, đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung phát triển cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối thông tin cho hoạch định chính sách, điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh.
Các địa phương cần bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác chuyển đổi số trong phát triển du lịch của địa phương mình, đồng bộ với nội dung chuyển đổi số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện…/.
Bình luận