Phát biểu khai mạc Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018 đang diễn ra chiều này 10/12/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã "điểm mặt, nêu tên" nhiều Bộ chưa ban hành chế độ báo cáo thống kê.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã "điểm mặt, nêu tên" nhiều Bộ chưa ban hành chế độ báo cáo thống kê/ Ảnh: Lê Tiên

Theo Phó Thủ tướng, vai trò của thống kê ngày càng quan trọng và đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng, góp phần quan trọng trong việc ra quyết sách xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018 hôm nay diễn ra sau chu kỳ 5 năm, đánh giá lại 5 năm (2014-2018)

Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê, Phó Thủ tướng nhận định, công tác thống kê bộ, ngành còn nhiều vấn đề.

Tổng số chỉ tiêu thống kê quốc gia do bộ, ngành chủ trì là 79, nhưng thu thập đầy đủ là 34, số chỉ tiêu chưa báo cáo là 16. Nhiều bộ có những tồn đọng hết sức quan trọng như bộ Tài nguyên và Môi trường còn 3, đặc biệt bộ Thông tin truyền thông là 6.

Xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành và phối hợp, chia sẻ thông tin thông kê. Tuy nhiên, rất nhiều bộ chưa ban hành hệ thống chỉ tiêu điển hình như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc, Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao, Bảo hiểm Xã hội và Đài Truyền hình Việt Nam.

Các bộ chưa ban hành chế độ báo cáo thống kê theo Luật Thống kê 2015 như: Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng; Bảo hiểm Xã hội và Đài Truyền hình Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, số liệu rất quan trọng, trong khi một số lượng rất lớn số liệu nằm trong tay các bộ, ngành, do đó, cần chia sẻ để phục vụ tốt hơn cho công tác thống kê của toàn quốc. Hội nghị này sẽ tập trung mổ xẻ các vấn đề vướng mắc, từ đó đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác thống kê bộ, ngành hiện nay.

Báo cáo rõ thêm về tình hình thực hiện Công tác thống kê bộ, ngành giai đoạn 2014-2018 và phương hướng, nhiệm vụ các năm tiếp theo ,Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, đến nay, có 22 bộ, ngành đã ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, trong đó 15 bộ, ngành hoàn thành rà soát, hoàn thiện và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê để đồng bộ với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới được quy định trong Luật Thống kê 2015; có 21 bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành.

Trong đó, 11 bộ, ngành đã rà soát, cập nhật, ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với Luật Thống kê 2015 và hệ thống chỉ tiêu thống kê mới của bộ, ngành.

Các bộ, ngành đã tổng hợp, công bố phần lớn chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công.

Tính đến cuối năm 2015, trong số 206/350 chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công chủ trì thực hiện theo Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã thu thập, tổng hợp và công bố đầy đủ được 82 chỉ tiêu; 20 chỉ tiêu thu thập, tổng hợp toàn bộ nhưng mới công bố được một số phân tổ; 23 chỉ tiêu thu thập, tổng hợp toàn bộ nhưng chưa công bố; 51 chỉ tiêu thu thập, tổng hợp chưa đầy đủ và 30 chỉ tiêu chưa thu thập, tổng hợp.

Một số bộ, ngành thực hiện 100% số chỉ tiêu được phân công: Bộ Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao.

Đến nay, 19 bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược thuộc phạm vi quản lý; các bộ, ngành đã triển khai thực hiện tất cả 40 hoạt động được giao, trong đó 22 hoạt động đã hoàn thành và 18 hoạt động đang tiếp tục thực hiện.

Luật Thống kê 2015 quy định 186 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó 79 chỉ tiêu phân công cho 21 bộ, ngành chủ trì thu thập, tổng hợp. Đến thời điểm hiện nay, các bộ, ngành đã thu thu thập, tổng hợp được 63/79 chỉ tiêu ở các mức độ phân tổ khác nhau, trong đó 34 chỉ tiêu đầy đủ các phân tổ; 29 chỉ tiêu đã thu thập, tổng hợp nhưng chưa đủ đầy đủ; 16 chỉ tiêu chưa thực hiện. Nhìn chung, các báo cáo, chỉ tiêu thống kê do các bộ, ngành phụ trách thu thập gửi Tổng cục Thống kê có chất lượng tương đối tốt. Nội dung các chỉ tiêu, phương pháp thu thập và xử lý số liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Việc xây dựng, sửa đổi hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê được các bộ ngành quan tâm thực hiện. Đến nay 15 bộ, ngành đã sửa đổi, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành mới và 11 bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với Luật Thống kê 2015. Tuy nhiên hầu hết các bộ, ngành chưa ban hành phân loại thống kê mới thay thế các phân loại thống kê ban hành theo Luật Thống kê năm 2003 trước đây.

Đặc biệt, công tác phân tích và dự báo thống kê được tăng cường. Đã có 6 bộ, ngành hình thành đơn vị chuyên trách về phân tích và dự báo, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải; riêng Tổng cục Thống kê đã thành lập Tổ phân tích và dự báo thống kê.

Một số báo cáo phân tích, dự báo có chất lượng được thực hiện thời gian gần đây như: Báo cáo kiểm kê đánh giá thực chất tình hình các nguồn lực của nền kinh tế (Tổng cục Thống kê); dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu và số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa (Bộ Tài chính); dự báo các chỉ tiêu vĩ mô quan trọng như CPI, GDP, M2, tín dụng, xuất nhập khẩu (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); dự báo các chỉ tiêu liên quan đến thị trường lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); dự báo các mặt hàng nông lâm thủy sản theo quý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); dự báo vận tải hành khách, hàng hóa (Bộ Giao thông vận tải); phân tích và dự báo tình hình tội phạm (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa thống kê bộ, ngành và Tổng cục Thống kê ngày càng được quan tâm và đi vào thực chất hơn trong các khâu: thu thập, tổng hợp, xử lý, cung cấp, phổ biến thông tin, trao đổi nghiệp vụ thống kê.

“Đặc biệt trong năm 2017 và năm 2018, Tổng cục Thống kê đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý cùng với các giải pháp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để chỉ đạo, điều hành nền kinh tế. Phối hợp xây dựng kế hoạch điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như xăng, dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục phù hợp với thực tiễn, tiệm cận dần với giá thị trường, đồng thời vẫn bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức Quốc hội đề ra; xây dựng Báo cáo kiểm kê, đánh giá thực chất tình hình các nguồn lực của nền kinh tế trình Bộ Chính trị”, người đứng đầu cơ quan thống kê Trung ương cung cấp thông tin./.