Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đến cuối năm 2020, ngành quản lý quỹ quản lý tổng tài sản 435.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước đó. Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng của ngành quản lý quỹ tại Việt Nam?

Tổng giá trị tài sản quản lý của ngành quỹ tuy có sự tăng mạnh trong năm 2020, nhưng mới chỉ khoảng 5,5% GDP. Trong khi đó, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt trên 84% GDP, với 80% giá trị giao dịch trên thị trường thuộc về cá nhân. Thực tế này cho thấy, không gian phát triển ngành quỹ còn rất rộng và còn rất nhiều việc phải làm để góp sức thay đổi cách chọn lựa phân bổ tài sản đầu tư của đại đa số nhà đầu tư hiện nay.

Về tiềm năng ngành, theo quan sát của chúng tôi, số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường quỹ tuy tăng mạnh, nhưng vẫn chỉ là phần nhỏ so với tiềm năng dân số (do chưa có thói quen đầu tư). Đa số nhà đầu tư có xu hướng tự đầu tư thay vì ủy thác cho các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.

Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân còn thiếu thông tin và kiến thức về ngành quỹ, nhất là quỹ chỉ số ETF và quỹ hưu trí tự nguyện (pension fund). Số lượng quỹ mở và quỹ ETF tại Việt Nam vẫn còn nhỏ so với các thị trường quốc tế và khu vực. Việt Nam chưa có quỹ hưu trí cho đến hết năm 2020.

Về xu hướng, thực tế, với các nhà đầu tư tổ chức, cùng với sự phát triển của sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, xu hướng ủy thác của các công ty bảo hiểm cho công ty quản lý quỹ đang diễn ra nhiều hơn. Đây đang và sẽ là dòng vốn ủy thác ổn định cho các công ty quản lý quỹ.

Trong khi đó, với các khách hàng cá nhân Việt Nam hiện nay, mặc dù tâm lý chung vẫn là muốn tự đầu tư, dẫn đến hoạt động ủy thác danh mục chưa phát triển mạnh, nhưng các cá nhân có giá trị tài sản lớn sẽ tiếp tục có nhu cầu tư vấn để phân bổ tài sản hợp lý và sinh lợi trên khối tài sản của mình. Những người có tài sản lớn cũng muốn tìm kiếm trải nghiệm đầu tư với một tổ chức chuyên nghiệp.

Trong bức tranh chung của ngành quản lý quỹ, đâu là những lý do để kỳ vọng mảng quản lý danh mục đầu tư ủy thác tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh, thưa bà?

Hiện nay, lượng người siêu giàu (người có khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên) ở Việt Nam mới chỉ có một cộng đồng nhỏ, nhưng được dự đoán sẽ tăng 170% trong 10 năm tới, đạt 540 người, trong khi tỷ lệ tăng về số người siêu giàu ở Trung Quốc và Ấn Độ là 140% và 150%. Số người có tài sản trị giá hàng triệu USD tại Việt Nam, tuy chưa đạt mức siêu giàu nhưng cũng sẽ tăng vọt, từ 14.300 lên 38.600 người trong cùng thời kỳ.

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADB), tầng lớp trung lưu của Việt Nam dự báo sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay, lên 33 triệu người vào năm 2030. Như tôi đã chia sẻ ở trên, những người có tài sản lớn thường muốn tìm kiếm trải nghiệm đầu tư với một tổ chức chuyên nghiệp và đây là không gian cho nghiệp vụ quản lý danh mục ủy thác của ngành quỹ, trong đó có chúng tôi.

Tại SSIAM, chúng tôi định hướng tiếp tục phối hợp với Công ty mẹ SSI và các đối tác phân phối để khai thác tệp khách hàng là các tổ chức kinh tế/cá nhân siêu giàu để mở rộng quy mô hoạt động quản lý danh mục đầu tư ủy thác.

Dấu ấn đáng nhớ của ngành quỹ năm 2020 là sự vươn lên của các quỹ thụ động ETF. Tại SSIAM, các quỹ ETF mà Công ty đang vận hành có hiệu quả như thế nào trong năm 2020, thưa bà?

Hiện nay, chúng tôi đang vận hành 3 quỹ là ETF SSIAM VNFIN LEAD, ETF SSIAM VNX50 và SSIAM VN30. 3 quỹ nêu trên dựa trên các bộ chỉ số khác nhau của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể:

Quỹ ETF SSIAM VNX50 dựa trên chỉ số VNX50 là chỉ số giá bao gồm 50 mã cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HSX). Đây là những công ty có giá trị vốn hóa, tính thanh khoản và tỷ lệ tự do chuyển nhượng hàng đầu trong rổ cổ phiếu VNX Allshare. Hiệu quả của Quỹ được cụ thể trong Bảng 1.

Bảng 1: Hiệu quả hoạt động của Quỹ ETF SSIAM VNX50

NAV/CCQ (đồng)

Biến động (%) – tính bằng VND

1 tháng

3 tháng

Từ đầu năm

Từ ngày thành lập (17/11/2014)

ETF SSIAM VNX50

15.577,88

10,21%

23,29%

22,95%

55,78%

VNX50 Index*

10,11%

23,38%

23,14%

56,82%

(Dữ liệu cập nhật đến 31/12/2020)

Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD mô phỏng bộ chỉ số cổ phiếu ngành tài chính Vietnam Leading Financial Index (VNFin Lead) mới được HOSE triển khai cuối năm 2019. Đây cũng là quỹ ETF đầu tiên mô phỏng một trong ba bộ chỉ số mới của HOSE và cũng là quỹ ETF đầu tiên mô phỏng chỉ số ngành tại Việt Nam. Nhờ bao gồm những cổ phiếu ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm lớn hiện đã hết room, Quỹ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và thực hiện đầu tư để có thể sở hữu gián tiếp các cổ phiếu này. Hiệu quả của Quỹ cụ thể trong Bảng 2.

Bảng 2: Hiệu quả hoạt động của Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD

NAV/CCQ (đồng)

Tăng trưởng (%)

1 tháng

3 tháng

Từ ngày thành lập

ETF SSIAM VNFIN LEAD

13.559,27

15,97%

31,28%

35,59%

VNFIN LEAD

15,66%

31,08%

36,15%

(Dữ liệu cập nhật đến 31/12/2020).

Quỹ ETF SSIAM VN30 dựa trên bộ chỉ số VN30 bao gồm 30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường cũng như thanh khoản cao nhất sàn HOSE, có tính đại diện cao cho chỉ số VN-Index nói riêng và cho TTCK nói chung. Chỉ số bao gồm nhiều cổ phiếu kín room ngoại như TCB, FPT, REE…, các nhà đầu tư ngoại có thể gián tiếp sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp này. Hiệu quả của Quỹ được cụ thể trong Bảng 3.

Bảng 3: Hiệu quả hoạt động của Quỹ ETF SSIAM VN30

NAV/CCQ (VNĐ)

Tăng trưởng (%)

1 tháng

3 tháng

Từ khi thành lập*

ETF SSIAM VN30

13.216,63

10,86%

24,36%

32,17%

VN30 Index

10,86%

24,72%

32,20%

(Dữ liệu cập nhật đến 31/12/2020).

SSIAM hợp tác với Công ty Quản lý quỹ NHAmundi (Hàn Quốc) cùng giới thiệu các sản phẩm quỹ của SSIAM tới thị trường Hàn Quốc

Với phương châm kết nối vốn với cơ hội đầu tư, SSIAM sẵn sàng cân nhắc tạo sản phẩm đáp ứng cho khách hàng nếu khách hàng có nhu cầu về quỹ ETF mô phỏng một ngành cụ thể. Cũng tương tự như vậy, chúng tôi cũng sẵn sàng triển khai thêm các quỹ thành viên tư nhân trong tương lai khi đây là loại quỹ có khả năng đón trước xu hướng thị trường.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mong muốn thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, để gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên TTCK Việt Nam. Vậy tại SSIAM, xin bà chia sẻ những giải pháp cụ thể để tiếp tục thu hút dòng tiền đầu tư chọn đầu tư qua quỹ?

Chúng tôi sẽ tập trung hướng đến tệp khách hàng là các công ty bảo hiểm. Trong thời gian qua, có khá nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ có nhu cầu ủy thác đầu tư vốn tại công ty quản lý quỹ. Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thường sử dụng sản phẩm danh mục ủy thác đầu tư tổ chức, còn khối công ty bảo hiểm nhân thọ thường thành lập các quỹ liên kết đơn vị nhằm tăng tính hấp dẫn với khách hàng.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động quỹ mở cổ phiếu SSI-SCA và quỹ mở trái phiếu SSIBF. Thống kê thị trường cho thấy, việc lãi suất tiết kiệm giảm sâu và kênh đầu tư bất động sản chưa khởi sắc đang và sẽ thúc đẩy nhà đầu tư cá nhân trong nước chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán.

Từ đầu năm, lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 50-210 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn và đang chững lại đi ngang ở vùng thấp, sau khi hạ nhanh 80 bps từ tháng 5 đến cuối tháng 8/2020. Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất huy động trong tháng 11/2020, chỉ còn 4% - 6%/năm (kỳ hạn 6 -12 tháng), điều này khiến người có tiền tìm cách chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác để tối ưu hóa lợi nhuận. Với Quỹ SSI-SCA, Quỹ có nền tảng hoạt động vững vàng, năm 2020 đạt tỷ suất sinh lời 18,61%, vượt trội so với VN-Index (Bảng 4), nên chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư góp vốn trong năm này.

Bảng 4: Hiệu quả hoạt động của Quỹ SSI-SCA

NAV/CCQ (đồng)

Tăng trưởng (%)

2015

2016

2017

2018

2019

YTD 2020

Từ khi thành lập

SSI-SCA

21.477,73

17,7%

24,1%

38,2%

-12,1%

3,91%

18,61%

114,78%

VN-Index

6,1%

14,8%

48,0%

-9,3%

7,67%

14,87%

82,46%

(Dữ liệu cập nhật đến 31/12/2020).

Về kế hoạch lập quỹ mới, hoặc phát triển các sản phẩm tài chính mới để gia tăng tổng tài sản quản lý, SSIAM có gì mới, thưa bà?

Bên cạnh các sản phẩm quỹ thụ động ETF đã thành lập trong năm 2020, quý IV năm 2020, SSIAM đã thành lập 2 quỹ thành viên tư nhân mới (private equity - PE), trong đó, một quỹ PE tiếp tục kết hợp với đối tác hiện hữu là Daiwa Securities, một quỹ PE khác được hợp tác với các đối tác nước ngoài là CT Bright (thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand - CP Group) và Mercuria Investment Co., LTD - Công ty Quản lý quỹ có các cổ đông lớn là Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ), Itochu Corporation và Sumitomo Mitsui Trust Bank. Quỹ mới mang tên Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Việt Nam (Vietnam Growth Investment Fund) - VGIF, và có tổng quy mô dự kiến là 150 triệu USD, kỳ hạn 10 năm, thời gian đầu tư 5 năm. Việc ra đời các quỹ thành viên tư nhân chắc chắn sẽ góp phần gia tăng tổng tài sản quản lý của SSIAM trong năm 2021 và các năm tới.

Ngoài ra, SSIAM cũng vẫn tiếp tục theo đuổi dự án Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện. SSIAM chuẩn bị để cho ra mắt Quỹ Hưu trí, dự kiến trong năm 2021 sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2021, TTCK Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố để kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh. Bà có cùng quan điểm này?

Năm 2021, ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research là 23%, sau khi giảm 17% trong năm 2020. Tại ngày 27/01/2021, hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) thị trường 4 quý liền ở mức 16 lần, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước khi đại dịch Covid bùng phát. Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng mạnh trong năm 2021 sẽ làm giảm PE forward của toàn thị trường và tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn trong năm 2021. Đặc biệt, những ngày thị trường biến động giảm gần đây càng mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư đang nắm giữa nhiều cổ phiếu.

Liên quan đến ngành quỹ, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 01/01/2021 cùng Thông tư số 98, Thông tư số 99/2020/TT-BTC đang và sẽ góp phần định hình hoạt động của công ty quản lý quỹ trong những năm tới. Nhìn chung, các quy định mới sẽ nâng tầm tính minh bạch trong hoạt động của công ty quản lý quỹ, đề cao việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, bổ sung những công cụ mới cho thị trường… Nền tảng này nếu kết hợp với đà tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giúp các công ty quản lý quỹ tận dụng cơ hội phát triển trong những năm tới./.