Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 13-19/6
Eurozone nhất trí giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo cho Hy Lạp
Bộ trưởng tài chính các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 16/6 đã nhất trí giải ngân 7,5 tỷ Euro (8,4 tỷ USD) cho Hy Lạp, giúp nước này ổn định tài chính trong vài tháng tới. Đây là một phần trong gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ Euro mà các chủ nợ quốc tế thông qua hồi tháng 7 năm ngoái.
Quyết định này được các bộ trưởng đưa ra tại cuộc họp ở Luxembourg sẽ giúp Chính phủ Hy Lạp thanh toán 2 khoản nợ khổng lồ cho Ngân hàng trung ương châu Âu vào tháng 7 tới.
Ông Klaus Regling, người đứng đầu Cơ chế bình ổn châu Âu, cơ quan phụ trách giải ngân các khoản cứu trợ cho Hy Lạp, cho biết quyết định kỹ thuật giải ngân sẽ được các quan chức cấp cao đưa ra ngày 17/6 và Chính phủ Hy Lạp sẽ nhận được tiền vào tuần tới.
Quyết định giải ngân khoản cứu trợ cho Hy Lạp được đưa ra một ngày sau khi hàng nghìn người Hy Lạp biểu tình tại Athens phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới do Thủ tướng Alexis Tsipras, đưa ra nhằm đổi lấy khoản cứu trợ.
Fed quyết định không tăng lãi suất
Ngày 15/6, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cho vay ở biên độ từ 0,25-0,5% được áp dụng từ tháng 12/2015 tới nay trong bối cảnh thị trường việc làm không chắc chắn, đồng thời không đưa ra thông báo cụ thể về đợt nâng lãi suất kế tiếp.
Trong một tuyên bố, Fed cho biết cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã kết luận rằng nhịp độ tăng trưởng việc làm ở Mỹ đã chậm lại, ngay cả khi nền kinh tế về tổng thể đã tăng trưởng và những tác động của việc sụt giảm xuất khẩu đã giảm bớt.
Theo Fed, cần một bức tranh rõ ràng hơn về sự phát triển của nền kinh tế Mỹ trước khi đưa ra quyết định tăng lãi suất trở lại.
IMF cảnh báo hậu quả nếu cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn Brexit
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 17/6 cảnh báo rằng cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn phương án Brexit tức là nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý vào tuần tới sẽ tác động "tiêu cực và mạnh mẽ" tới nền kinh tế Anh.
Theo phân tích của IMF, nếu nước Anh rời khỏi EU, GDP của nước này sẽ giảm 0,8% trong năm 2017. Ngược lại nếu vẫn là thành viên EU kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 2,2%. Không những thế khi chia tay EU Anh sẽ phải thương lượng các điều khoản rời khỏi EU và mối quan hệ mới với EU. Tất nhiên các tiến trình này đòi hỏi phải mất nhiều năm mới giải quyết được, qua đó tác động mạnh tới hoạt động đầu tư và kinh tế.
Về lâu dài, kinh tế Anh cũng sẽ chứng kiến sự sụt giảm về thương mại, đầu tư, năng suất bởi lẽ các rào cản đối với thương mại và đầu tư sẽ gia tăng sau khi Anh ra khỏi EU.
Nga hỗ trợ Cuba 190 triệu Euro hiện đại hóa hệ thống tàu hỏa
Theo một thỏa thuận vừa được ký kết bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg lần thứ 20, hãng bảo hiểm xuất khẩu của Nga EXIAR sẽ cung cấp một gói tín dụng 190 triệu Euro cho Cuba để mua 60 đầu máy tàu hỏa TGM8 và 15 đầu máy TGM4.
Hãng tin Sputnik cho biết thỏa thuận này cũng bao gồm việc sửa chữa 75 đầu máy cũ và cung cấp trang thiết bị của Nga để hiện đại hóa kho đầu máy tàu hỏa La Ciénaga tại thủ đô La Habana.
Nga cũng sẽ cung cấp phụ tùng cho các đầu máy TGM đang được sử dụng tại Cuba và nghiên cứu gửi đội ngũ kỹ thuật phù hợp sang trợ giúp Cuba hiện đại hóa loại hình phương tiện công cộng này.
Cũng bên lề diễn đàn này, Moskva và La Habana đã ký một thỏa thuận khác nối lại hợp tác về đào tạo lính cứu hỏa cho Cuba sau hơn 20 năm gián đoạn./.
Bình luận