Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 14-20/5
Hạ viện Nhật Bản chính thức thông qua dự luật phê chuẩn CPTPP
Ngày 18/5, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vốn trước đây được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
CPTPP sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau khi ít nhất 6 quốc gia thành viên hoàn tất phê chuẩn thỏa thuận. Hiện đã có Mexico hoàn tất các thủ tục này.
Nhật Bản hy vọng sẽ bảo đảm CPTPP có hiệu lực sớm nhất có thể sau khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang thúc đẩy thương mại tự do trong bối cảnh quan ngại gia tăng về chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhật Bản cũng đang nỗ lực khuyến khích Mỹ trở lại hiệp định này.
WTO: Thương mại thế giới tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vững chắc
Ngày 17/5, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã công bố Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu (WTOI) cho thấy thương mại thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu hiện tại ở mức 101,8, cao hơn giá trị tham chiếu của chỉ số WTOI là 100, nhưng thấp hơn con số trước đó (102,3), cho thấy tăng trưởng thương mại vững chắc sẽ được duy trì trong quý 2 năm 2018, nhưng dự kiến ở nhịp độ chậm hơn so với quý 1.
Sự suy giảm gần đây của chỉ số WTOI phản ánh sự đi xuống của các chỉ số tương ứng với các đơn hàng xuất khẩu nói riêng, và cả đối với vận tải hàng không, điều này có thể liên quan đến sự bất ổn kinh tế ngày càng lớn do gia tăng căng thẳng thương mại.
Kinh tế Nga tăng trưởng 1,3%, vượt mức dự báo của chính phủ
Cơ quan Thống kê quốc gia Nga (Rosstat) ngày 16/5 cho hay trong quý I vừa qua, nền kinh tế nước này tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 1,1% được Chính phủ Nga đưa ra trước đó.
Kinh tế Nga đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2017 sau hai năm rơi vào suy thoái. Song mức tăng 1,5% năm ngoái được cho là mờ nhạt so với mức tăng trưởng trên 7% nhờ giá dầu tăng trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào các năm 2000-2008.
Trong năm nay, Tổng thống Putin đặt mục tiêu nền kinh tế Nga tăng cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế toàn cầu, được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán là 3,9%.
Trung Quốc tuyên bố tiếp tục hợp tác với Iran bất chấp Mỹ trừng phạt
Ngày 17/5, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác thương mại với Iran, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và chuẩn bị tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ với điều kiện tiên quyết là không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hợp tác minh bạch với Iran. Theo ông Cảnh Sảng, Chính phủ Trung Quốc luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Trong khi đó, Iran cũng cho biết công ty dầu lửa quốc gia của Trung Quốc CNPC đang có kế hoạch thay thế Tập đoàn năng lượng Total của Pháp trong một dự án khí đốt lớn tại Iran nếu Total quyết định rút khỏi dự án này do lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Anh sẽ không yêu cầu kéo dài giai đoạn chuyển tiếp Brexit
Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh David Lidington ngày 16/5 cho biết, Anh sẽ không yêu cầu kéo dài giai đoạn chuyển tiếp với Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rút khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) khi Chính phủ Anh công bố các nội dung nước này sẽ đưa ra đàm phán với EU vào tháng tới.
Trả lời phỏng vấn BBC về các nội dung mà Anh sẽ đàm phán với EU, Bộ trưởng Lidington nêu rõ: “Chính phủ sẽ không chỉ không yêu cầu kéo dài giai đoạn chuyển tiếp mà EU còn phải hiểu rõ là họ không thể dùng điều khoản 50 để bàn về mối quan hệ tương lai dài hạn”.
Ông Lidington nói thêm, trong nội dung đàm phán sắp tới, thỏa thuận rút khỏi EU sẽ đề cập đến giai đoạn chuyển tiếp lâu nhất là đến cuối năm 2020 và Anh sẽ yêu cầu hai bên phải có lộ trình rõ ràng để đảm bảo giai đoạn này bao gồm một hiệp ước quan trọng; trong đó hai bên sẽ đưa ra các điều khoản cho mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU./.
Bình luận