EU thông qua các biện pháp ưu đãi thương mại tạm thời cho Ukraine

Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/7 đã hoàn tất thủ tục thông qua các ưu đãi thương mại tạm thời cho Ukraine. Ông Yaroslav Valensa, Thượng nghị sỹ châu Âu của Ba Lan, cho biết các biện pháp ưu đãi này nhằm hỗ trợ các cải cách tại Ukraine, củng cố các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo điều kiện tăng cường trao đổi hàng hóa.

Các biện pháp ưu đãi thương mại cho Ukraine gồm áp dụng các hạn ngạch bổ sung, theo đó các nhà sản xuất Ukraine có thể được miễn thuế xuất khẩu sang thị trường châu Âu các sản phẩm của mình, trước hết là nông sản. EU tăng hạn ngạch hàng năm miễn thuế xuất khẩu cho Ukraine 3.000 tấn cà chua, 65.000 tấn lúa mỳ, 625.000 tấn ngô, 325.000 tấn lúa đại mạch.

Các biện pháp ưu đãi thương mại cho Ukraine nằm trong khuôn khổ thỏa thuận về liên kết với EU, với điều kiện Kiev phải chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức, tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ của châu Âu, tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật.

IMF thông qua gói cứu trợ "treo" cho Hy Lạp

Ngày 20/7, IMF đã thông qua một chương trình cứu trợ "trên nguyên tắc" cho Hy Lạp trị giá 1,8 tỷ USD, nghĩa là gói cứu trợ này sẽ không đi kèm các khoản giải ngân ngay lập tức.

Tuyên bố của IMF nêu rõ các khoản cứu trợ chỉ được giải ngân khi IMF nhận được sự bảo đảm "đặc biệt và đáng tin cậy" của các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) về một kế hoạch giảm nợ, cũng như chương trình kinh tế của Hy Lạp phải đi đúng hướng.

Việc thông qua một khoản vay mà không có một khoản giải ngân ngay lập tức được cho là một bước đi thỏa hiệp từ phía IMF nhằm giải quyết những bất đồng giữa các nước thành viên Eurozone với thể chế tài chính này liên quan tới giai đoạn 3 của chương trình cứu trợ Hy Lạp. Tuy nhiên, các quan chức IMF khẳng định quyết định của cơ quan này không đi ngược lại luật pháp, nêu rõ chiến lược này từng được sử dụng trong 19 trường hợp vào giai đoạn những năm 1980 đối với các nước như Argentina, Brazil, Mexico và Nam Tư.

Lạm phát của Anh bất ngờ giảm

Giới chức Anh ngày 18/7 công bố số liệu cho thấy lạm phát của nước này bất ngờ giảm trong tháng 6, lần đầu tiên kể từ tháng 10/2016.

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), chỉ số giá tiêu dùng trong tháng này đứng ở mức 2,6%, thấp hơn mức tăng 2,9% ghi nhận trong tháng 5. Nguyên nhân lạm phát tăng chậm lại chủ yếu vì giá khí đốt giảm.

Ngay sau thông tin này, đồng bảng Anh đã giảm hơn nửa Cent giá trị trong các giao dịch với tiền USD, xuống còn 1 bảng đổi được 1,3015 USD, đồng thời giảm gần 1% giá trị so với đồng Euro, với 1 bảng đổi được 1,127 Euro.

Với diễn biến trên, giới chuyên gia nhận định Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ giữ nguyên mức lãi suất cho đến năm 2018 thậm chí có thể duy trì đến năm 2019. Tuy vậy, bất chấp việc sụt giảm, tỷ lệ lạm phát 2,6% này vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của BoE.

Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Iran

Ngày 18/7, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ những biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Iran để trả đũa việc Tehran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và gây căng thẳng trong khu vực.

Động thái này được đưa ra một ngày sau khi Mỹ cảnh báo Iran không tuân thủ tinh thần hiệp định hạt nhân được ký kết giữa nước này với các cường quốc. Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ nhắm tới 16 thực thể và cá nhân ủng hộ cái được gọi là "những nhân tố Iran bất hợp pháp hoặc hoạt động tội phạm xuyên quốc gia".

Theo Bộ Tài chính Mỹ, những đối tượng bị trừng phạt nói trên đã ủng hộ quân đội Iran hoặc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bằng việc phát triển những máy bay không người lái và thiết bị quân sự, sản xuất và bảo trì tàu thuyền, thu mua những thiết bị điện./.