Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 2-8/4
Tổng thống Mỹ xem xét đánh thuế 100 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang với các hành động ăn miếng trả miếng liên tiếp giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới khi ngày 5/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ Thương mại nước này xem xét tăng gấp đôi mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 100 tỷ USD.
Trước đó, ngày 3/4, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 50 tỷ USD từ Trung Quốc có thể bị áp thuế bổ sung do "các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh liên quan việc Trung Quốc "cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ."
Anh áp đặt biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên
Hãng tin Yonhap đưa tin Chính phủ Anh ngày 5/4 đã thông qua biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, nhằm vào các tàu biển và các công ty dính líu đến các hoạt động bị xem là buôn lậu của Bình Nhưỡng.
Theo quyết định, Chính phủ Anh đã bổ sung 15 tàu, 21 công ty và một cá nhân vào danh sách các đối tượng và thực thể bị áp đặt lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.
Ngày 30/3 vừa qua, Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt đối với 21 công ty vận tải biển, một doanh nhân và 27 tàu, với lý do giúp Triều Tiên lẩn tránh các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao
Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2018 diễn ra từ ngày 8-11/4 tại thành phố duyên hải Bác Ngao trên đảo Hải Nam, Trung Quốc là sự kiện thu hút sự quan tâm bởi đây là diễn đàn đối thoại quan trọng, quy tụ các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, chuyên gia và học giả cùng nhau thảo luận về những vấn đề kinh tế-xã hội có ý nghĩa then chốt đối với tương lai của châu Á. Năm nay, BFA có chủ đề "Một châu Á cởi mở và đổi mới vì một thế giới thịnh vượng hơn”.
Được coi là Diễn đàn kinh tế thế giới của khu vực châu Á, BFA năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Á đang triển khai thực hiện các nghị quyết của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 nhằm xây dựng xã hội hiện đại, thịnh vượng về mọi mặt.
Bên cạnh đó, những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt, từ an ninh tới môi trường, từ vấn đề cạnh tranh, ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến tác động của xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy... buộc các nền kinh tế châu Á phải tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone giảm, củng cố đà tăng trưởng
Các số liệu chính thức được công bố ngày 4/4 cho thấy đà phục hồi kinh tế của châu Âu đang trở lại, với việc thất nghiệp trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008 và lạm phát tăng.
Theo Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp trong Eurozone giảm xuống còn 8,5% vào tháng Hai vừa qua, trong khi con số này của tháng Một là 8,6%. Lạm phát tăng từ 1,1% hồi tháng Hai năm nay lên 1,4% trong tháng Ba vừa qua. Mức lạm phát này đang gần tới mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra là 2%.
Các số liệu thống kê nói trên phù hợp với các phân tích thống kê gần đây cho thấy nền kinh tế châu Âu đang tăng trưởng với một tốc độ bền vững sau nhiều năm phục hồi yếu do khủng hoảng nợ công./.
Bình luận