Trung Quốc kêu gọi Mỹ suy nghĩ lại về bảo hộ thương mại

Theo Tân hoa xã, Trung Quốc ngày 30/3 đã kêu gọi nhà chức trách Mỹ nghiêm túc đánh giá giá trị của chủ nghĩa bảo hộ thương mại đơn phương, nhấn mạnh Bắc Kinh có khả năng đối phó với bất kỳ thách thức nào.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nêu rõ: "Chúng tôi đã nhiều lần tái khẳng định rằng Trung Quốc không muốn một cuộc chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc buộc phải tham gia vào một cuộc chiến như vậy, chúng tôi tự tin và có khả năng đối phó với bất kỳ thách thức nào".

Theo quan chức này, khi chiến tranh thương mại nổ ra, bên phòng thủ sẽ quyết định về thời điểm, cách thức và những lĩnh vực đáp trả dựa trên những lợi ích và nhu cầu của mình.

Ông Lục Khảng đưa ra những tuyên bố trên sau bình luận gần đây của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstand về khả năng Trung Quốc trả đũa nhằm vào những sản phẩm đậu nành nhập khẩu từ Mỹ.

Thương mại giữa EU và Triều Tiên giảm mạnh do lệnh trừng phạt

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), giá trị thương mại trong năm 2017 giữa EU và Triều Tiên ở mức gần 18 triệu euro, giảm gần 27% so với mức hơn 24 triệu euro trong năm 2016.

EU đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá gần 13 triệu euro sang Triều Tiên và nhập khẩu hơn 5 triệu euro từ nước này, giảm tương ứng 32% và trên 9% so với năm trước đó.

Trước đó, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm vào Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, bằng cách hoàn tất việc chuyển các biện pháp được áp đặt theo nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành luật EU.

Nghị quyết trên cấm gần 90% các chế phẩm dầu mỏ xuất khẩu sang Triều Tiên bằng việc đặt ra một mức trần 500.000 thùng/năm, đồng thời yêu cầu cho hồi hương các lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 12 tháng.

Giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt đó sẽ tác động mạnh tới ngành công nghiệp Triều Tiên, trong lúc việc buộc hồi hương lao động Triều Tiên ở nước ngoài sẽ cắt đứt nguồn ngoại tệ có ý nghĩa rất quan trọng với nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump "nêu điều kiện" thực thi FTA với Hàn Quốc

Ngày 29/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa “trì hoãn” việc thực thi thỏa thuận thương mại tự do (FTA) sửa đổi vừa đạt được với Hàn Quốc cho đến khi ông có được những kết quả mong muốn trong vấn đề Triều Tiên.

Thông báo về phiên bản sửa đổi FTA Mỹ-Hàn được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo 2 nước chuẩn bị có các cuộc gặp thượng đỉnh riêng rẽ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng Tư và Năm tới.

Giá dầu tăng trước khả năng OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng

Giá dầu tăng trong phiên 29/3 tại châu Á khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà cung cấp khác dự kiến tiếp tục cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018 và có thể sẽ kéo dài sang năm 2019.

Tại Singapore vào lúc 14 giờ 29 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,25 USD, hay 0,4%, lên 64,63 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent kỳ hạn tăng 0,23 USD (0,3%) lên 69,76 USD/thùng.

OPEC cùng một nhóm các nước sản xuất dầu mỏ bên ngoài tổ chức này, trong đó có Nga, đã bắt đầu cắt giảm sản lượng vào năm 2017 để hạn chế tình trạng dư cung và đẩy giá dầu đi lên.

Kinh tế Mỹ trong quý cuối năm 2017 tăng trưởng vượt mong đợi

Ngày 28/3, Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy nền kinh tế nước này phát triển đặc biệt nhanh trong giai đoạn cuối năm 2017 trong khi chỉ số tiêu dùng lên mức cao nhất trong ba năm và các hoạt động đầu tư kinh doanh cũng sôi động hơn.

Cụ thể, trong ba tháng cuối năm 2017, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 2,9%, cao hơn 0,4% so với ước tính trước đó của Bộ Thương mại Mỹ và cao hơn nhiều so với những dự đoán của giới chuyên gia. Kết quả này cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ đã có 3 quý liên tiếp tăng trưởng GDP đạt mức xấp xỉ 3% như mục tiêu mà Tổng thống Trump đề ra.

Trong khi đó, một báo cáo của Viện Kinh tế Oxford cho thấy chỉ số tiêu dùng quý cũng đang ở mức cao nhất trong vòng ba năm qua, đồng thời dự đoán các biện pháp cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ sẽ giúp GDP tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2018.

Báo cáo tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn từ tháng 10-12/2018 được đánh giá như một "đòn bẩy" cho những chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump vốn đang bị phản đối mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước. Hiện chính quyền Mỹ cũng đang kỳ vọng tăng trưởng GDP đủ mạnh để bù vào khoản cắt giảm thuế mới công bố tháng 12 vừa qua, được cho là sẽ nới rộng thâm hụt ngân sách và chồng chất thêm nợ công.

Nhật Bản thông qua dự luật thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27/3 đã thông qua các dự luật nhằm tiến tới việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ quyết định rút khỏi văn kiện này.

Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ đệ trình các dự luật này lên phiên họp của Quốc hội hiện nay, kéo dài đến ngày 20/6 tới. Tokyo hy vọng động thái này sẽ dẫn dắt các tiến trình cần thiết trong nước cũng như tạo động lực phê chuẩn CPTPP tại các nước thành viên khác.

Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nước thành viên hoàn thành các thủ tục trong nước.

Để CPTPP có hiệu lực tại Nhật Bản, nước này cần sửa đổi tổng cộng 10 đạo luật, trong đó bổ sung các quy định và biện pháp mới đối với những thay đổi từ hiệp định thương mại tự do này.

Tuy nhiên, trên thực tế, những thay đổi này không lớn như việc ấn định thời điểm thực thi hoặc thay đổi tên của hiệp định./.