Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 28/8-3/9
Lạm phát của Eurozone tăng sát mức mục tiêu 2% của ECB
Theo số liệu chính thức được công bố ngày 31/8, lạm phát Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên sát với mục tiêu 2% của ECB trong tháng 8, qua đó thể hiện sự phục hồi của kinh tế khu vực.
Số liệu mới nhất sẽ củng cố thêm hy vọng rằng bất chấp những bất ổn liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), Eurozone vẫn đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất bùng phát từ năm 2008.
Giá tiêu dùng của Eurozone tăng 1,5%, làm dấy lên đồn đoán rằng ECB sẽ rút lại chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm ứng phó với khủng hoảng tài chính này do đà phục hồi của khu vực đã tăng tốc.
Ireland đứng đầu danh sách các nền kinh tế thu hút nhiều FDI nhất
Theo báo cáo năm 2017 của IBM về xu hướng đầu tư toàn cầu, Ireland tiếp tục là nước đứng đầu danh sách các nền kinh tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất. Đây là năm thứ sáu liên tiếp Ireland đạt được danh hiệu này.
Báo cáo này cũng đưa ra danh sách các nền kinh tế thu hút FDI cao khác như Đan Mạch, Singapore, Hà Lan, Hungary, Thụy Điển, Nhật Bản, Costa Rica, Thụy Sỹ và Hong Kong (Trung Quốc).
Báo cáo cho biết tổng mức FDI toàn cầu năm nay tăng đáng kể so với năm ngoái, số lượng việc làm được tạo mới tăng thêm 10%, mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Fitch hạ xếp hạng của Venezuela do lo ngại về nguy cơ vỡ nợ
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ngày 30/8 hạ xếp hạng tín nhiệm của Venezuela xuống mức “CC” do lo ngại về nguy cơ vỡ nợ gia tăng tại nước này sau các biện pháp trừng phạt tài chính mới của giới chức Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/8 ký một sắc lệnh áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính cứng rắn hơn nhằm vào Venezuela, trong đó cấm giao dịch đối với các trái phiếu mới do Chính phủ Venezuela cũng như tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA của nước này phát hành.
Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng cấm việc tiếp cận thị trường nợ ở New York hay cấm giao dịch đối với một số loại trái phiếu sẵn có do nhà nước sở hữu và việc trả cổ tức cho Chính phủ Venezuela.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Venezuela được đưa ra trong bối cảnh Caracas thiếu tiền trầm trọng khi dòng tiền vào nước này bị ảnh hưởng do giá dầu thấp. Fitch cho rằng tình hình trên làm tăng nguy cơ Venezuela bị vỡ nợ.
Dự trữ ngoại tệ của Caracas, theo Fitch, đã giảm 1,2 tỷ USD từ đầu năm nay và hiện ở mức 9,8 tỷ USD.
Trao đổi thương mại Trung Quốc với các nước BRICS tăng mạnh
Ngày 31/8, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho biết trao đổi thương mại giữa nước này với các nước thành viên khác thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) ghi nhận mức tăng trưởng cao trong giai đoạn từ tháng 1-7/2017.
Người phát ngôn của MOC Gao Feng cho hay trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các nước BRICS khác trong giai đoạn từ tháng 1-7/2017 tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, đạt 167,07 tỷ USD. Theo ông Gao, tiềm năng đầu tư giữa các nước BRICS còn rất lớn.
Cũng trong giai đoạn trên, Trung Quốc đã đổ 870 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vào các lĩnh vực phi tài chính tại các nước BRICS khác.
Theo MOC, các thành viên BRICS kỳ vọng sẽ đạt được các thỏa thuận thúc đẩy thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, tăng cường hợp tác kinh tế và công nghệ, cũng như thống nhất về một hệ thống trao đổi thương mại đa phương tại hội nghị thượng đỉnh của BRICS trong tháng tới./.
Bình luận