Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 4-10/9
ASEAN-Hong Kong hoàn tất đàm phán FTA và thỏa thuận đầu tư
Ngày 9/9, giới chức ASEAN và Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã thông báo hoàn tất đàm phán về một FTA và một thỏa thuận đầu tư liên quan.
Tuyên bố trên được đưa ra tại cuộc tham vấn lần thứ 2 giữa các bộ trưởng kinh tế ASEAN-Hong Kong (AEM - HKC) diễn ra tại thành phố Pasay của Philippines.
Quan chức phụ trách các vấn đề phát triển thương mại và kinh tế của Hong Kong, ông Edward Yau, và Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Philippines Ramon Lopez đã đồng chủ trì sự kiện này. Ông Yau cho biết Hong Kong và ASEAN sẽ ký FTA và Thỏa thuận Đầu tư này vào tháng 11 tới.
Ông đánh giá những thỏa thuận này có phạm vi toàn diện và các cam kết có giá trị, bao gồm trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, và các cơ chế giải quyết tranh chấp.
FTA ASEAN-Hong Kong có hiệu lực sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết.
Venezuela tuyên bố ngừng sử dụng đồng USD để trả đũa Mỹ
Ngày 8/9, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố nước này sẽ sử dụng các loại ngoại tệ khác trong những giao dịch về dầu khí và vàng thay vì sử dụng đồng USD, nhằm đáp trả biện pháp trừng phạt tài chính mới từ phía Washington.
Phát biểu trên truyền hình, ông Maduro nhấn mạnh: “Tôi quyết định sẽ bắt đầu buôn bán dầu khí, vàng cùng một số loại hàng hóa khác của Venezuela bằng nhiều loại ngoại tệ như nhân dân tệ (Trung Quốc), yen (Nhật), ruble (Nga) và rupee (Ấn Độ)”.
Ông Maduro cũng một lần nữa cáo buộc Mỹ sử dụng những thủ đoạn về tiền tệ và thương mại trái phép để gây bất ổn đối với nền kinh tế Venezuela, nhằm thay đổi chế độ của quốc gia Nam Mỹ này.
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng liên tục trong vòng 6 quý
Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 8/9, kinh tế nước này trong quý 2 năm nay đã tăng trưởng 0,6%, đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp tăng trưởng và là thời kỳ tăng trưởng dài nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Trong quý vừa qua, tiêu dùng cá nhân tăng 0,8%, chi tiêu vốn doanh nghiệp tăng 0,5%, giảm nhẹ so với mức dự báo tương ứng 0,9% và 2,4% đưa ra trước đó.
Một trong những động lực thúc đẩy đà tăng của nền kinh tế Nhật Bản là xuất khẩu tăng mạnh, đặc biệt là xuất khẩu linh kiện điện thoại thông minh.
Ngoài ra, thị trường việc làm ổn định, niềm tin của khối doanh nghiệp tăng cao cũng là những yếu tố tích cực đóng góp cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.
ECB tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục
Ngày 7/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản và chương trình mua trái phiếu khổng lồ.
Phát biểu sau cuộc họp chính sách của ECB, người phát ngôn của ngân hàng này thông báo Hội đồng quản trị của ECB đã bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%. Các nhà hoạch định chính sách cũng quyết định giữ nguyên mức lãi suất cho vay là 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,4%.
Trong một tuyên bố, thể chế tài chính hàng đầu châu Âu có trụ sở tại Frankfurt cho rằng, Hội đồng quản trị hy vọng mức lãi suất cơ bản hiện tại sẽ duy trì trong thời gian tới. Ngoài ra, ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch thu mua 60 tỷ Euro (khoảng 72 tỷ USD)/tháng trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp tới tháng 12/2017 theo chương trình nới lỏng tiền tệ "có định lượng.
ECB đã áp dụng mức lãi suất ở mức thấp kỷ lục, cấp các khoản cho vay giá rẻ cho các ngân hàng, triển khai việc mua lại trái phiếu trị giá 2.300 tỷ Euro nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tăng lãi suất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát lõi vẫn giữ nguyên ở mức 1,2%, cao hơn so với những năm qua, các chuyên gia kỳ vọng ngân hàng sẽ bắt đầu giảm bớt việc mua lại tài sản, hay gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE) vào năm tới./.
Bình luận