Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 8-14/2
Kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,3% trong ba tháng cuối 2015
Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 12/2 công bố số liệu chính thức cho thấy tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone trong ba tháng cuối năm 2015 đạt 0,3%, không thay đổi so với quý trước đó và tương ứng với dự đoán của giới phân tích.
Các nhà phân tích cho rằng mức tăng trưởng 0,3% của Eurozone trong quý 4/2015 là "dấu hiệu củng cố niềm tin," sau khi số liệu gần đây cho rằng tăng trưởng kinh tế khu vực này đang giảm sút trong bối cảnh thị trường toàn cầu bất ổn và gia tăng các lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Số liệu thống kê của Eurostat cho thấy trong cả năm 2015, tăng trưởng kinh tế của 19 nước Eurozone đạt 1,5%, không chênh lệch nhiều so với mức dự đoán 1,6% mà Ủy ban châu Âu đưa ra hồi tuần trước.
Đức sẽ cung cấp khoản vay trị giá 566 triệu USD cho Iraq
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi ngày 11/2 tới Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Berlin sẽ cung cấp khoản vay trị giá 500 triệu Euro (566 triệu USD) cho Baghdad nhằm giúp đỡ nước này tái xây dựng cơ sở hạ tầng, vượt qua khó khăn về kinh tế, cũng như giúp tạo hy vọng cho người dân ở Iraq để họ "không phải rời khỏi đất nước đi lánh nạn."
Bà cũng muốn hai nước hợp tác để chống nạn buôn người, cũng như cần nỗ lực nhằm đảm bảo hòa bình tại Syria.
Nợ quốc gia của Mỹ lần đầu tiên vượt ngưỡng 19.000 tỷ USD
Ngày 9/2, Bộ Tài chính Mỹ cho biết nợ liên bang của Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt quá ngưỡng 19.000 tỷ USD.
Báo Bưu điện Washington (Washington Post) dẫn báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho hay nợ quốc gia của nước này tính tới ngày 29/1/2016 đã vượt mốc 19.012 tỷ USD. Với dân số hơn 300 triệu hiện nay, trung bình mỗi người dân Mỹ sẽ phải “gánh trên vai” khoản nợ khoảng 60.000 USD.
Tổng nợ quốc gia hiện nay của Mỹ tương đương xấp xỉ 103% GDP của nước này, trong đó 13.700 tỷ USD là nợ công, còn lại khoảng 5.300 tỷ USD là nợ chính phủ.
Nợ quốc gia của Mỹ đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, từ mức khoảng 10.800 tỷ USD thời điểm Tổng thống Barack Obama nhậm chức hồi năm 2009 lên mức kỷ lục như hiện nay.
Hoàn tất đánh giá chương trình cứu trợ Hy Lạp trong tháng Ba
Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/2 cho biết Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế có thể hoàn tất đợt đánh giá đầu tiên liên quan đến chương trình cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ Euro (tương đương 93,5 tỷ USD) của nước này vào trước Lễ Phục sinh. Tuy nhiên, Athens phải nỗ lực hơn trong việc thực hiện cải cách hệ thống lương hưu và các cải cách khác.
Chính phủ Hy Lạp đang hy vọng có thể hoàn tất đợt kiểm điểm trên để đàm phán lại các khoản nợ. Tuy nhiên, để làm được điều này, Athens cần phải cắt giảm 1,8 tỷ Euro tiền lương hưu trong khuôn khổ thỏa thuận hồi tháng Bảy năm ngoái.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đề cử bà Christine Lagarde làm Tổng giám đốc
Ngày 11/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo bà Christine Lagarde đã được tái đề cử giữ chức Tổng giám đốc thể chế tài chính hàng đầu thế giới này nhiệm kỳ thứ hai, bắt đầu vào tháng 7 tới.
Là ứng viên duy nhất, bà Lagarde gần như chắc chắn sẽ tiếp tục đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc IMF thêm một nhiệm kỳ nữa. Bà Lagarde nhận được sự ủng hộ rộng rãi của châu Âu (bao gồm Pháp, Đức và Anh), Mỹ, các nước Mỹ Latinh, Canada và Trung Quốc. Dự kiến, Ban Giám đốc IMF sẽ bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan này trước ngày 3/3 tới./.
Bình luận