Ngày 05/10/2015, sau 5 năm đàm phán, 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận lịch sử về việc cắt giảm hàng loạt hàng rào thuế quan từ mặt hàng ô tô cho đến gạo.

12 quốc gia gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam bắt đầu đàm phán TPP từ năm 2010, với mục tiêu giảm rào cản thương mại và thiết lập những tiêu chuẩn cao nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy sáng kiến, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm trong khối. TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Công cụ lớn nhất mà TPP sử dụng để thúc đẩy trao đổi hàng hóa là những ưu đãi miễn giảm thuế mà các nước cam kết sẽ giành cho nhau. TPP đang tạo ra một sân chơi phẳng, nơi các yếu tố trình độ phát triển đang bị xóa mờ, các thị trường là như nhau như: tự do hóa thương mại, chính sách thị trường, đầu tư, môi trường kinh doanh… đều có yếu tố chung, đồng nhất.

Những cơ hội cho Việt Nam

Theo các chuyên gia kinh tế, TPP và thỏa thuận thương mại với Liên minh Châu Âu (EU) mới đây sẽ giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh xuất khẩu và thu hút thêm vốn FDI.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng TPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) kiểu mẫu của thế kỷ 21, với mức độ sâu hơn, rộng hơn WTO về các lĩnh vực cắt giảm các dòng thuế; tăng độ mở cửa của dịch vụ; tăng cường quy định liên quan đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường minh bạch trong cạnh tranh; các vấn đề về lao động…

Do đó, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP sẽ phát triển mạnh trong tương lai, từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư vào Việt Nam từ các nước trong khối TPP và cả các nước ngoài khối. Các nhà đầu tư ngoài khối TPP sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi ưu đãi thuế quan (Quốc Hùng- Hồng Phúc, 2015).

Nhiều chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP, dòng vốn từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý, hay các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Mức tăng đầu tư sẽ giúp thúc đẩy sự hình thành vốn cố định và tạo cơ hội cho Việt Nam khai thác các lợi thế tiềm năng về nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội về thu hút đầu tư nước ngoài, do các nước cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Myanmar... đều chưa được tham gia TPP.

Báo cáo Tác động của TPP do Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) công bố mới đây đánh giá rằng khi tham gia vào TPP, đầu tư nước ngoài được dự đoán sẽ tăng khoảng 13 tỷ đô la Mỹ, mức tăng gần bằng tăng thu hút FDI vào Nhật Bản, gấp đôi mức tăng FDI vào Úc, Malaysia... Thực tế từ năm 2013 trở lại đây, trước việc TPP sẽ trở thành hiện thực, nhiều dự án về dệt may, giày da,… từ các nước ngoài khối TPP đã đổ vào Việt Nam, và đây là một thí dụ cụ thể về khả năng thu hút FDI từ các nước ngoài khối TPP. Theo báo cáo của VEPR, sở dĩ FDI tăng là do Việt Nam là nước có lợi thế xuất khẩu khi giá nhân công rẻ, chi phí đầu vào trung bình rẻ hơn so với nhiều nước khác, nguyên liệu nhiều ngành như nông sản, thủy sản có tại chỗ…

Và những thách thức

Bên cạnh việc thu hút một lượng lớn nguồn vốn FDI, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức. Theo các chuyên gia kinh tế, sẽ xảy ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP trong thu hút đầu tư, bởi các quốc gia này là những nền kinh tế phát triển, có dịch vụ, chính sách liên quan đến đầu tư quốc tế rõ ràng.

Đồng thời, quá trình hội nhập sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế. Các ngành bị ảnh hưởng rất lớn khi Việt Nam tham gia vào TPP sẽ là chăn nuôi, doanh nghiệp phân phối - bán lẻ, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, vốn FDI giúp công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển, nhưng cũng là mối nguy cho các doanh nghiệp nội địa không có quy mô lớn và công nghệ hiện đại...

Hơn nữa, TPP đòi hỏi các nước tham gia phải mở cửa rộng hơn nền kinh tế cho cạnh tranh nước ngoài, thực thi luật lao động chặt chẽ hơn và các tiêu chuẩn môi trường cao hơn.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) trả lời phỏng vấn trên báo Dân trí cho rằng, TPP cũng là 1 trong rất nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực mà Việt Nam đã ký kết và tham gia nên chúng ta không nên coi nó là chiếc đũa thần hoặc kỳ vọng quá cao vào nó để có thể thay đổi được nền kinh tế từ đây. Cái chính vẫn ở cách chúng ta chơi và những người chúng ta chọn ra để chơi với họ. Cần phổ biến cho người dân, doanh nghiệp hiểu về TPP là gì và thực sự chủ động trong cuộc chơi này. Ngoài những màu hồng, phải chỉ cho họ những góc tối, điểm mờ được gọi tên là những thách thức và khó khăn không hề nhỏ.

TS. Phan Hữu Thắng cho rằng, việc thu hút đầu tư nước ngoài phải song song hai yếu tố: vốn đi kèm công nghệ. Vị thế của Việt Nam hiện nay khác 25 năm về trước, chúng ta đã hội nhập sâu rộng và trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại, khu vực kinh tế chung. Cho nên, trong thời gian tới, chúng ta có nhiều cơ hội để đón các dòng vốn từ bên ngoài. Cơ hội là thế nhưng với thu hút dòng vốn FDI, chúng ta nên đặt vấn đề: lựa chọn đối tác, dự án, môi trường và an ninh quốc phòng. Đặc biệt, các địa phương, không nên “chạy theo thành tích” mà quên đi những hệ lụy khi cấp phép “nhầm” dự án.

Ở đây, vai trò quản lý và quy định cho vấn đề xét duyệt dự án đầu tư cũng như hậu kiểm là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, chúng ta cũng phải quan tâm đến chuyện dòng vốn FDI đi vào thực tế. Đến nay, trong tổng số hơn 250 tỷ USD thì chỉ mới giải ngân được trên 100 tỷ USD, vậy những dự án còn lại cần phải được đốc thúc để sớm triển khai thực hiện (Hải Âu, 2015).

Tài liệu tham khảo

Quốc Hùng – Hồng Phúc (2015). Liệu có làn sóng lớn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hậu TPP, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/136616/Lieu-co-lan-song-lon-dau-tu-nuoc-ngoai-vao-Viet-Nam-hau-TPP.html

Hải Âu (2015). Thu hút vốn FDI: Cẩn trọng để loại trừ dự án “lợi dụng TPP”, truy cập từ http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/thu-hut-von-fdi-can-trong-de-loai-tru-du-an-loi-dung-tpp/1092183/