Điều chỉnh, sửa đổi Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020

Khắc phục những bất cập của giai đoạn trước (2011-2015) và tạo sự chủ động cho các địa phương trong triển khai thực hiện theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, về cơ bản, vẫn giữ nguyên bố cục, thứ tự và số lượng 19 tiêu chí, bao gồm 49 chỉ tiêu (tăng 10 chỉ tiêu so với giai đoạn 2011-2015) nhưng đã có những sửa đổi, điều chỉnh về nội hàm, tên, nội dung 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cho phù hợp với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: Quy định một số chỉ tiêu để vận dụng (bao gồm 13 chỉ tiêu thuộc 06 tiêu chí) là những chỉ tiêu hạ tầng kinh tế - xã hội có thể cần ở mức độ khác nhau. Giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc áp dụng cụ thể đối với các nhóm xã để phù hợp với điều kiện đặc thù, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của người dân từng xã, đặc điểm văn hoá của từng dân tộc. Các chỉ tiêu còn lại là những chỉ tiêu cơ bản, trực tiếp phản ánh yêu cầu thiết yếu về sản xuất và đời sống của người dân ở nông thôn được quy định thống nhất và áp dụng chung đối với tất cả các xã.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí về xã nông thôn thôn mới. Theo báo cáo của các địa phương, việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng linh hoạt mức đạt chuẩn của một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong bộ tiêu chí quốc gia đã tạo thuận lợi cho các địa phương chủ động triển khai Chương trình, đồng thời giảm bớt nhu cầu đầu tư những hạng mục cơ sở hạ tầng chưa cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực (trong đó có ngân sách nhà nước).

Bên cạnh đó, từ kết quả khảo sát thực tế các mô hình xây dựng nông thôn mới của các địa phương, cũng như nghiên cứu tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của một số tỉnh ban hành, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng xong Dự thảo tiêu chí xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến trong Quý IV/2017 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc thi “Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu” để làm cơ sở trước khi phát động nhân rộng trên cả nước.

Phân bổ nguồn lực thực hiện Chương trình theo trung hạn

Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, đã quy định cụ thể nguồn vốn Tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 193.155,6 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: 63.155,6 tỷ đồng (tăng khoảng 3,8 lần so với giai đoạn 2011-2015); Ngân sách địa phương: 130.000 tỷ đồng. Để cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016-2020, trong đó ưu tiên bố trí vốn NSTW cho các xã đặc biệt khó khăn và xã dưới 05 tiêu chí với hệ số cao gấp 4-5 lần so với các xã khác; đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã dự kiến kế hoạch vốn trung hạn cho cả giai đoạn 2016-2020 để các địa phương chủ động trong việc thực hiện Chương trình.

Linh hoạt giao mục tiêu phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền

Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 quy định cụ thể mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn phù hợp với điều kiện phát triển của từng vùng, miền trên cả nước, giúp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định hướng được mục tiêu phấn đấu phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình, cũng như làm cơ sở để Ban Chỉ đạo Trung ương giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể để các địa phương phấn đấu hoàn thành trong năm kế hoạch, cụ thể:

Đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 28,0%; Đồng bằng sông Hồng: 80%; Bắc Trung Bộ: 59%; Duyên hải Nam Trung Bộ: 60%; Tây Nguyên 43%; Đông Nam Bộ: 80%; Đồng bằng sông Cửu Long: 51%); Khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới;

Đơn giản hoá cơ chế, thủ tục trong quản lý đầu tư xây dựng

Hệ thống khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 đã cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương chủ động triển khai thực hiện Chương trình, nhất là trong quản lý đầu tư xây dựng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường hơn nữa vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, để tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong quản lý đầu tư xây dựng, tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ đã giao UBND tỉnh thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với Danh mục các dự án khởi công mới nhóm C quy mô nhỏ thuộc nội dung đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, kỹ thuật không phức tạp và sử dụng một phần ngân sách nhà nước, phần kinh phí còn lại do nhân dân đóng góp và các nguồn khác, có sự tham gia thực hiện và giám sát của người dân./.