Nông nghiệp tuần hoàn: Con đường phát triển bền vững ở tỉnh Thái Bình
Summary
The development of circular agriculture is an inevitable and strategic trend in the context of international economic integration deepening, increasingly exhausted natural resources, and more and more polluted environment, especially when Vietnam implement its commitment at COP 26 to achieve "zero" net emissions by 2050. Thai Binh is a locality with strengths in agriculture, and despite remarkable achievements in socio-economic development in the past time, this locality is still facing many difficulties and challenges. Therefore, circulary agriculture is an indispensable path for Thai Binh to development the agriculture and achieve sustainable development in the future.
Keywords: circular agriculture, Thai Binh province, sustainable development
GIỚI THIỆU
Tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đã cho thấy nông nghiệp đã khai thác triệt để tài nguyên đất đai, nguồn nước để đáp ứng nhu cầu của con người đã không còn phù hợp. NNTH dựa trên nguyên lý của kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã cho thấy, tính ưu việt đó là sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm của quy trình sản xuất trước làm nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất đang trở thành xu hướng phát triển bền vững, đem lại “lợi ích kép” vừa mang lại hiệu quả kinh tế, lại không ảnh hưởng đến môi trường.
Thái Bình nằm trong vùng có lợi thế của khu tam giác kinh tế Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng. Tỉnh luôn xác định, nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất nông nghiệp là “trụ cột” kinh tế quan trọng, “bệ đỡ” cho phát triển các lĩnh vực khác. Theo Cục Thống kê tỉnh Thái Bình (2022b, c), Tỉnh có diện tích đất nông nghiệp là 107.792 ha và 88,2% dân số sống ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế chưa cao và còn gây ra áp lực không nhỏ trong giải quyết ô nhiễm môi trường. Để khắc phục hạn chế trên, nông nghiệp của Tỉnh đang từng bước chuyển dịch sang sản xuất theo hướng an toàn và NNTH là con đường đang hướng tới góp phần xây dựng Thái Bình phát triển bền vững.
KHÁI NIỆM VỀ NNTH
Theo van Bodegom và cộng sự (2019), khái niệm NNTH được phát triển dựa trên ý tưởng từ khái niệm KTTH, sử dụng lý thuyết và nguyên tắc của sinh thái công nghiệp. Sinh thái công nghiệp tìm cách giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm thải ra môi trường bằng cách đóng vòng lặp sử dụng vật liệu và chất liệu. Mục đích của NNTH là không sử dụng nhiều diện tích hoặc tài nguyên hơn mức cần thiết. Điều này có thể đạt được bằng cách sản xuất theo các vòng lặp tài nguyên đóng kín. Trong NNTH, chất thải được xem như nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm mới.
Van Bodegom và cộng sự (2019) cũng cho rằng, một số hệ thống sản xuất nông nghiệp có thể được mô tả toàn bộ hoặc một phần là NNTH những hệ thống này có nguồn gốc lâu đời và dựa trực tiếp vào việc bắt chước các quá trình sinh thái.
Nguyễn Thị Minh Hiền và cộng sự (2021) cho rằng, NNTH là mô hình sản xuất nông nghiệp dựa trên áp dụng mô hình KTTH. NNTH tập trung vào sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, hiệu quả cao trên cơ sở tận dụng và tái sử dụng tối đa các phế phụ phẩm và giảm tới mức thấp nhất lượng chất thải ra môi trường hoặc không có chất thải.
Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau về NNTH, nhưng các quan niệm trên đều dựa trên nguyên tắc “3R” (Reduce - Giảm sử dụng hàng hóa và tiêu thụ tài nguyên, Reuse - Tái sử dụng sản phẩm, tài nguyên và Recycle - Tái chế, tuần hoàn tài nguyên) để xây dựng quan niệm về NNTH.
Từ những quan niệm trên, tác giả cho rằng, NNTH chính là việc áp dụng KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng khép kín thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ biến các chất thải, phụ phẩm được tái chế quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất tiếp theo, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường thoả mãn nhu cầu của xã hội trong hiện tại, tương lai.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NNTH Ở TỈNH THÁI BÌNH HIỆN NAY
Thái Bình là tỉnh nông nghiệp với diện tích 158.635 ha, trong đó 67,9% là đất nông nghiệp, 88,2% dân số sống ở khu vực nông thôn, chiếm 27% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp trong tổng số lao động của Tỉnh (Cục Thống kê tỉnh Thái Bình, 2022a). Do đó, Tỉnh luôn ưu tiên phát triển nông nghiệp nông thôn để nâng cao đời sống của nhân dân. Sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá; giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2016-2020) tăng 2,5%/năm; trồng trọt tăng 1,3%/năm, chăn nuôi tăng 1,6%/năm, thủy sản tăng 7,0%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GDRP là 24,5% (giai đoạn 2015-2020). Tuy nhiên, nông nghiệp của Tỉnh vẫn chưa đi đúng định hướng phát triển bền vững, đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, tác động của ô nhiễm môi trường. Do vậy, NNTH là bước đi đúng đắn trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay, trong toàn Tỉnh đã tổ chức triển khai và thực hiện thành công một số mô hình NNTH, như: mô hình vườn - ao - chuồng (VAC); mô hình “lúa tôm” “lúa cá”; mô hình “trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữa cơ - trồng cây ăn quả”; mô hình sản xuất ván ép công nghiệp từ rơm, rạ, trấu; mô hình Agine Thái bình là mô hình NNTH hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và năng lượng tái tạo, đã mang lại chất lượng hiệu quả đối với kinh tế - xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn hiện tượng người dân lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; hiện tượng xả thải trong chăn nuôi chưa được xử lý ra môi trường, hiện tượng đốt rơm, rạ vẫn diễn ra phổ biển. Các phụ phẩm của quả trình sản xuất thuỷ sản chưa được thu gom xử lý, gây lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên và ô nhiêm môi trường và mất trật tự xã hội.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường giai đoạn 2016-2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh, Thái Bình có 92.899 ha diện tích trồng trọt, sản lượng lương thực đạt 1.075.000 nghìn tấn, tổng đàn gia súc 1.088 nghìn con; gia cầm 14.000 nghìn con, lượng chất thải trong sản xuất nông nghiệp tạo ra vô cùng lớn; trong khi quá trình xử lý, tái chế còn hạn chế gây lãng phí nguồn tài nguyên và ô nhiễm không khí, tài nguyên đất, nước và các vấn đề xã hội khác. Việc xử lý, tái chế và sử dụng chất thải nông nghiệp còn ít so với thực tế: số lượng phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, vỏ trấu, vỏ hoa quả...) là 11.640 tấn đạt 30%; nước thải trong chăn nuôi 4.725 m3/ngày đạt 60%; chất thải rắn trong chăn nuôi 1.040 tấn đạt 80%; số lượng hộ gia đình chăn nuôi chưa xử lý chất thải là 80%.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong những năm qua, trước những ưu thế của KTTH nói chung và NNTH nói riêng đối với thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh mà không ảnh hưởng tới môi trường hiện tại và tương lai, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ chương, chính sách để khuyến khích phát triển KTTH như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Quyết định số 889/QĐ-TTg, ngày 24/6/2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 -2030; Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 07/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng về phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng; Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XX của tỉnh Thái Bình đều xác định KTTH là hướng đi cho sự phát triển bền vững.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy KTTH nói chung và NNTH nói riêng phát triên ở tỉnh Thái Bình. Để phát triển NNTH ở tỉnh Thái Bình, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương cho phát triển NNTH; nhất là các chính sách ưu đãi về vốn, chính sách về thuế, chính sách về đất nông nghiệp, chính sách về bảo hiểm trong lĩnh vực lao động... Các chính đưa ra cần phải có nội dung phù hợp, đồng bộ và kịp thời. Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ hai, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, lợi ích, tiêu chí… khi thực hiện NNTH để đạt sự đồng thuận khi triển khai sẽ thuận lợi và dễ nhân rộng các mô hình NNTH.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ gen, công nghệ số... vào sản xuất nông nghiệp; thực hiện chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển NNTH ở tỉnh Thái Bình. Tiến hành tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người dân vế sản xuất nông nghiệp; nhất là các quy trình sản xuất NNTH bảo đảm người dân nắm chắc và thực hiện tốt. Đồng thời, có chính sách thu hút lao động, nhà khoa học có trình độ cao, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, tăng cường liên kết “5 nhà” trong phát triển NNTH. Cụ thể: cần thúc đẩy liên kết sản xuất, gắn nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp, Nhà nước, ngân hàng trong sản xuất. Liên kết sản xuất phải tiến hành bắt đầu từ khâu sản suất đến khâu tiêu thụ và tái chế theo một quá trình khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường.
Thứ sáu, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, phát triển thị trường trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đối mới những mặt hàng địa phương có thế mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Liên doanh, liên kết trong Tỉnh và liên Tỉnh để tiêu thụ sản phẩm, thu gom phế phẩm phụ phẩm để xử lý theo quy mô công nghiệp, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả trong xử lý các phụ phẩm tạo thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao góp phần nâng cao đời sống nhân dân./.
Phạm Hồng Thái - Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 20, tháng 7/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Thống kê tỉnh Thái Bình (2022a), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình năm 2022.
2. Cục Thống kê tỉnh Thái Bình (2022b), Dân số tỉnh Thái Bình năm 2021.
3. Cục Thống kê tỉnh Thái Bình (2022), Niên giám Thống kê tỉnh Thái Bình 2021, Nxb Thống kê.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
5. Đảng bộ tỉnh Thái Bình (2020), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình (2020), Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020.
7. Nguyễn Thị Minh Hiền và cộng sự (2021), Nông nghiệp tuần hoàn - Tình hình phát triển ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 291(2), tháng 9/2021, 56-66.
8. van Bodegom, A., van Middelaar, J., Metz N. (2019), Circular Agriculture in Low and Middle Income Countries. Discussion paper, Food & Knowledge Platform, retrieved from https://knowledge4food.net/wp-content/uploads/2020/03/191016_fbkp-circular-agriculture-lmics_discussionpaper.pdf.
9. UBND tỉnh Thái Bình (2020), Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020.
Bình luận