NÔNG NGHIỆP TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ QUAN TRỌNG, LÀ TRỤ ĐỠ CỦA NỀN KINH TẾ

Với phương châm sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi, không ngừng đổi mới, sáng tạo, ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện trên các mặt sau:

Thứ nhất, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp năm 2023 ước đạt 3,83%, cao nhất từ năm 2019 đến nay. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt trên 47,9 triệu tấn, tăng khoảng 1,73%. Giá trị 1 ha đất trồng trọt năm 2023 ước đạt 120 triệu đồng, tăng 12,8% so với năm 2022. Chăn nuôi được duy trì phát triển tốt, tổng đàn vật nuôi chính đều tăng, ngoại trừ đàn trâu giảm nhẹ do diện tích chăn thả thu hẹp, nhu cầu về sức kéo giảm mạnh và hiệu quả kinh tế không cao. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022; trong đó, thịt lợn hơi trên 4,68 triệu tấn, thịt gia cầm hơi đạt 2,24 triệu tấn. Sản lượng sữa tươi trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2%. Sản lượng trứng đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9%. Mặc dù sản xuất thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu giảm trong các tháng đầu năm, giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, nhưng nhờ thời tiết thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác, nên sản xuất thủy sản tương đối ổn định. Tổng sản lượng thủy sản đạt 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%; trong đó, khai thác 3,86 triệu tấn, tăng 0,3% và nuôi trồng 5,44 triệu tấn, tăng 5,5%. Năm 2023, diện tích rừng trồng tập trung đạt 245 nghìn ha và 127 triệu cây phân tán. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trên 20,5 triệu m3, giảm 0,5 triệu m3.

Thứ hai, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn. Vai trò, vị trí của ngành hàng lúa gạo Việt Nam được khẳng định trong khu vực và quốc tế, góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong thời gian tới. Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 đã được tổ chức thành công từ ngày 11/12-14/12/2023 với hơn 500 gian hàng, 300 chuyên gia, khách quốc tế thuộc 40 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự... cùng với đó là Lễ công bố phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông, lâm, thủy, sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, ước đạt trên 53 tỷ USD, giảm 1% so với năm 2022. Xuất siêu đạt mức kỷ lục trên 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Trong đó, xuất khẩu lâm sản chính trên 14,2 tỷ USD, giảm 17%; thủy sản 9,6 tỷ USD, giảm 15,8%; nông sản chính 26,5 tỷ USD, tăng 16,7%; chăn nuôi gần 500 triệu USD, tăng 22,2%. Có 6 hàng/nhóm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (gạo, hàng rau quả, cà phê, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ...).

Đặc biệt, nước ta đã bổ sung 25 cơ sở xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào Hàn Quốc, 13 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU, 12 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm sống, cua xuất khẩu vào Trung Quốc, 1 cơ sở vào Hoa Kỳ, 2 cơ sở vào Liên bang Nga; đã cấp 6.997 mã số vùng trồng, 1.613 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường; bổ sung sản phẩm xuất khẩu (dưa hấu sang Trung Quốc; dừa tươi sang Hoa Kỳ,…); đặc biệt một số mặt hàng nông sản lần đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Trung Quốc (sầu riêng, tổ yến, bưởi Diễn...)

Thứ ba, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 115 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển đổi theo hướng khai thác đa tầng, đa giá trị trên một diện tích đất. Đồng thời, sử dụng giống chất lượng cao không chỉ trên lúa mà còn trên các đối tượng cây rau màu khác; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm đặc hữu địa phương.

Thứ tư, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, năm 2023, số lượng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản tăng nhiều so với năm 2022, với 2.204 hợp tác xã, 517 tổ hợp tác, 1.091 doanh nghiệp và 186.829 hộ nông dân tham gia. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2023, thành lập mới 1.400 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 16.100 doanh nghiệp, tăng 7,3% so với năm 2022. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục tăng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Thương mại và Đầu tư Biển Đông.

Thứ năm, năng lực phòng chống thiên tai và phát triển thủy lợi ngày càng được nâng cao. Năm 2023, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, xảy ra 21/22 loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng…, đặc biệt là các đợt mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển… Công tác khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai kịp thời, có hiệu quả. Các địa phương nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân. Tính đến cuối năm 2023, thiên tai đã làm 166 người chết, mất tích; 126 người bị thương; 151.923 ha lúa, hoa màu; 85.487 con gia súc, gia cầm; 4.005 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng... thiệt hại kinh tế trên 8.228 tỷ đồng, giảm 58% so với năm 2022.

Thực hiện Chiến lược Thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045, các cấp, các ngành đã tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa, công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ. theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động phòng ngừa; kiểm soát an toàn; chỉ đạo kịp thời ứng phó mưa lũ, khắc phục hiệu quả nhằm giảm nhẹ thiệt hại; kiểm tra đôn đốc phương án đảm bảo an toàn công trình đối với hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai trước mùa mưa lũ, công tác rà soát, tổng hợp vật tư dự trữ chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Thứ sáu, phát triển nông thôn và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm. Số sản phẩm OCOP vượt xa mục tiêu đề ra; các nhiệm vụ giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Cả năm 2023, cả nước có 77,1% xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 32,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 6,2% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 271 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Triển khai các giải pháp thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), năm 2023 có 11.000 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP (tăng hơn 2.300 sản phẩm so với năm 2022), với 5.610 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 37,9% là hợp tác xã, 24% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Công tác phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề được duy trì, quan tâm và đi vào thực chất, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP, bảo tồn văn hóa dân tộc. Cả nước có 211 nghề truyền thống, 2.031 làng nghề, làng truyền thống đã được công nhận; tạo việc làm cho khoảng 3,7 triệu lao động. Doanh thu các hoạt động ngành nghề nông thôn đạt trên 202.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 4-5 triệu đồng/lao động/năm.

SONG VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

Bên cạnh các kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới: Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản không đạt 54-55 tỷ USD theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 do bối cảnh thế giới còn diễn biến phức tạp. Chỉ tiêu về tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới không đạt 78% theo kế hoạch năm, các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định.

Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Kết nối liên vùng rời rạc, kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics cao. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm, thiếu sáng tạo, đổi mới.

Bên cạnh đó, mặc dù các vụ vi phạm quy định về lâm nghiệp giảm, nhưng vẫn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Vấn đề rủi ro thương mại chưa được giải quyết triệt để, như: Thẻ vàng châu Âu về đánh bắt thủy sản trái phép, không báo cáo, không được quản lý (IUU); Hoa Kỳ điều tra Việt Nam nhập khẩu và sử dụng gỗ bất hợp pháp...

Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao chưa trở thành động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp.

BỐI CẢNH VÀ YÊU CẦU ĐẶT RA TRONG THỜI GIAN TỚI

Kinh tế toàn cầu năm 2024 tiếp tục được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, nhất là xung đột tại Ucraina và Dải Gaza diễn biến phức tạp, nhiều khả năng còn kéo dài làm gia tăng thêm bất ổn địa chính trị trong khu vực và có thể tác động lâu dài đến nguồn cung, giá dầu, môi trường kinh tế, chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế thế giới cũng có những yếu tố thuận lợi hơn, mở ra cơ hội mới cho phát triển trong thời gian tới. Các thị trường nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại, như: Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực châu Á, Hoa Kỳ...

Do đó, ngành nông nghiệp cần tiếp tục chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mục tiêu phát triển nông nghiệp trong thời gian tới là phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu này.

ĐỂ PHÁT TRIỂN MẠNH, BỀN VỮNG HƠN NỮA NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Để khắc phục những tồn tại, yếu kém, hướng tới phát triển bền vững, ngành nông nghiệp, nông thôn cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng. Thực hiện thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; tận dụng cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất.

Hai là, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước. Tích cực triển khai chủ động, hiệu quả các những hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã tham gia, ký kết và đưa vào thực thi, nhất là: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và các hiệp định song phương với các nước.

Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng cho nông nghiệp nông thôn. Thực hiện đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ cơ cấu lại ngành; ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ các lĩnh vực sản xuất có lợi thế. Thu hút, khuyến khích đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi bảo đảm truy xuất nguồn gốc; mã cơ sở đóng gói, nhãn mác hàng nông sản. Nhân rộng các chuỗi cung ứng ngành hàng, chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn gắn với truy suất nguồn gốc

Năm là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đổi mới, nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội trong tham gia trong xây dựng chính sách, điều hành thị trường, cung cấp thông tin, kết nối thị trường, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội ngành hàng, liên hiệp hợp tác xã. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, sản phẩm. Phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu nông sản vùng, miền, địa phương phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Sáu là, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường. Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, giải quyết các khâu then chốt phát triển nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Bảy là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Thực hiện Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển thủy lợi; Đề án bảo đảm An ninh nguồn nước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khai thác công trình thủy lợi, tổ chức thủy lợi cơ sở; phát huy nội lực và vai trò chủ thể của người dân trong công tác thủy lợi; rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ liên quan đến quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Tám là, phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là 11 nội dung của Chương trình, các chương trình chuyên đề trọng tâm, các mô hình chỉ đạo điểm của Trung ương, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng, bền vững, ưu tiên các vùng, khu vực khó khăn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn và giải quyết các vấn đế bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới. Tập trung xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế của Chương trình giai đoạn 2021-2023 theo kết quả giám sát của Quốc hội.

Chín là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Sửa đổi chính sách đất đai, đầu tư, bảo hiểm, tín dụng, đảm bảo đúng pháp luật và hài hòa lợi ích lâu dài giữa doanh nghiệp, người nông dân, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Xây dựng kinh tế số trong nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, chuỗi giá trị ngành hàng; dữ liệu số tạo giá trị và động lực mới cho tăng trưởng; chuyển đổi số đáp ứng tốt yêu cầu công tác quản lý.

Cùng với những tín hiệu mới đang tác động tích cực tới ngành nông nghiệp, nông thôn, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, nỗ lực phấn đấu vươn lên của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng triệu hộ nông dân, trong thời gian tới ngành nông nghiệp, nông thôn chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

TS. Nguyễn Văn Đoàn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 03, tháng 02/2024)