Phát triển doanh nghiệp ngoài nhà nước, những mục tiêu đầy thách thức
Vai trò của kinh tế tư nhân
Nghị quyết số 45/NQ-CP, ngày 31/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đưa ra các mục tiêu: Số doanh nghiệp đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp (đóng góp 55% GDP), trong đó có 60-70 nghìn doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn; đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt từ 2 triệu trở lên, đóng góp khoảng 60-65% GDP; tốc độ tăng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; hằng năm có khoảng 35-40% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo… Kinh tế tư nhân ra đời từ công cuộc đổi mới, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, với sự tham gia và phát triển của kinh tế tư nhân.
Kinh tế tư nhân dần dần được xác định là động lực của nền kinh tế. Đó là sự xác nhận có tính định tính, dựa trên một số định lượng chủ yếu. Theo nghĩa rộng, kinh tế ngoài nhà nước hiện chiếm tỷ trọng khá trong cả nước (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Tỷ trọng trong tổng số năm 2021 của kinh tế ngoài nhà nước (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Trong loại hình kinh tế ngoài nhà nước, bộ phận quan trọng là doanh nghiệp. Trong tổng số doanh nghiệp, thì doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng như Biểu đồ 2.
Biểu đồ 2: Tỷ trọng của doanh nghiệp ngoài nhà nước trong khu vực doanh nghiệp (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Ngoài vai trò về giải quyết công ăn việc làm, về huy động vốn, đầu tư tài chính dài hạn, tạo ra doanh thu, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và ngân sách nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân nói chung và loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng còn góp phần cho việc đổi mới tư duy kinh tế thông tin- một trong những nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới.
Những mục tiêu đầy thách thức
Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ đã “lượng hóa” cụ thể vai trò và mục tiêu định tính. Theo đó, số doanh nghiệp đang hoạt động đến năm 2025 đạt 1,5 triệu. Đây là mục tiêu rất cao, khi so với số doanh nghiệp đang hoạt động đến cuối năm 2022 là khoảng 920 nghìn. Có nghĩa là chỉ trong 3 năm phải tăng 580 nghìn doanh nghiệp, tức là bình quân 1 năm phải tăng 193 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong khi số doanh nghiệp đang hoạt động tăng trong các năm qua thấp hơn nhiều (Biểu đồ 3).
Biểu đồ 3: Số doanh nghiệp đang hoạt động tăng thêm trong các năm (nghìn doanh nghiệp)
Nguồn: Tổng cục Thống kê; (1) Tác giả |
Bình quân năm giai đoạn 2019-2022 chỉ tăng 46,2 nghìn doanh nghiệp. Theo đó, mục tiêu tăng trong 3 năm tới là quá cao, gấp trên 4 lần mức bình quân trong 4 năm trước. Trong 4 tháng đầu năm 2023 còn gặp khó khăn nhiều hơn khi số doanh nghiệp rời khỏi thị trường gần bằng số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Có nhiều nguyên nhân làm cho số doanh nghiệp đang hoạt động tăng thấp. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (vào thị trường) tuy đạt số lượng khá (bình quân năm trong giai đoạn 2019-2022 đạt 181,3 nghìn doanh nghiệp), nhưng số đi vào hoạt động thấp, trong khi số rời khỏi thị trường lớn (bình quân giai đoạn 2019-2022 là 113,5 nghìn doanh nghiệp/năm).
Mục tiêu số doanh nghiệp đang hoạt động đến năm 2030 đạt từ 2 triệu trở lên là rất cao. Với giả thuyết năm 2025 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp, thì trong vòng 5 năm phải tăng 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, bình quân 1 năm phải tăng tới 100 nghìn doanh nghiệp. Nếu đến năm 2025 không đạt được mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp, thì mục tiêu đến năm 2030 càng cao.
Mục tiêu đến năm 2025 có 60-70 nghìn doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, tức là chiếm 4-4,7% có tính khả thi. Tỷ trọng đóng góp vào GDP năm 2030 đạt khoảng 60-65% cũng có tính khả thi, bởi số doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng, quy mô của các doanh nghiệp lớn hơn, tốc độ tăng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như: (i) Quy mô doanh nghiệp còn rất nhỏ; (ii) Tình trạng giải thể, tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động còn lớn, năm 2023 còn khó khăn hơn cả năm 2022 vì đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm sâu, tiêu dùng trong nước hạn chế với tâm lý “tích cốc phòng cơ”, “thắt lưng buộc bụng”; (iii) Hiệu quả hoạt động còn rất thấp, tỷ suất lợi nhuận trước thuế còn thấp hơn lãi suất tiền gửi, càng thấp xa so với lãi suất vay ngân hàng…/.
Bình luận