Từ khóa: kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp, TP. Đà Nẵng

Summary

In recent years, the private economy in Da Nang City has seen obvious changes, with increasingly vibrant and diverse activities, affirming its important role and position in liberating production forces, promoting social division of labor, mobilizing social resources into production and business, promoting economic growth and development, restructuring the economy towards modernization, increasing budget revenue, and creating jobs for workers. This article summarizes the current status of the role of the private sector and propose some solutions in the coming time, to further enhance the position and role of this economic sector in Da Nang's economic development.

Keywords: private economy, enterprise development, Danang City

GIỚI THIỆU

Đà Nẵng là một thành phố có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển KTTN của Đảng, Nhà nước, Thành phố đã có nhiều giải pháp thúc đẩy KTTN phát triển. Tuy nhiên, vai trò của KTTN ở Đà Nẵng vẫn còn những hạn chế cần phải khơi thông để phát huy hiệu quả của KTTN. Do đó, cần phải có sự phối hợp của chính quyền, địa phương, các doanh nghiệp và người dân để thực hiện triệt để các giải pháp trên góp phần phát huy tối đa vai trò KTTN, trở thành một “thành phố đáng sống, đáng đầu tư” của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

THỰC TRẠNG VAI TRÒ CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN Ở TP. ĐÀ NẴNG

Kết quả đạt được

Một là, phát triển nhanh về lượng và chất, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế địa phương

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, KTTN ở TP. Đà Nẵng đã có sự phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng và quy mô; tiếp tục là động lực quan trọng trong tăng trưởng và phát triển; khẳng định vị trí, vai trò của KTTN đối với sự đóng góp trong phát triển kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2005, Đà Nẵng có 4.380 doanh nghiệp với tổng số vốn 8.443 tỷ đồng, trong đó 1.293 doanh nghiệp tư nhân, 2.168 công ty trách nhiệm hữu hạn, 305 công ty cổ phần, 614 chi nhánh, văn phòng đại diện các doanh nghiệp; thì đến năm 2022, Thành phố có gần 37.000 doanh nghiệp với số vốn đạt hơn 240 nghìn tỷ đồng, đóng góp hơn 50% GRDP của Thành phố. Tín hiệu đáng mừng là số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 28,5% so với năm 2021, bất chấp những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 kéo dài suốt các năm 2020-2021.

Với sự phát triển mạnh mẽ nói trên của KTTN, Đà Nẵng là một trong các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, dần lấy lại đà tăng trưởng; các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng 14,05% so với năm 2021 (xếp thứ 3 cả nước), tình hình sản xuất, kinh doanh từng bước cải thiện. Nhiều lĩnh vực có sự khởi sắc mạnh mẽ, nhất là du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, với tổng lượt khách đạt gần 3,7 triệu (Thanh Tùng, 2023).

Hai là, KTTN thay thế dần đầu tư công

Trong những năm qua, Thành phố đã từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư công, chỉ tập trung vốn đầu tư nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế thiết yếu, không có khả năng thu hồi vốn hoặc mức độ thu hồi vốn thấp, rủi ro cao, dịch vụ công quan trọng, một số ngành sản xuất then chốt, đóng vai trò chủ đạo và những lĩnh vực mà tư nhân không thể hoặc chưa thể thực hiện được. Phát huy vai trò định hướng của đầu tư công để thu hút nguồn vốn đầu tư của xã hội. Đồng thời, có nhiều chính sách thu hút, tạo điều kiện để đầu tư tư nhân tích cực tham gia đầu tư trên cơ sở nhà nước và nhà đầu tư đều có lợi. Nhờ có những chính sách trên, Thành phố đã thu hút có hiệu quả đầu tư tư nhân. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, khu vực KTTN chiếm 64,3% trong cơ cấu kinh tế năm 2017; 65,35% năm 2018; 64,97% năm 2019 và đạt 65,76% năm 2020, 54,99% năm 2021. Đến năm 2022, tỷ trọng kinh tế nhà nước đạt 22,53%, kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm cả kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới) đạt 77,47%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,9%. Điều đó khẳng định, KTTN đã góp phần thay thế dần đầu tư công trong cơ cấu kinh tế.

Ba là, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân

Giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân là một nội dung quan trọng hàng đầu bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. KTTN với ưu thế là phát triển rộng khắp các địa bàn thành phố và hoạt động đa dạng ở tất cả các ngành nghề lĩnh vực có thể thu hút một lượng đông đảo và đa dạng lực lượng lao động ở tất cả các trình độ, tay nghề khác nhau, do đó có vai trò to lớn trong tạo việc làm và bảo đảm đời sống cho người dân. Giai đoạn 2016-2020, sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố đã tạo ra nhu cầu lao động tăng thêm khoảng 98.000 lao động, đã giải quyết việc làm cho 167.500 lao động, bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho khoảng 34.000 lao động. Đặc biệt, các ngành phát triển mạnh nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực KTTN (Nguyễn Văn An, 2020). Theo UBND TP. Đà Nẵng, thu nhập bình quân của người dân Đà Nẵng năm 2021 đạt 5,23 triệu đồng/người/tháng (đứng thứ 5 cả nước); năm 2022 đạt hơn 7,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 15,3% so với năm 2021, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Một số vấn đề đặt ra

Tuy nhiên, vai trò của KTTN ở Đà Nẵng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Sức cạnh tranh của khu vực KTTN còn yếu, quy mô vốn nhỏ. Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, nguồn vốn hạn chế, rất khó khăn để đầu tư vốn chuyển đổi công nghệ mới. Nhất là sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã cạn vốn, thiếu đơn hàng.

Đặc biệt, mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát gần 2 năm, tuy nhiên, doanh nghiệp ở Đà Nẵng vẫn khá khó khăn. Cục Thống kê TP. Đà Nẵng cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới tại TP. Đà Nẵng giảm đáng kể, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại tiếp tục tăng. So với cùng kỳ năm 2022, trong tháng 9/2023, có 312 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện mới được thành lập, với tổng vốn đạt hơn 1.200 tỷ đồng; giảm 9,5% về số doanh nghiệp và giảm 5,8% về vốn. Từ đầu năm 2023 đến 15/9/2023, có 3.119 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện mới được thành lập tại Đà Nẵng, với tổng vốn đăng ký hơn 13.100 tỷ đồng; giảm 10,1% về số doanh nghiệp và giảm 25% về vốn. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động cũng giảm mạnh tới 24,6%. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động lên tới 3.460 đơn vị, tăng 16,8% (Vũ Lê, 2023).

Bên cạnh đó, trình độ quản lý ở nhiều doanh nghiệp chưa cao, thiếu tính chuyên nghiệp, nguồn nhân lực không đủ mạnh; chưa đầu tư bài bản, quy mô với chiến lược phát triển dài hạn; thiếu tính chủ động trong liên kết sản xuất, kinh doanh. Thiết bị máy móc, công nghệ còn lạc hậu; khả năng cập nhật thông tin về thị trường còn nhiều hạn chế, nhất là thông tin về thị trường quốc tế.

Một bộ phận doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN gặp khó khăn trong vấn đề mặt bằng sản xuất, kinh doanh, do chi phí xây dựng cơ bản và mức đền bù tiền thuê đất đang ở mức cao, vượt quá khả năng của đại bộ phận cơ sở KTTN.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm phát huy vai trò của KTTN ở TP. Đà Nẵng, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách: Chính sách thu hút đầu tư (thuế, vốn, đất đai…) bảo đảm công khai minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cải thiện môi trường và thu hút đầu tư; xúc tiến thương mại; đào tạo nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển.

Hai là, phát huy năng lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nguồn nhân lực; đồng thời tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp tạo ra năng suất lao động cao nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ba là, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại mô hình tăng trưởng; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại với chi phí sử dụng hợp lý. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận các nguồn lực phát triển.

Bốn là, bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng nhất là trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai…

Năm là, đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tạo dựng minh bạch hệ thống thông tin quản lý trong xã hội./.

Nguyễn Văn Tuấn - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 28, tháng 10/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2019), Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/01/2019 về xây dựng Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Nguyễn Văn An (2020), Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường lao động ở Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020, truy cập từ https://www.danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=6731&_c=3.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng (2005-2022), Tình hình đăng ký doanh nghiệp các năm, từ năm 2005 đến năm 2022.

4. Tấn Việt (2023), Đà Nẵng đề ra chuỗi giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, truy cập từ https://plo.vn/da-nang-de-ra-chuoi-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-post738667.html.

5. Thanh Tùng (2023), Đà Nẵng đồng hành cùng doanh nghiệp để khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, truy cập từ https://nhandan.vn/da-nang-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-de-khoi-thong-nguon-luc-thu-hut-dau-tu-post739271.html.

6. Trương Minh Dục (2022), Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tạp chí Lý luận chính trị, số 539, tháng 01/2023.

7. UBND TP. Đà Nẵng (2013-2022), Số liệu thống kê kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng các năm, từ năm 2013 đến năm 2022.

8. Vũ Lê (2023), Tăng trưởng kinh tế thấp, Đà Nẵng khó đạt mục tiêu của năm 2023, truy cập từ https://congthuong.vn/tang-truong-kinh-te-thap-da-nang-kho-dat-muc-tieu-cua-nam-2023-275942.html.