Phát triển hạ tầng giao thông: Cần nhiều nỗ lực!
5 năm tăng 38 bậc
Trong 5 năm qua, ngành giao thông vận tải đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Theo báo cáo về chỉ số cạnh tranh về năng lực kết cấu hạ tầng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trong giai đoạn 2010-2015, chỉ số năng lực cạnh tranh kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam tăng 38 bậc. Đặc biệt trong năm 2015, chỉ số này tăng 9 bậc. Kết quả này phản ánh đúng những nỗ lực trong phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam, mà cụ thể là những thay đổi lớn cả về tư duy phát triển, lẫn hành động cụ thể của ngành giao thông vận tải.
Theo đánh giá của PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cả 4 lĩnh vực là đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bộ đều có những thay đổi hướng thị trường hóa, nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư. Cụ thể là, trong thời điểm ngân sách có nhiều khó khăn, việc Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển hướng sang huy động vốn xã hội hóa tận dụng sức mạnh thị trường là một bước đi đột phá. Bên cạnh nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA để đầu tư cho hạ tầng giao thông, huy động nguồn vốn theo các hình thức đối tác công - tư (PPP) được thực hiện thu về khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Các hình thức BOT, BT, BTO, thậm chí hình thức chuyển nhượng trạm thu phí, chuyển giao một số tài sản hạ tầng dưới hình thức cho thuê, nhượng quyền khai thác một số công trình, dự án… cũng được triển khai (Thảo Nguyên, 2015).
Liên quan đến nỗ lực của ngành giao thông vận tải, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay đã có nhiều cải thiện, nhiều công trình cầu vượt, đường tránh được xây dựng tại các thành phố. Tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đã có cải thiện đáng kể.
Cần tiếp tục nỗ lực
Mặc dù được thế giới ghi nhận là có bước đột trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua, song nếu nhìn lại bức tranh phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam cho thấy còn rất nhiều những bề bộn, hạn chế cần khắc phục.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam đã rất chú trọng việc phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng. Tuy nhiên, việc này vẫn còn tồn tại một số hạn chế như còn yếu kém, lạc hậu và thiếu tính kết nối. Đó là chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, bao quát, kết nối và tầm nhìn dài hạn; Quản lý thực hiện quy hoạch còn yếu. Việc phân bổ nguồn lực còn dàn trải, chưa có kế hoạch phân bổ vốn trung và dài hạn để tập trung vào các công trình trọng điểm thiết yếu; Chi phí đầu tư còn cao, hiệu quả thấp; Chưa có cơ chế, chính sách thích hợp để huy động tiềm năng và nguồn lực, nhất là đất đai cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Kết cấu hạ tầng giao thông có nhiều bước tiến song vẫn còn không ít bất cập |
Cùng chung quan điểm này, PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng, nhìn lại 20 năm qua, chiến lược, quy hoạch giao thông của Việt Nam còn một số điểm bất cập. Ví dụ, chúng ta “quên mất” đường sắt. Chúng ta có hệ thống cảng biển rất tốt, nhưng lại dàn trải trong tư duy cảng biển. Mặt khác, hệ thống đường sắt, đường biển phải gắn với nhau, theo hướng hội nhập quốc tế. Hệ thống đường thủy nội địa gắn với hai vùng tam giác kinh tế là Bắc bộ và Nam bộ nhưng chúng ta tận dụng chưa tốt...
Có thể thấy rằng, sự ghi nhận của thế giới đối với những thay đổi trong kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam là một sự khích lệ, là động lực để chúng ta có thể vươn lên một tầm cao mới. Do vậy, chúng ta cần định vị kết cấu hạ tầng giao thông để có thể tiếp tục hướng tới những bước tiến mới trong tương lai.
Bên cạnh đó, PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam cần đánh giá lại quy hoạch, chiến lược phát triển giao thông, từ đó sẽ quyết định đột phá ở chỗ nào. “Cần phải có một quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống giao thông quốc gia đa phương tiện trong một tầm nhìn hội nhập vươn tới đẳng cấp cao” ông Thiên nói./.
Tài liệu tham khảo:
1. Tiến Mạnh (2015). Hạ tầng GTVT Việt Nam tăng 9 bậc, truy cập từ http://www.baogiaothong.vn/ha-tang-gtvt-viet-nam-tang-9-bac-d122173.html
2. Thảo Nguyên (2015). Vì sao hạ tầng giao thông VN thăng hạng đột phá?, truy cập từ http://www.baogiaothong.vn/vi-sao-ha-tang-giao-thong-vn-thang-hang-dot-pha-d122606.html
Bình luận