Phát triển KCN sinh thái là một tất yếu của thành phố Hải Phòng
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Việt Nam và Indonesia tại Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng |
Tiếp theo Chương trình công tác tại KCN Nam Cầu Kiền, TP. Hải Phòng, chiều ngày 13/9/2023, Đoàn công tác của Việt Nam và Indonesia đã đến thăm và làm việc tại Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng để nghe chia sẻ của Ban Quản lý về những kết quả hoạt động phát triển của các KCN trên địa bàn nói chung, phát triển KCN sinh thái nói riêng, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương đối với sự phát triển của mô hình KCN sinh thái (EIP) nhằm thúc đẩy phát triển KCN sinh thái của Hải Phòng.
Trong khuôn khổ của Chương trình“Trao đổi kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển KCN sinh thái giữa các quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam và Indonesia) trong khuôn khổ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu", từ ngày 11-13/9/2022, Đoàn công tác của Việt Nam và Indonesia đã đến thăm và làm việc tại Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, KCN Nam Cầu Kiền và KCN DEEP C Hải Phòng.
Tham gia Chương trình làm việc tại KCN Nam Cầu Kiền, có các đại diện của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO) tại Indonesia; phía Việt Nam có: Đại diện Vụ Quản lý các Khu kinh tế -Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Dự án KCN sinh thái, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và một số doanh nghiệp tiêu biểu trong KCN Nam Cầu Kiền; Đoàn công tác của Indonesia có ông Heru Kustanto, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Bộ Công nghiệp làm Trưởng đoàn cùng các thành viên đến từ các bộ, ngành, hiệp hội và các KCN của Indonesia (16 người).
Thay mặt Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng vui mừng được gặp lại Đoàn công tác của Việt Nam và Indonesia sau 3 ngày làm việc tại Hải Phòng.
Thông qua chia sẻ của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng về toàn cảnh phát triển KCN nói chung, phát triển KCN sinh thái nói riêng của Thành phố, đặc biệt và vai trò của chính quyền TP. Hải Phòng trong việc tiên phong tham gia thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái, ông Hải hy vọng Đoàn công tác có cảm nhận rõ nét hơn đích đến của Thành phố trong việc phát triển kinh tế, xã hội luôn gắn liền với bảo vệ môi trường bền vững. Đồng thời, thông qua trao đổi và thảo luận của Ban Quản lý với Đoàn công tác sẽ là cơ hội để tăng cường hợp tác sâu, rộng và thực chất, thúc đẩy hơn nữa hợp tác, phát triển bền vững giữa Việt Nam và Indonesia; là tiền đề quan trọng, là bước đột phá trong thực tiễn để đẩy mạnh việc phát triển mô hình KCN sinh thái của TP. Hải Phòng, góp phần đem lại lợi ích to lớn về tăng trưởng kinh tế, giảm các tác động tiêu cực ảnh đến môi trường và sức khỏe con người, tiến tới thực hiện toàn diện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, một nền kinh tế gắn với môi trường của Việt Nam trong tương lai.
Các đại biểu đến từ Indonesia lắng nghe chia sẻ của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng về vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển KCN sinh thái tại Hải Phòng |
Hải Phòng phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp, khu kinh tế
Báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho thấy, sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay, TP. Hải Phòng đã có 14 KCN được thành lập với tổng diện tích 6.105,7 ha (3 KCN giai đoạn 1993-2007; 9 KCN giai đoạn 2008-2013 và 2 KCN giai đoạn 2021-2022), 1 KKT với tổng diện tích 22.540 ha (thành lập năm 2008). Tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện nay đạt 63,8% (trong đó phần lớn diện tích chưa thu hút đầu tư đang trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng, san lấp, lấn biển). Các KCN, KKT trên địa bàn thành phố đã thu hút được 688 dự án đầu tư với tổng vốn lên tới 36,32 tỷ USD (bao gồm 473 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 22,39 tỷ USD và 216 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký 13,93 tỷ USD).
Trong 8 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI đạt 2.032 triệu USD, tăng 2,33 lần so với cùng kỳ, đạt 101,6% so với kế hoạch năm. Trong đó, cấp mới 39 dự án với vốn đầu tư 439 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 28 dự án với vốn tăng thêm 1.593 triệu USD.
Lũy kế đến hết tháng 8/2023, các KCN, KKT Thành phố thu hút khoảng 498 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 24.924 triệu USD.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, thu hút DDI đạt 14.547 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ, đạt 145,47% so với kế hoạch năm (trong đó, cấp mới 9 dự án với vốn đầu tư 13.630 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn 14 dự án với vốn tăng thêm 917 tỷ đồng).
Lũy kế đến hết tháng 8/2023, các KCN, KKT Thành phố thu hút khoảng 213 dự án với tổng vốn đầu tư 308.876 tỷ đồng.
Quy hoạch của Thành phố đến năm 2025, Hải Phòng sẽ triển khai xây dựng thêm 13 KCN mới với diện tích trên 4.099 ha, nâng tổng số các KCN tại TP. Hải Phòng lên 27 KCN với tổng diện tích 12.000 ha.
Đại diện KCN DEEP C giới thiệu với Đoàn công tác quy trình xử lý nước thải trong KCN Đình Vũ (DEEP C), Hải Phòng |
Phát triển KCN sinh thái là tất yếu, bắt buộc đối với TP. Hải Phòng
Phó Trưởng Ban Bùi Ngọc Hải cho biết, việc phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái được TP. Hải Phòng đặc biệt quan tâm, nội dung này đã được Thành phố đưa vào Nghị quyết 06/NQ-TU, ngày 7/4/2022 của Thành ủy Hải Phòng về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công tác quản lý, thúc đẩy các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030, đưa vào các chương trình, nhiệm vụ hàng năm của Thành phố.
Phó Trưởng Ban Bùi Ngọc Hải chia sẻ với đoàn công tác về vai trò của lãnh đạo TP. Hải Phòng trong phát triển KCN sinh thái tại cuộc họp với Đoàn công tác |
Mục tiêu chủ yếu phát triển khu, cụm công nghiệp giai đoạn đến năm 2025 của Hải Phòng đó là, thực hiện chuyển đổi từ 2 đến 3 KCN thành KCN sinh thái. Giai đoạn đến năm 2030: Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp đã thành lập theo hướng đồng bộ, thông minh, sinh thái cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; mỗi năm thu hút vốn đầu tư từ 2,5-3 tỷ USD. Do vậy, lựa chọn phát triển KCN chất lượng cao để thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển bền vững là mục tiêu tối ưu nhất mà Hải Phòng luôn hướng tới ngay từ những ngày đầu phát triển KCN.
Cùng với đó, TP. Hải Phòng đã ban hành các định hướng phát triển, cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái, thiết lập mô hình liên kết về cộng sinh công nghiệp, đánh giá, nhận diện và thực hiện các giải pháp về tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, nước, hóa chất... nhằm cắt giảm chi phí, bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả kinh tế. Phê duyệt quy hoạch chung KKT Đình Vũ - Cát Hải. Ban hành các dự án khuyến khích đầu tư và không khuyến khích đầu tư trên địa bàn TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Huy động các nguồn lực cho phát triển KCN sinh thái. Đầu tư kết nối hạ tầng cho các KCN. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển đổi, xây dựng KCN sinh thái.
Cùng với xu hướng phát triển sinh thái, việc chuyển đổi số gắn với xây dựng hệ thống các KCN thông minh cũng đang được Thành phố chỉ đạo theo hướng gắn kết chặt chẽ các KCN, cụm công nghiệp; giữa các KCN, cụm công nghiệp với phát triển đô thị, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để hình thành một hệ sinh thái phát triển bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu COP26 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Ông Hải nhấn mạnh: “Lãnh đạo Thành phố cũng như Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nhận thức được rằng, giai đoạn này phát triển KCN sinh thái được xác định là một tất yếu, bắt buộc, chứ không phải là sự lựa chọn nữa. Để thúc thu hút đầu tư FDI và phát triển kinh tế, xã hội Thành phố hiệu quả và bền vững, đòi hỏi chính quyền các cấp Thành phố cùng các nhà đầu tư hạ tầng và thứ cấp cần phải đẩy mạnh phát triển KCN sinh thái”.
Đoàn công tác thăm quan cầu cảng hàng lỏng trong KCN Đình Vũ (DEEP C), Hải Phòng |
Tích cực hỗ trợ các KCN triển khai chuyển đổi sang KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái
Thông qua sự hỗ trợ của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải phòng, Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Cổ phần Shinec đã hợp tác với Cục Môi trường thành phố Kitakyushu và Trung tâm giảm thiểu Carbon châu Á triển khai xây dựng KCN sinh thái Nam Cầu Kiền. KCN Đình Vũ đã được UBND Thành phố giới thiệu tham gia vào dự án phát triển KCN sinh thái của UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp thực hiện.
Đối với KCN Đình Vũ (KCN DEEP C): Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức thẩm định và cho phép Công ty Cổ phần KCN Đình Vũ hợp tác với Công ty Hóa chất DOW Việt Nam để thực hiện dự án thí điểm xây dựng đường nội bộ KCN Deep C từ nhựa tái chế. Dự án thí điểm 200m đường từ nhựa tái chế đã được triển khai xây dựng từ tháng 9/2019 và tiếp tục triển khai thử nghiệm xây dựng đường nội bộ KCN Deep C2A từ nhựa tái chế với chiều dài 1.200m.
Cấp Giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án điện gió và điện mặt trời (hiện Công ty đã lắp đặt 2 cột đo gió tại KCN Deep C2B và thị trấn Cát Hải) và lắp đặt hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời với diện tích mái ở Khu nhà xưởng xây sẵn của DEEP C1 là 21.875 m2 (công suất lắp đặt 2.151,68kwp) và ở diện tích mái của nhà đầu tư thứ cấp Khu DEEP C2B là 5.760 m2 (công suất lắp đặt 933,04kwp). Tổng diện tích đã lắp đặt là 27.635 m2. Tổng công suất đã lắp đặt là 3.048,72 kwp.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại tuyến đường nội bộ từ nhựa tái chế trong KCN Đình Vũ (DEEP C), Hải Phòng |
Đối với KCN Nam Cầu Kiền: Ngày 21/3/2019, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cùng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm giảm thiểu Carbon châu Á của thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) đã ký Biên bản ghi nhớ về khuyến khích phát triển mô hình KCN sinh thái tại TP. Hải Phòng. Ngày 10/12/2019, KCN Nam Cầu Kiền và thành phố Kitakyushu đã chính thức ký kết hợp tác chuyển đổi KCN Nam Cầu Kiền trở thành mô hình KCN sinh thái thí điểm tại TP. Hải Phòng.
Đến nay, Công ty Cổ phần Shinec đã thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên một phần KCN với diện tích khoảng 339.822 m2, quy mô điện dự kiến tự cung khoảng 53.319 kWp (Kilowatt-peak). Công ty Cổ phần Shinec cũng tích cực triển khai liên kết cộng sinh công nghiệp, thu hút các ngành nghề tái chế, xử lý chất thải như: Đã thực hiện liên kết cộng sinh ngành nhựa thông qua thu hút chuỗi các nhà máy có hoạt động tái chế nhựa, sản xuất nguyên liệu thô (Công ty CP đầu tư TMDV Thủy Anh, Công ty TNHH Kyungnam, Công ty TNHH Vinatic, đến các nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa hoàn thiện (Công ty Thương mại và dịch vụ XNK Liên Minh, Công ty TNHH Cais Vina) và nhà máy xử lý chất thải (Công ty TNHH Tân Thuận Phong, Công ty TNHH TMSX Đại Thắng), cộng sinh công nghiệp trong ngành thép tại KCN (Công ty Cổ phần luyện thép cao cấp Việt Nhật) nhằm tiến tới giảm thiểu toàn diện chất thải tại KCN Nam Cầu Kiền.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại nhà máy xử lý chất thải của Công ty Tân Thuận Phong, doanh nghiệp hoạt động cộng sinh công nghiệp trong KCN Nam Cầu Kiền |
Hỗ trợ các KCN triển khai chuyển đổi sang KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái
Trong quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái tại KCN Đình Vũ và KCN Nam Cầu Kiền, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải phòng đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án KCN sinh thái triển khai các nội dung:
Ngày 24/4/2022, triển khai các hoạt động hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp cho các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ và khảo sát đánh giá bộ chỉ số về KCN sinh thái theo nội dung Công văn số 16/BQLDA-KCNST, ngày 12/4/2022 của Ban Quản lý Dự án KCN sinh thái đối với 88 doanh nghiệp thứ cấp tại KCN Đình Vũ .
Ngày 18/5/2022, chủ trì, phối hợp cùng Công ty CP KCN Đình Vũ làm việc với Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án KCN sinh thái cùng các nhà tài trợ UNIDO và SECO, đồng thời dẫn Đoàn công tác đi thăm quan, khảo sát khu vực áp dụng hệ thống năng lượng tái tạo tại KCN Đình Vũ (Hệ thống điện mặt trời áp mái, tuốc bin điện gió), khảo sát các dịch vụ (hạ tầng, xã hội) cho công nhân trong KCN, hệ thống giám sát bảo vệ môi trường của khu công nghiệp (nhà máy xử lý nước thải, hệ thống quan trắc trực tuyến, hệ thống tái sử dụng nước thải); dẫn Đoàn công tác đến làm việc và đi thăm quan các công trình sinh thái trong KCN Nam Cầu Kiền và nhà máy thép đang thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp (nhà máy xử lý nước thải, vườn sinh thái Nam Cầu Kiền, thư viện...).
Từ ngày 20/6/2022 đến ngày 29/6/2022, Ban đã phối hợp với Công ty Cổ phần KCN Đình Vũ; Chuyên gia Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam triển khai hoạt động đánh giá, nhận diện và thực hiện các giải pháp tiết kiệm (nguyên vật liệu, năng lượng, nước, hóa chất...) nhằm cắt giảm chi phí, bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả kinh tế. Nhận diện các cơ hội cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN tại 26 doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ.
Ngày 22/11/2022, tổ chức thành công Hội thảo cộng sinh công nghiệp và công cụ tài chính cho KCN sinh thái tại TP. Hải Phòng. Hội thảo có sự tham gia của các sở, ngành và các lực lượng chức năng, 11 đại diện chủ đầu tư các KCN đang hoạt động trên địa bàn TP. Hải Phòng và 50 đơn vị thứ cấp trong KCN Đình Vũ.
Tháng 6/2023, Ban Quản lý chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Dự án cùng các sở, ngành, lực lượng chức năng Thành phố tổ chức cuộc họp về nghiên cứu, xác định cơ hội cộng sinh công nghiệp giữa KCN Đình Vũ và khu đô thị. Kết quả đã thực hiện thành công việc ký kết Quy chế phối hợp giữa Công an quận Hải An và Công ty cổ phần KCN Đình Vũ trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn quận Hải An, TP. Hải Phòng ngày 12/9/2023.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT, Ban Quản lý xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho những dự án phù hợp với quy hoạch của các KCN, khu chức năng trong khu kinh tế đã được phê duyệt; chú trọng các dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tạo ra giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ, không chấp nhận những dự án có nguy cơ gây ra ảnh hưởng xấu đến môi trường, phát sinh nhiều nước thải, chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hoạt động cộng sinh công nghiệp, trong đó có nội dung phổ biến, định hướng thành lập các khu công nghiệp mới theo hướng đảm bảo các tiêu chí của KCN sinh thái, thân thiện với môi trường, từng bước chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái, tăng cường tái chế chất thải, xây dựng mô hình KCN sinh thái ngay từ khi quy hoạch.
Đoàn công tác thăm quan nhà máy xử lý chất thải trong KCN Nam Cầu Kiền |
Kinh nghiệm bước đầu phát triển KCN sinh thái tại Hải Phòng
Theo Phó Trưởng Ban Bùi Ngọc Hải, một trong những thành công bước đầu của Hải Phòng trong phát triển KCN sinh thái đó là, khái niệm KCN sinh thái giờ đã không còn xa lạ đối với các cấp chính quyền Thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thành phố. Việc nâng cao nhận thức về hiệu quả chuyển đổi sang KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái đã giúp cho Hải Phòng rút ngắn được khoảng cách chuyển đổi và thu hút được cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực.
Qua kinh nghiệm thực tiễn tại Hải Phòng cho thấy, để thực hiện việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái, phát triển KCN sinh thái mới một cách hiệu quả, cần đảm bảo thực hiện đồng bộ, tích cực các nội dung:
Cam kết mạnh mẽ, thống nhất từ lãnh đạo đến cộng đồng, doanh nghiệp về tầm quan trọng của KCN sinh thái là yếu tố tiên quyết, tất yếu phát triển.
Tạo điều kiện tối đa cho việc thực hiện chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN, phát triển KCN sinh thái mới.
Có quy hoạch tốt các KCN, đặc biệt ưu tiên các KCN trong định hướng phát triển KCN sinh thải, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định.
Có lộ trình, bước đi phù hợp cho chuyển đổi, phát triển KCN sinh thái.
Tạo các cơ chế khuyến khích cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp – đô thị, khuyến khích sử dụng hạ tầng chung, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn.
Nhận diện những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai KCN sinh thái tại Hải Phòng
Phó Trưởng Ban Bùi Ngọc Hải chia sẻ, trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển KCN sinh thái, Ban Quản lý KKT Hải Phòng nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là Vụ Quản lý các Khu kinh tế và các tổ chức quốc tế, nhất là UNIDO và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước các KCN, KKT trên địa bàn, Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã và đang hỗ trợ tích cực, toàn diện và hiệu quả cho KCN DEEP C, KCN Nam Cầu Kiền và các KCN trên địa bàn Thành phố để Hải Phòng nhanh chóng trở thành địa phương có KCN sinh thái đầu tiên và điển hình của cả nước.
Mặc dù việc phát triển KCN sinh thái tại Hải Phòng đã đạt được các kết quả tốt, tuy nhiên trong quá trình triển khai phát triển KCN sinh thái tại Hải Phòng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Khó xác định các dự án có cộng sinh công nghiệp để thu hút đầu tư.
Lệ thuộc rất nhiều vào từng doanh nghiệp trong khu, các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp trong các KCN chưa tích cực tham gia các hoạt động trong quá trình triển khai do yêu cầu hạn chế về chính sách bảo mật thông tin (công nghệ, nguyên vật liệu, tài chính) từ các tập đoàn mẹ hoặc chính công ty.
Chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn về tái sử dụng chất thải phục vụ cho cộng sinh công nghiệp (sử dụng nước thải sau xử lý, sử dụng rác thải nhựa làm vật liệu xây dựng, sử dụng điện dư thừa từ các đơn vị tự sản xuất điện trong KCN, chính sách đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia).
Việc sử dụng hạ tầng chung còn bất cập, các doanh nghiệp có hạ tầng có thể dùng chung chưa tin tưởng lẫn nhau, (thực tế chưa chia sẻ, dùng chung hệ thống hơi, hệ thống xử lý nước thải). Khó xác định được quan hệ cộng sinh công nghiệp ngay từ khi thu hút đầu tư.
Khó khăn về cơ chế sử dụng điện áp mái trong cấp phép lắp hệ thống điện trên mái nhà xưởng, kết cấu chịu lực và việc thay đổi, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Các đơn vị phát triển KCN gặp thách thức giữa thu hút nhà đầu tư, thu hồi lợi nhuận và việc phát triển KCN sinh thái bền vững nhưng cần nhiều thời gian, tốn kém và kén chọn nhà đầu tư thứ cấp.
Hiện nay một số công ty thứ cấp trong các KCN trên đã thực hiện được một số nội dung về sinh thái như: Nghiên cứu, triển khai về sản xuất sạch hơn, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải chất thải, cộng sinh công nghiệp. Tuy nhiên, các công ty vẫn đang trong quá trình tự nghiên cứu, học tập, triển khai thí điểm.
Việc triển khai thực hiện KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định số 82/NĐ-CP, ngày 22/5/2018 (trước đây) và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 mới đây của Chính phủ quy định về KCN và KKT và phát triển KCN sinh thái, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các nội dung trên. Do vậy, các hoạt động về triển khai mô hình KCN sinh thái của doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát, thực nghiệm, chưa thể hoàn thiện hồ sơ để gửi lên cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp Giấy chứng nhận KCN sinh thái cho các KCN.
Cố vấn trưởng dự án KCN sinh thái tại Indonesia Dutt Salil chia sẻ kinh nghiệm phát triển KCN sinh thái tại Indonesia |
Chia sẻ với những thách thức trong phát triển KCN sinh thái tại Hải Phòng, Cố vấn trưởng dự án KCN sinh thái tại Indonesia, ông Dutt Salil cho rằng, kinh nghiệm phát triển KCN sinh thái tại Indonesia cho thấy, từ việc phát hiện ra cơ hội cộng sinh công nghiệp đến việc thuyết phục các doanh nghiệp tham gia vào cộng sinh công nghiệp thật sự không phải là điều dễ dàng, nhất là khi đối tác thực hiện cộng sinh công nghiệp không đến từ cùng một quốc gia nên niềm tin chưa có. Do đó, cần thiết phải có sự “xuất hiện” của các cơ quan nhà nước để điều phối, vận hành (liên quan đến môi trường đầu tư của các doanh nghiệp) và phụ thuộc vào quá trình thuyết phục (các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, văn hóa…). Để giải quyết hiệu quả thách thức này, chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch, sẽ xây dựng các KCN chuyên biệt cho các doanh nghiệp đến cùng một quốc gia để tạo được niềm tin ngay từ đầu, cùng chia sẻ, cùng phát triển và hợp tác dài lâu. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều niềm tin vào sự phát triển của KCN sinh thái, để tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn, bền vững hơn. Về thuận lợi của Indonesia đó là dân số đông sẽ kích thích sản xuất hàng tiêu dùng và ngành công nghiệp phát triển.
Bà Nguyễn Trâm Anh, chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp |
Trao đổi kinh nghiệm trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp, bà Nguyễn Trâm Anh, chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO cho biết: Một trong những yếu tố thúc đẩy thực hiện công sinh công nghiệp là thông tin về các loại sản phẩm phụ phát sinh từ các doanh nghiệp này có thể chia sẻ với doanh nghiệp khác. Đôi khi các doanh nghiệp trong cùng một KCN không hề biết thông tin của nhau. Vì thế, vai trò của Ban Quản lý các KCN và công ty phát triển hạ tầng KCN là rất quan trọng trong việc cung cấp các thông tin cần thiết (trong điều kiện các doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ thông tin) và là cầu nối hữu hiệu giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với các cơ quan chức năng và giữa các chủ đầu tư các KCN trong cùng địa phương với nhau; tổ chức các cuộc gặp mặt, giao lưu giữa các doanh nghiệp trong cùng một KCN hoặc giữa các KCN với chính quyền địa phương để tạo sự kết nối, chia sẻ và hợp tác đầu tư hiệu quả (Lễ ký kết hợp tác trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giữa KCN DEEP C và Công an quận Hải An ngày 12/9 là một ví dụ điển hình).
“Để thúc đẩy việc cung cấp thông tin thực hiện cộng sinh công nghiệp kịp thời, Dự án KCN sinh thái của UNIDO đã dự kiến sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất thải trực tuyến cho các đơn vị sẵn sàng tham gia. Theo đó, các doanh nghiệp có thể biết được các loại chất thải, thời gian và số lượng chất thải của các doanh nghiệp khác để có sự hợp tác thực hiện cộng sinh công nghiệp. Dự kiến việc quản lý thông tin do KCN quản lý và sẽ được hỗ trợ áp dụng trong thời gian tới”, chuyên gia UNIDO nhấn mạnh.
Cần có sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả và toàn diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tài trợ
Ông Hải cho biết, mặc dù còn gặp rất nhiều những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái, song với quyết tâm cao của lãnh đạo TP. Hải Phòng và các cấp chính quyền Thành phố, cùng sự chung tay vào cuộc của các nhà đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp KCN, Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã và đang phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Dự KCN sinh thái, các Ban Quản lý các KCN, KKT tại các địa phương tham gia dự án (TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng) và các bộ, ban ngành chức năng để tích cực đẩy mạnh các hoạt động thực tiễn về chuyển đổi, phát triển KCN sinh thái tại Hải Phòng, cũng như đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, ban hành các giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp nhất cho việc phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam.
Phó Trưởng Ban Bùi Ngọc Hải khẳng định, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho các KCN và các doanh nghiệp triển khai KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái thành công |
Kết thúc buổi làm việc, chuyên gia UNIDO Nguyễn Trâm Anh đánh giá cao những cố gắng nỗ lực, quyết tâm cao của Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng trong việc thúc đẩy phát triển KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái tại Hải Phòng. Đồng thời khẳng định trong 3 ngày Đoàn công tác của Việt Nam và Indonesia làm việc tại Hải Phòng đã có những trải nghiệm hết sức thú vị và quý báu, đã có nhiều cuộc trao đổi, thảo luận và chia sẻ những thông tin hết sức hữu ích về tình hình phát triển KCN sinh thái và triển khai các hoạt động cộng sinh trong các KCN của Hải Phòng và Indonesia.
Bà Trâm Anh hy vọng, trong thời gian tới, dự án KCN sinh thái sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển KCN sinh thái giữa Việt Nam và Indonesia, để thúc đẩy phát triển KCN sinh thái của hai nước, tạo lực kéo “biến” Việt Nam và Indonesia trở thành tâm điểm tăng trưởng của trung tâm ASEAN.
Thay mặt Đoàn công tác của Indonesia, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Bộ Công nghiệp Indonesia Heru Kustanto chân thành cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền và DEEP C đã dành cho Đoàn.
Vụ trưởng Heru Kustanto khẳng định, chuyến công tác tại Hải Phòng đã minh chứng cho thấy những chuyển biến tích cực của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng trong phát triển KCN sinh thái là rất đáng khâm phục và là một bài học quý giá để Indonesia học tập kinh nghiệm, từ đó vận dung linh hoạt trong phát triển KCN sinh thái tại Indonesia.
“Cộng sinh công nghiệp chính là một trong những phương pháp để đưa nền kinh tế hiện tại đến gần hơn với nền kinh tế tuần hoàn, góp phần cải thiện hiệu quả ba trụ cột quan trọng: môi trường, kinh tế và xã hội để giúp Việt Nam có những bước đi đúng đắn nhất, nhanh nhất và phát triển bền vững nhất. Xin chúc các bạn tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa để xây dựng và phát triển các KCN sinh thái tại Việt Nam toàn diện và bền vững. Xin hẹn gặp lại các bạn trong tháng 10 tới tại Indonesia”, Vụ trưởng Heru Kustanto phát biểu tạm biệt Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng./.
Bình luận