Phát triển kinh tế tư nhân: Nỗ lực có, nhưng chưa đủ!
“Yếu” và “thiếu”
Tại Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân đã phải trải qua một chặng đường đầy thăng trầm, nhiều biến động. Đã có những thời kỳ, kinh tế tư nhân bị xem là bất hợp pháp, bị quy chụp là "tư bản mới". Song, như một tất yếu của quy luật phát triển, khi đất nước bước vào thực hiện đường lối "Đổi mới", Nhà nước từ bỏ vai trò độc quyền trong hoạt động kinh tế và công nhận thành phần kinh tế tư nhân, khu vực này đã không ngừng lớn mạnh, nhất là khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Diện mạo của khu vực kinh tế tư nhân đã có sự thay đổi rõ nét, số lượng doanh nghiệp tư nhân không ngừng phát triển với quy mô rộng lớn hơn. Thống kê hiện nay cho thấy, Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, chiếm tỷ trọng hơn 95% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tính bình quân giai đoạn 5 năm 2011-2015, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 86% tổng số lao động, 36%-38% số vốn đầu tư và sản xuất ra 47%-48% GDP cả nước/người.
Riêng năm 2016, với chủ trương khuyến khích khởi nghiệp đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và sâu rộng trong xã hội. Kết quả là, lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn so với năm 2015. Tháng 01/2017, cả nước có thêm 8.990 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 90.283 tỷ đồng, tăng 8,1% về số doanh nghiệp và tăng 52,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Năm 2016 có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới |
Sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam cũng đang tạo ra những thế hệ doanh nghiệp ngày càng năng động và chuyên nghiệp hơn. Những cái tên như Tập đoàn Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Trung Nguyên… đã và đang trở thành niềm tự hào của người Việt.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp có sức vươn mình mạnh mẽ, thì cũng có không ít doanh nghiệp đang phải “oằn mình” kiếm sống. Điều đáng nói là con số doanh nghiệp này không phải ít. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy mô và nội lực của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đa phần còn nhỏ và yếu. Cụ thể, 96% là quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn.
Với quy mô nhỏ, các doanh nghiệp khó có thể tham gia vào chuỗi kinh tế toàn cầu. Theo số liệu được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 (VBF 2016), hiện mới có 21% doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó, con số này ở Thái Lan là 30%, Maylaysia là 46%.
Bên cạnh đó còn phải kể đến hiệu quả kinh doanh chưa cao khi mà đa phần buôn bán kiểu chộp giật. Theo VCCI, có tới 60% số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động không có lãi hoặc thua lỗ trong năm 2016.
Điều này dẫn đến số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn ngày càng tăng. Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, năm 2016, cả nước có 12.373 doanh nghiệp giải thể, tăng 30,7%; 19.995 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tháng 01/2017, cả nước cũng có 1.583 doanh nghiệp giải thể, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 92,2% trên tổng số doanh nghiệp giải thể.
Trong khi đó, một đất nước muốn phát triển được, thì phải là một nước có nhiều doanh nghiệp. Bình quân của các nước khoảng từ 45-60 người, thì có 1 doanh nghiệp. Vậy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều, mà “chết” cũng nhiều, bình quân lên tới 80%-90% doanh nghiệp, thì bao giờ Việt Nam mới có doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, thì hơn 100 năm nữa mới đạt được.
Vì sao nên nỗi?
Trên thực tế, Việt Nam đã có không ít những chính sách để khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, khối kinh tế này vẫn khó phát triển.
Theo đánh giá của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nỗ lực nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân nhiều năm qua là có, nhưng chưa đủ mức. Một biểu hiện rất rõ là cải cách doanh nghiệp nhà nước chưa thực chất khi chưa làm thay đổi căn bản về quản trị. Điều đó cản trở doanh nghiệp tư nhân trong việc có cơ hội kinh doanh bình đẳng và tiếp cận nguồn lực để phát triển.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, kinh tế tư nhân vẫn chịu sự phân biệt đối xử. Mặc dù, hệ thống pháp luật, chính sách… khẳng định kinh tế tư nhân bình đẳng với kinh tế nhà nước, nhưng Nhà nước vẫn coi khu vực kinh tế nhà nước là chủ đạo và khu vực này được phân bổ 50% nguồn lực quốc gia, trong khi chỉ chiếm 0,02% tổng số doanh nghiệp.
Ngoài việc bị phân biệt đối xử, kinh tế tư nhân bị cản bởi những hạn chế cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để, như: vay vốn, lãi suất, nhân lực, chi phí không chính thức... gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khảo sát mới đây của VCCI tại 600 doanh nghiệp cho thấy, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp đánh giá tinh thần phục vụ doanh nghiệp của các bộ, ngành và các tỉnh, thành có thay đổi tích cực so với trước, trên 40% đánh giá có thay đổi nhưng chưa nhiều và có khoảng 30% đánh giá không thay đổi và thay đổi kém tích cực.
Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo không thanh tra kiểm toán doanh nghiệp nhiều lần, nhưng theo khảo sát tại 600 doanh nghiệp của VCCI, vẫn còn tình trạng thanh tra 2 lần trở lên/năm. Trong đó, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra có nội dung giống nhau hoàn toàn hoặc giống nhau một phần.
Một số hiện tượng cục bộ tại các ban, ngành, địa phương gần đây đang phát đi những tín hiệu xấu về môi trường kinh doanh, khiến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về một “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ” giảm dần. Điển hình như: việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng theo Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND, ngày 13/12/2016 của HĐND TP. Hải Phòng; Hay như đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 8.000 đồng/lít trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường mới đây của Bộ Tài chính.
Những phân biệt, đối xử, cùng với những khó khăn, rủi ro trong môi trường kinh doanh chính chính là nguyên nhân làm “thui chột” động lực kinh doanh của kinh tế tư nhân.
Để kinh tế tư nhân phát triển!
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, VCCI, để khu vực tư nhân có hiệu quả, thì cần nhiều giải pháp lớn, nhất là việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng. “Nguồn lực trong xã hội cần đến được nơi tốt nhất, đừng phân biệt đối xử”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, cần tháo bỏ những rào cản hiện tại mà chỉ có những ông lớn tham gia, như: muốn xuất khẩu gạo phải có kho bãi, máy sát; muốn kinh doanh gas phải có trăm ngàn bình; hay như quy định về 20 ngành nghề độc quyền nhà nước... “Tại sao một số lĩnh vực tư nhân làm hiệu hơn hẳn, chi phí giảm, chất lượng tốt hơn lại không được khuyến khích tham gia?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng, để phát triển kinh tế tư nhân, thì cần phải có một cơ chế hỗ trợ hiệu quả hơn. Bằng cách: (1) Thúc đẩy các tổ chức tài trợ vốn phù hợp; (2) Hỗ trợ dựa trên cơ chế thị trường, chứ không phải cấp phát; (3) Thúc đẩy thị trường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vì trình độ của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao và chưa đồng đều; (4) Tăng cường các biện pháp liên kết doanh nghiệp, bởi hiện nay khu vực tư nhân khá rời rạc, tranh bán, tranh mua rất mạnh, khác với các nước là họ liên kết lại bằng những luật chơi nhất định.
Còn theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương, Chính phủ Việt Nam phải phát huy vai trò của mình, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường, phân định rõ giới hạn Nhà nước và thị trường, đặc biệt Nhà nước cần phải thay đổi để hướng đến kinh tế thị trường, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, vai trò kiến tạo hỗ trợ.
“Các mục tiêu cần được triển khai bằng chương trình hành động cụ thể, xóa bỏ những rào cản, vướng mắc và gánh nặng do doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, bà Kwakwa khuyến nghị.
Ở góc độ khác, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, đó là cần tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
“Với doanh nghiệp FDI, hợp tác với doanh nghiệp tư nhân trong nước cần được coi như trách nhiệm xã hội đối với nơi mà họ đến đầu tư, đó cũng chính là lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài, có được đối tác mạnh thì họ cũng có thể có năng lực cạnh tranh cao hơn”, ông Lộc bày tỏ quan điểm./.
Bình luận