Từ khóa: tín dụng xanh, Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển tín dụng

Summary

By examining the system of legal documents and the current status of green credit in the Mekong Delta region from 2018 to present, the article systematizes the successes as well as the shortcomings in financing for green credit development in this region recently. On that basis, the author proposes some solutions to improve the efficiency of green credit activities in the Mekong Delta in the coming time.

Keywords: green credit, Mekong Delta, credit development

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, ĐBSCL đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; những yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu hợp tác, liên kết; kết cấu hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; các hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp còn bất cập, hiệu quả chưa cao; biến động thị trường khó lường với xu hướng tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao. Các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng đang được đầu tư, nhưng còn chậm đưa vào khai thác làm cho vùng không có nguồn lực mới để phát triển.

Trước những thách thức đó, ngày 28/12/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg về việc quy hoạch vùng BĐSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này nêu rõ quan điểm: “Phát triển ĐBSCL gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh”. Để thực hiện được quan điểm đó, phát triển tín dụng xanh để tài trợ cho các dự án là điều hết sức cần thiết thúc đẩy cho kinh tế khu vực phát triển theo định hướng của Vùng.

Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển triển ĐBSCL theo hướng phát triển nền kinh tế xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiên được chiến lược đó, việc phát triển tín dụng xanh là điều hết sức cần thiết đóng vai trò chủ đạo cho việc phát triển kinh tế của khu vực thời gian tới.

KHÁI NIỆM TÍN DỤNG XANH

Tín dụng xanh là khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam, nó được hiểu là tín dụng góp phần hoàn thành mục tiêu kép: tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

Theo Aizawa và Yang (2010), tín dụng xanh là một trong số những giải pháp áp dụng để đối phó với các thách thức môi trường và xã hội của thế giới thông qua các công cụ tài chính. Tín dụng xanh là một biểu hiện của tài chính bền vững nhằm mục đích hướng đến sự phát triển bền vững.

Điều 149, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho các dự án đầu tư sau đây: (i) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; (ii) Ứng phó với biến đổi khí hậu; (iii) Quản lý chất thải; (iv) Xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; (v) Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; (vi) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; (vii) Tạo ra lợi ích khác về môi trường.

KHUNG PHÁP LÝ VỀ TÍN DỤNG XANH TẠI VIỆT NAM

Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 (theo Quyết định 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) phục vụ tăng trưởng xanh giai đoạn 2013-2020 với 3 nhiệm vụ chủ yếu: (i) Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; (ii) Tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các NHTM và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính - tín dụng xanh; (iii) Xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh. Năm 2015, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN, ngày 24/3/2015 thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của các NHTM được khuyến khích ưu tiên cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Thông qua Chỉ thị 03, Thống đốc NHNN yêu cầu Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị khác triển khai xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh theo định hướng, mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo chi nhánh NHNN tại các địa phương tham mưu cho lãnh đạo NHNN nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Riêng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), Thống đốc yêu cầu mỗi đơn vị căn cứ trên chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng như kế hoạch hành động của bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố để triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh cụ thể cho đơn vị của mình nhằm tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng.

Tại Quyết định số 1552/QĐ-NHNN, ngày 06/8/2015 của NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 đã đưa ra mục tiêu nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành Ngân hàng trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh. Năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 quy định về cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, trong đó có quy định nguyên tắc cho vay của TCTD đối với khách hàng phải phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Năm 2018, NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN, ngày 07/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, trong đó xác định mục tiêu hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường. Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ban hành kèm theo Quyết định số 1731/QĐ-NHNN, ngày 31/8/2018 của Thống đốc NHNN đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan, như: (i) Khuyến khích các TCTD thiết kế và triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với đặc thù của các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; (ii) Các TCTD phát triển các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng có tính tới lợi ích về môi trường; ưu tiên phát triển sản phẩm huy động và cho vay vốn tín dụng đối với các dự án hoặc doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng.

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, NHNN thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng xanh. Ngày 23/12/2022, NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN về việc hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có hiệu lực từ ngày 01/6/2023).

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG XANH TẠI ĐBSCL

Kết quả đạt được

Sản phẩm và dư nợ tín dụng xanh

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, ngành ngân hàng đã triển khai các nội dung có liên quan về phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Một số NHTM tại Việt Nam có tỷ trọng tín dụng xanh cao, như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTM Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), NHTM Cổ phần Tiên Phong (TPBank), NHTM Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), NHTM cổ phần Nam Á (Nam A Bank), NHTM Cổ phần Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HD Bank). Một số sản phẩm tín dụng xanh chủ yếu của các ngân hàng này được trình bày cụ thể tại Bảng 1.

Bảng 1: Các sản phẩm cho vay tín dụng xanh của một số NHTM có tỷ trọng cho vay lớn tại ĐBSCL

Ngân hàng

Mục đích vay

Lãi suất vay

Thời hạn vay

BIDV và Agribank

Năng lượng sạch/nông nghiệp xanh và các dự án giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải

Trung, dài hạn: 8,7%/năm trong 3 năm đầu; Từ năm thứ 4: Lãi suất tiết kiệm 12 tháng + biên độ 4%.

Tối thiểu 2 năm

Vietinbank

Đối với các dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lượng thuộc chương trình tín dụng môi trường EIB, chương trình tín dụng GCPF, dự án năng lượng tái tạo REDP

Trung, dài hạn: 8,1%/năm.

Tối thiểu 2 năm

Sacombank

Đối với chiến lược phát triển, quy trình sản xuất hoặc mục đích sử dụng vốn vay không rủi ro đối với môi trường góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung

Ngắn hạn: 8,5%/năm trong 1 năm đầu; Từ các năm sau: 9,5%.

Tối đa 8 năm

Nam A Bank

Các nhu cầu đầu tư kinh doanh, tiêu dùng thân thiện với môi trường; dự án thúc đầy giảm khí thải CO2 và dự án tiết kiệm 20% năng lượng.

Ngắn hạn: 7%/năm: Trung, dài hạn: 8,8%/năm trong 24 tháng đầu; Gói ưu đãi: 7,7%/năm

Tối đa 2 năm.

MBBank

Ngành năng lượng tái tạo và xây dựng các sản phẩm xanh vào mục đích cung cấp sản phẩm cho vay hiện có, như: Cho vay các dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời; cho vay các dự án về xử lý rác thải, chất thải, khí thải.

Trung, dài hạn: Áp dụng biên độ 2,8%/năm (thông thường biên độ 3%/năm).

Tối đa 15 năm

HDBank

Dự án năng lượng tái tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dư án điện năng lượng mặt trời thương mại và điện mặt trời áp mái.

Phê duyệt theo từng trường hợp cụ thể

Tối đa 10 năm

SHB

Dự án cho về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Ưu đãi lãi suất từ 1%-1,5% so với lãi suất thông thường

Tối đa 10-15 năm

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Qua số liệu báo cáo của NHNN về hoạt động tín dụng của ngành Ngân hàng tại các tỉnh thuộc ĐBSCL cho thấy, tín dụng xanh đã được thúc đẩy phát triển từ năm 2016, sau khi Quyết định số 1552/QĐ-NHNN được ban hành. Các chính sách của NHNN về hỗ trợ tín dụng xanh được triển khai mạnh mẽ thông qua các chương trình, dự án (Trần Thanh Long, 2023).

Giai đoạn 2018-2021, dư nợ tín dụng xanh của ĐBSCL đã tăng từ 44.870 tỷ đồng vào năm 2018 lên 71.015 tỷ đồng vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân cho cả giai đoạn là 16,5%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng tín dụng chung giai đoạn là 11,8%. Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh so với tổng dư nợ cũng tăng hàng năm (Bảng 2) cho thấy rằng, các chính sách ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, sự hưởng ứng của các TCTD, nhận thức của doanh nghiệp về tín dụng xanh đã giúp các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch nhiều hơn về các lĩnh vực này nhằm phát triển kinh tế của khu vực theo hướng kinh tế xanh như định hướng.

Bảng 2: Dư nợ tín dụng xanh ĐBSCL Giai đoạn 2018-2021

Đơn vị: Tỷ đồng

Chỉ tiêu

2018

2019

2020

2021

Dư nợ tín dụng xanh

44.870

55.238

64.980

71.015

Tổng dư nợ tín dụng

867.782

989.214

1.117.012

1.215.137

Tỷ lệ dư nợ tín dụng xanh/tổng dư nợ (%)

5,17

5,58

5,82

5,84

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo thường niên của các TCTD khu vực ĐBSCL

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng xanh

Giai đoạn 2018-2021, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng xanh liên tục tăng qua các năm và tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của khu vực, trong đó tốc độ tăng năm 2019 là cao nhất cho cả giai đoạn (Hình). Nguyên nhân là do thời gian này, NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, nên các ngân hàng có cơ sở để đưa ra các loại hình tín dụng phù hợp để thực hiện chủ trương tiến đến xây dựng ngân hàng xanh. Quyết định này nêu rõ các NHTM sẽ được ưu tiên cho vay ưu đãi đối với các gói tín dụng xanh trong nghiệp vụ cho vay tái cấp vốn, chưa nói đến các vấn đề khác như xếp loại ngân hàng và hàng loạt các ưu đãi khác.

Phát triển tín dụng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long
Nguồn: Tính toán của tác giả

Về cơ cấu cho vay

Bảng 3: Dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2018-2021 theo lĩnh vực

Đơn vị: Tỷ đồng

Chỉ tiêu

2018

2019

2020

2021

Dư nợ

Tỷ trọng (%)

Dư nợ

Tỷ trọng (%)

Dư nợ

Tỷ trọng (%)

Dư nợ

Tỷ trọng (%)

Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản

11.789

70,8

12.980

68,6

13.970

65,1

15.150

63,9

Xử lý chất thải

1.080

6,5

1.874

9,9

2.440

11,4

3.280

13,8

Du lịch xanh

1.598

9,6

1.790

9,5

2.162

10,1

1.790

7,5

Năng lượng tái tạo

2.180

13,1

2.275

12,0

2.874

13,4

3.498

14,7

Tổng cộng

16.647

100

18.919

100

21.446

100

23.718

100

Nguồn: Tổng hợp báo cáo thường niên của các TCTD khu vực ĐBSCL

Bảng 3 cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2021, dư nợ cho vay tín dụng xanh cao nhất là lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, năng lượng tái tạo, lĩnh vực xử lý chất thải có xu hướng tăng và giảm dần ở lĩnh vực du lịch. Nguyên nhân là do ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, như: Chương trình phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; Đề án Đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2030; Đề án Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; Dự án đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thích ứng với BĐKH… tất cả những chương trình này đều được cho vay ưu đãi và thuộc nguồn tín dụng xanh.

Hiện nay, tại ĐBSCL có rất nhiều dự án điện gió dọc bờ biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, trong đó dự án điện gió tỉnh Bạc Liêu là dự án có công suất lớn nhất khu vực ĐBSCL. Các lĩnh vực còn lại như: xử lý rác thải, du lịch xanh về giá trị có tăng, nhưng đối với lĩnh vực du lịch xanh có xu hướng chậm lại do tình hình chung của nền kinh tế. Ngoài ra, thực hiện chính sách mua điện năng lượng áp mái của Chính phủ cũng là một trong những nguyên nhân giúp dư nợ tín dụng xanh thời gian qua tại ĐBSCL tăng đáng kể.

Những hạn chế trong việc phát triển tín dụng xanh tại ĐBSCL

- Một số dự án không thân thiện, thậm chí có nguy cơ cao đối với môi trường đã được cấp phép đầu tư mà thiếu sự cân nhắc đầy đủ về bảo vệ môi trường. Nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường buộc chính quyền địa phương phải xử lý. Thực tiễn này cho thấy, các TCTD cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sớm những rủi ro này trong hoạt động cấp tín dụng, như: các dự án nuôi trồng thủy sản xâm hại rừng ven biển, các dự án điện gió có tác động tiêu cực đến đời sống người dân…

- Việc tuân thủ các yêu cầu cao hơn về đảm bảo an toàn môi trường có thể làm giảm tính cạnh tranh, vì khách hàng thường có xu hướng tìm đến những ngân hàng với thủ tục cấp tín dụng cởi mở và đơn giản hơn; nhiều chính sách bảo vệ môi trường đã được ban hành, nhưng tính tuân thủ chưa cao.

- Nhiều ngành nghề của địa phương hiện hoạt động rất hiệu quả và thuộc lĩnh vực tài trợ tín dụng xanh, nhưng xét về mặt môi trường lại không đủ điều kiện vay, như: các nhà máy bột cá, chế biến thủy sản, do chưa đảm bảo về mặt môi trường.

- Thủ tục quy định quá phiền hà, nhiều doanh nghiệp chưa đủ nhận thức hoặc chưa đủ điều kiện về mặt thủ tục, nên không tiếp cận được với nguồn vốn này.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG XANH TẠI ĐBSCL

Để thực hiện được quan điểm: “Phát triển ĐBSCL gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh”, việc phát triển tín dụng xanh là hết sức cần thiết. Theo đó, thời gian tới, cần lưu ý các giải pháp sau:

Thứ nhất, NHNN nên hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết về tín dụng xanh để các ngân hàng có cơ sở thực hiện, trong đó cần quy định chi tiết về các điều kiện cho vay đối với các ngành nghề, đặc biệt đối với các DNNNV, cá nhân thì cần phải có những quy định cởi mở hơn trong cho vay.

Thứ hai, các bộ, ngành liên quan cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tiêu chí môi trường đối với dự án hoặc hạng mục của dự án được cấp tín dụng xanh. Việc xây dựng danh mục phân loại xanh gắn với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể là cần thiết đối với các TCTD khi xét duyệt cho vay.

Thứ ba, các NHTM cần tiếp tục xây dựng các chính sách riêng cho hoạt động tín dụng xanh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tín dụng xanh một cách đa dạng hơn, sử dụng hợp lý các nguồn vốn từ các ngân hàng hay các chương trình dự án của Nhà nước ưu đãi cho các dự án “xanh” để phát huy việc huy động nguồn vốn và cho vay hiệu quả đối với các dự án.

Thứ tư, cần phải mở rộng các hình thức cho vay tín dụng xanh đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa và cá nhân, vì đây là những đối tượng có nhu cầu vay nhiều nhất, tác động nhanh nhất đến môi trường.

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương phát triển kinh tế xanh, tín dụng xanh đến các cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp, người dân từ đó giúp họ chuyển hướng sản xuất, kinh doanh sang các lĩnh vực kinh tế xanh, góp phần phát triển bền vững khu vực ĐBSCL./.

TS. Ngô Văn Thiện - Trường Đại học Kiên Giang

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Motoko Aizawa, Chaofei Yang (2010), Green Credit, Green Stimulus, Green Revolution? China’s Mobilization of Banks for Environmental Cleanup, The Journal of Environment & Development, 19.

2. Các TCTD tại vùng ĐBSCL (2019-2022), Báo cáo thường niên các năm, từ năm 2018 đến năm 2021.

3. Nguyễn Quốc Anh (2022), Tín dụng xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển, Tạp chí Công thương, số 18.

4. Trần Thanh Long (2023), Tăng trưởng tín dụng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chính Ngân hàng, số 04/2023.

5. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28/02/2022 về việc quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

6. Trần Thế Anh (2022), Thực trạng triển khai tín dụng xanh đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển tín dụng xanh trong thời gian tới, truy cập từ http://tapchimoitruong.vn/dien-dan--trao-doi-21/thuc-trang-trien-khai-tin-dung-xanh-de-xuat-mot-so-giai-phap-thuc-day-phat-trien-tin-dung-xanh-trong-thoi-gian-toi-27268.