Chủ động cân bằng tài chính và áp lực thanh khoản

Theo nhận định của PwC, khi biến thể Delta tiếp tục ‘thách thức’ cả thế giới, doanh nghiệp bị đẩy vào tình thế bấp bênh khi gặp phải hoặc dự đoán trước những hạn chế đáng kể về tiền mặt và vốn lưu động, bao gồm cả những thử thách tiềm tàng về thanh khoản. Để đảm bảo sức khỏe tài chính, doanh nghiệp sẽ cần phải cân bằng tài chính và áp lực thanh khoản trước khi được tiếp cận các gói hỗ trợ từ Chính phủ.

Quản lý tiền mặt trong bối cảnh đầy biến động từ dịch Covid 19
PwC Việt Nam cho rằng, việc kiểm soát sát sao dòng tiền là vô cùng quan trọng trong bối cảnh đầy biến động hiện nay

Ngay từ những ngày đầu bùng phát đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách hỗ trợ khác nhau để giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và người dân. Gói trợ cấp mới nhất theo Nghị quyết 68/NQ-CP trị giá 1,13 tỷ USD. Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam rất mong chờ các gói hỗ trợ từ phía Chính phủ, nhưng họ lại gặp phải khó khăn do quy trình đăng ký khá phức tạp. Theo kết quả của một khảo sát từ VCCI vào tháng 12 năm 2020, có tới 86% doanh nghiệp cho rằng các chính sách hỗ trợ là hữu ích cho hoạt động kinh doanh của họ. Tuy nhiên, việc tiếp cận các gói hỗ trợ này lại không hề dễ dàng.

Khả năng nhận biết dòng tiền là chìa khóa cho việc quản lý thanh khoản

Ông Mohammad Mudasser, Giám đốc - Dịch vụ Tư vấn Thương vụ của PwC Việt Nam cho rằng, khủng hoảng không xảy ra tức thì mà tích lũy dần qua thời gian, do đó doanh nghiệp cần phải hành động trước khi quá muộn.

“Việc kiểm soát sát sao dòng tiền là vô cùng quan trọng trong bối cảnh đầy biến động hiện nay. Doanh nghiệp thuộc mọi ngành kinh tế đang phải đối mặt với suy giảm doanh thu. Hơn nữa, việc chậm thu hồi các khoản phải thu và các thỏa thuận thanh toán sớm đã dẫn đến suy yếu dòng tiền. Rõ ràng, một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay của các tổ chức là phương pháp quản lý tiền mặt”, ông Mohammad Mudasser nhấn mạnh.

Nói đến bối cảnh Việt Nam, ông Mohammad Mudasser nhận định: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ phi thường, đòi hỏi doanh nghiệp tái thiết lập các hoạt động kinh doanh, trong đó khả năng nhận biết và kiểm soát dòng tiền là vấn đề cốt tử nhằm giúp doanh nghiệp có thể vượt qua được các khó khăn về tài chính trước tác động nặng nề từ làn sóng dịch Covid-19". Đại diện PwC khuyến nghị bộ phận chức năng ngân quỹ doanh nghiệp có thể giúp đặt ra các ưu tiên cho chi tiêu cho tương lai dựa trên nhu cầu hoạt động, đánh giá các cơ chế tài chính thay thế như tài trợ chuỗi cung ứng và sử dụng các dữ liệu cũng như phân tích để tăng cường khả năng quản lý rủi ro giao dịch, tín dụng.

Ấn phẩm “Duy trì và quản lý tiền mặt” cung cấp cái nhìn tổng quan về các câu hỏi cần đặt ra và những lưu ý nổi bật liên quan đến áp lực về quản lý tiền mặt tại các tổ chức và doanh nghiệp. Ấn phẩm này là phần nối tiếp của báo cáo cùng tên do PwC ra mắt vào tháng 4/2020.