Định chế tài chính Fintech tại Việt Nam: Từ lý luận đến thực tiễn
Từ khóa: Fintech, định chế tài chính, cơ sở pháp lý, thương mại điện tử, big data, ngân hàng thương mại, kinh tế số
Summary
Currently, Fintech products are widely used globally. The operations of Fintech companies are both highly technical and having a colour of a financial company. From that reality, the article raises theoretical issues to confirm the financial institutions of Fintech companies. On that basis, the author affirms the need to complete the legal corridor with appropriate policies for Fintech Vietnam to thrive, contributing to the stable development of the country.
Keywords: Fintech, financial institutions, legal basis, e-commerce, big data, commercial banks, digital economy
GIỚI THIỆU
Dựa trên nền tảng của 3 công cụ lớn: tiến bộ của công nghệ thông tin, kỹ thuật xử lý dữ liệu Big Data, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và kinh tế số, hoạt động của Fintech tương tự như là hoạt động của những công ty tài chính với đặc thù riêng. Vậy câu hỏi hiện nay sẽ là các công ty Fintech có thể coi là một ngành kinh tế mới chưa? Có thể coi đó là những định chế tài chính chưa? Nghiên cứu này phần nào trả lời được các câu hỏi trên.
FINTECH - ĐỊNH CHẾ TÀI CHÍNH MỚI NỔI
Khái niệm định chế tài chính
Để trả lời những câu hỏi này, từ góc độ lý luận, cần xem lại những khái niệm cơ bản của một định chế tài chính.
Theo Nguyễn Văn Ngọc (2006), định chế tài chính là thể chế, loại hình doanh nghiệp của chính phủ hay tư nhân được thành lập theo luật định, thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài chính. Đó là các tổ chức kinh tế đóng vai trò trung gian để chuyển vốn đầu tư của nền kinh tế từ người cho vay đến người đi vay theo những điều khoản hợp đồng được ký kết theo luật định cho phép. Vai trò của các định chế tài chính thể hiện qua các nhiệm vụ sau:
-
Kiểm soát dòng tiền trong nền kinh tế. Với chức năng chuyển vốn từ người cho vay đến người vay theo các điều khoản hợp đồng được ký kết, các định chế phải kiểm soát được quá trình chu chuyển của vốn cũng như phương thức hoạt động của dòng tiền, hiệu quả của vốn vay. Như vậy, các định chế tài chính đóng vai trò then chốt của nền kinh tế.
-
Tiết kiệm trong giao dịch. Thông qua hỗ trợ của định chế tài chính, các nhà đầu tư sẽ được hưởng những ưu đãi trong quá trình vay vốn, sẽ có những công cụ để kiểm soát hoạt động của vốn vay, từ đó sẽ giảm thiểu những chi phí và rủi ro khi thực hiện các giao dịch và trong quá trình sử dụng vốn vay.
- Tạo lập cơ chế thanh toán nhanh, gọn, đúng với các điều khoản đã được ký kết. Các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng là những định chế tài chính sẽ cung cấp cho người vay những điều khoản thanh toán minh bạch, những phương tiện thanh toán có tính hữu dụng cao, nguồn vốn được huy động và thỏa mãn nhu cầu vốn của người đi vay, giúp cho nền kinh tế vận hành trơn tru và có hiệu quả.
- Hạn chế rủi ro. Số lượng các định chế lớn trong nền kinh tế sẽ mang lại cho nhà đầu tư nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng. Khi đó, các khách hàng có nhiều sự lựa chọn danh mục để đầu tư, giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư, tránh tình trạng đầu tư vào một giỏ, khả năng rủi ro cao trong quá trình kinh doanh.
Trong nền kinh tế thị trường, các định chế tài chính được phân thành 2 loại:
- Các định chế tài chính trung gian: Là các tổ chức tài chính đóng vai trò trung gian, có nhiệm vụ đi vay để cho vay. Đây là những tổ chức tài chính được luật định cho phép huy động các nguồn vốn, các tài sản nhàn rỗi trong xã hội để cho những cá nhân, những doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh nhằm phát huy hiệu quả của nguồn vốn, thúc đẩy kinh tế phát triển, khơi thông dòng chảy của nguồn vốn cũng như gia tăng vòng quay đồng tiền của xã hội. Nhóm các định chế tài chính này bao gồm: các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, công ty bảo hiểm, công ty hỗ trợ tài chính, các quý trợ cấp...
- Các định chế tài chính bán trung gian: Là các tổ chức đứng giữa hai nguồn cung và cầu vốn với tư cách là nhà môi giới. Những tổ chức này không tạo ra tài sản tài chính mà chỉ đóng vai trò xúc tiến sự tiếp xúc giữa cung vốn và cầu vốn, sau đó chuyển tài sản tài chính từ bên bán đến bên mua, như công ty chứng khoán, các công ty thực hiện công cụ phái sinh...
Khái niệm Fintech
PwC (2016) định nghĩa, Fintech là một lĩnh vực giao thoa của dịch vụ tài chính và công nghệ. Tại đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường sử dụng công nghệ để cải tiến, đổi mới các sản phẩm và dịch vụ đang được cung cấp bởi các định chế tài chính truyền thống.
Theo định nghĩa của IOSCO (2017), Fintech là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả các mô hình kinh doanh sáng tạo và công nghệ mới nổi có khả năng biến đổi ngành dịch vụ tài chính. Các mô hình kinh doanh công nghệ tài chính sáng tạo thường cung cấp một hoặc nhiều loại dịch vụ tài chính theo cách tự động hóa thông qua việc sử dụng Internet. Công nghệ mới nổi như: hệ thống điện toán nhận thức, học máy, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sổ cái phân tán được ứng dụng bởi những tổ chức Fintech mới gia nhập thị trường và cả những định chế tài chính truyền thống có tiềm năng thay đổi cơ bản ngành dịch vụ tài chính (OICU-IOSCO, 2017).
Như vậy, thuật ngữ Fintech liên quan tới việc ứng dụng sáng tạo công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực tài chính, thiết kế và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính số hóa. Các công ty khởi nghiệp Fintech sử dụng những tiến bộ công nghệ để cải tiến các dịch vụ tài chính, như: quá trình thanh toán, chống gian lận, cải thiện các kế hoạch tài chính, quản lý tài sản, cho vay và gây quỹ.
THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN CỦA FINTECH TẠI VIỆT NAM
Những thành tựu
Với những tiến bộ rất nhanh chóng của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, khi thế giới đang chuyển dần sang cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và 5.0, các sản phẩm công nghệ đã là nền tảng để Fintech hình thành và phát triển. Song song với sự phát triển đó, trên thế giới, thương mại điện tử và kinh tế số đã có những bước nhẩy vượt bậc. Những tiến bộ đó cung cấp cho Fintech công cụ để định hướng các dịch vụ tới các lĩnh vực phục vụ, giúp cho những nhà quản trị Fintech đưa ra được những sản phẩm mang sắc thái thiết kế hệ thống có tính hiệu quả, tối ưu và bảo mật cao hơn. Đồng thời, những sản phẩm này sẽ trợ giúp cho người sử dụng khai thác và xử lý dữ liệu nhanh chóng hơn.
Về phương diện các sản phẩm tài chính, do sự phát triển nhanh chóng hệ thống mạng internet, sự ra đời ATM đã là tiền đề để thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, Fintech cung cấp các sản phẩm: Ví điện tử; E-banking; Quản lý ngân sách; Đầu tư chứng khoán; Hình thức tín dụng trả góp; Tiền điện tử; Công nghệ Blockchain. Trên thực tế, Fintech còn mở rộng thêm nhiều dịch vụ khác, như: Cho vay ngang cấp; Gọi vốn cộng đồng; Tư vấn tài chính; Quản trị dữ liệu; Công nghệ bảo hiểm; Chuyển tiền trong và ngoài hệ thống ngân hàng; Thanh toán, chuyển tiền quốc tế; Thanh toán hóa đơn.
Với thị trường Việt Nam, khái niệm Fintech đã xuất hiện vào năm 2015 với một số công ty làm dịch vụ tài chính. Theo báo cáo của Statista, trước năm 2015, Việt Nam có gần 50 công ty, đến năm 2017 đã có hơn 94 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech. Nhưng, nhờ sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như những tiến bộ của công nghiệp công nghệ thông tin, sự bùng nổ của dịch vụ thương mại điện tử và kinh tế số.
Các công ty Fintech tại Việt Nam đã phát triển các ứng dụng và nền tảng thanh toán điện tử để cung cấp các dịch vụ như chuyển tiền trực tuyến, thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến và các dịch vụ tài chính khác. Những công ty này đã tạo ra sự tiện lợi và thay đổi cách người dùng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán qua QR Code trong năm 2022 tăng tới hơn 225% về số lượng và 244% về giá trị so với năm 2021. Còn trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49% về số lượng, giao dịch qua Internet tăng 60,3%, qua kênh điện thoại di động tăng 60,8% và qua QR Code tăng 105%. Trong khi đó, đến cuối năm 2022, tổng số tài khoản Mobile-Money được đăng ký và sử dụng là hơn 3,71 triệu tài khoản với gần 8,9 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập và 15,3 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam cũng có khoảng 120 triệu ví điện tử và có đến 3.300 tỉ đồng được người dân duy trì trong ví điện tử để thanh toán, ước tính đến năm 2025, lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, lên tới 19%/năm [1].
Sự phát triển nhanh chóng các công ty Fintech ở Việt Nam cũng như bùng nổ các khách hàng sử dụng dịch vụ của Fintech cho thấy những thành quả sau:
Thứ nhất, thị trường Fintech Việt Nam phát triển với tốc độ khá tốt và ổn định. Với những sản phẩm dịch vụ tài chính có tính ưu việt hơn so với các hình thức truyền thống nên ngày càng có nhiều khách hàng tiếp cận. Từ đó, các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại cũng đang dần áp dụng các sản phẩm của Fintech để phát triển và tiếp cận với người tiêu dùng, tạo chỗ đứng trên thị trường Fintech. Bởi lẽ, hoạt động của Fintech không cần nhiều đến các phòng giao dịch như các ngân hàng thương mại, dẫn đến chi phí giảm đáng kể.
Thứ hai, thị trường Fintech Việt Nam trong những năm qua đã và đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Rất nhiều nhà đầu tư đã cung cấp vốn cho nhiều thương vụ, nhiều dự án của những công ty Fintech nổi tiếng trên thế giới đang hướng vào thị trường Việt Nam… Những khoản đầu tư cho thị trường Fintech lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí sẽ lên tới hàng tỷ USD thao dự báo cho thấy sức hút lớn của thị trường này và ngày càng bùng nổ.
Thứ ba, với kỹ thuật số phát triển, kỹ thuật xử lý dữ liệu khi tiếp cận Big Data tốt hơn nên tính bảo mật trong các dịch vụ của Fintech tốt hơn.
Thứ tư, Fintech đã tạo ra những mô hình kinh doanh mới làm thay đổi các kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống. Từ đó, tạo ra những dư địa thuận lợi để nhanh chóng hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như tạo ra những sản phảm dịch vụ mới.
Thứ năm, việc ứng dụng các công nghệ mới, như: Big Data, Blockchain, hệ thống định danh cá nhân sinh trắc học, định danh khách hàng điện tử giúp cho các tổ chức tài chính thu thập được dữ liệu chính xác, cải tiến quá trình phân tích khách hàng, cải thiện chất lượng phục vụ, tiết kiệm chi phí giao dich cũng như hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, Blockchain đã mang lại cho các doanh nghiệp nhiều thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh và phân phối sản phẩm, gia tăng đáng kể giá trị của sản phẩm.
Thứ sáu, ứng dụng của Fintech sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế của những vùng sâu vùng xa của đất nước. Những dịch vụ của Fintech sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp khởi nghiệp, những doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ có điều kiện tiếp cận tới những nguồn vốn cần thiết. Thậm chí, cả những khách hàng không có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn do những rào cản về thủ tục hay về mặt địa lý.
Thứ bảy, với sự phát triển của công nghệ thông tin, dịch vụ của Fintech hoạt động 24/7 cả về không gian và thời gian. Điều đó giúp cho khách hàng rất thuận lợi trong quá trình giao dịch và thanh toán, thậm chí cả giao dịch và thanh toán quốc tế (hoạt động của các công ty cho vay P2P là một minh chứng).
Từ vai trò, nhiệm vụ của mỗi định chế tài chính, từ thực tiễn mà các công ty Fintech của Việt Nam đang hoạt động, chúng ta thấy hoạt động của các doanh nghiệp Fintech đều hoàn toàn đáp ứng đầy đủ mọi nhiệm vụ như một định chế tài chính. Hơn nữa, các sản phẩm mà Fintech đưa ra đều thỏa mãn những yêu cầu cụ thể của các khách hàng là rất nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả có tính bảo mật cao với chi phí thấp nhất đã chứng tỏ sự đáp ứng yêu cầu của một định chế tài chính.
Những tồn tại, hạn chế
Thực tế hoạt động của Fintech tại Việt Nam đang cho thấy những tồn tại của loại hình này như sau:
Một là, dựa trên nền tảng công nghệ để phát triển, thì bản thân hoạt động Fintech lại có nguy cơ cao khi bị tấn công mạng, lấy đi những dữ liệu có tính bảo mật của khách hàng. Bởi lẽ, giải pháp công nghệ cao luôn có hai mặt: mặt tích cực sẽ góp phần to lớn trong sự phát triển, nhưng nếu đứng ở góc độ thiệt hoại thì lại đưa đến những hậu quả khôn lường. Một sự cố nhỏ (hay có sự phá hoại) có thể dẫn đến rủi ro cho toàn hệ thống, gây thiệt hại cho khách hàng.
Hai là, sự phát triển quá nhanh của dịch vụ Fintech làm cho các qui định của hệ thống pháp luật không theo kịp. Sản phẩm Fintech luôn đổi mới và sáng tạo, nhưng phương thức hoạt động hay những sản phẩm được đưa ra có phù hợp với qui định pháp lý hay không là vấn đề cần phải nghiên cứu. Khi đó pháp lý đã đi sau một bước. Vì vậy, có thể xuất hiện những hình thức lừa đảo khách hàng, gây thiệt hại và sự mất niềm tin trong dân chúng.
Ba là, sự xuất hiện các công ty Fintech đã làm giảm đi thị phần của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, thước đo rủi ro của các sản phẩm của Fintech như thế nào? Điều này phải được kiểm chứng qua thời gian.
Bốn là, với sự kết hợp chặt chẽ với trí tuệ nhân tạo (IoT), xu hướng “tổ chức tài chính không giấy”, “ngân hàng không giấy” sẽ giảm đáng kể nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đó đòi hỏi trình độ tiếp cận công việc của nhân viên Fintech khá cao, trong khi đó hệ thống đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được một cách đầy đủ.
Năm là, hiện nay sự phát triển các công ty Fintech trong nền kinh tế không có cơ cấu đồng đều, chủ yếu tập trung vào khu vực.
Nguyên nhân là do:
(i) Cơ sở pháp lý chưa hoàn chỉnh. Bắt đầu từ Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Sau đó, Chính phủ đã điều chỉnh các quy định bằng cách ban hành Nghị định số 80/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016, trong đó bổ sung quy định các tổ chức không phải ngân hàng được NHNN cấp phép sẽ được tham gia cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 39/2014/TT-NHNN, ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán và sau đó là Thông tư số 23/2019/TT-NHNN, ngày 22/11/2019, với những quy định chi tiết hơn về hoạt động thanh toán, quy định để được nhận giấy phép cung ứng hoạt động trung gian thanh toán cũng như những quy định về hoạt động cung ứng ví điện tử. Thời gian gần đây, Việt Nam đã có những động thái chủ động hơn trong việc quản lý và hỗ trợ cho lĩnh vực Fintech, với việc Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg, ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (dưới 10 triệu đồng/tháng); Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN, ngày 04/12/2020 sửa đổi Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, trong đó cho phép áp dụng thử nghiệm công nghệ định danh điện tử (e-KYC) để mở tài khoản thanh toán có lượng giao dịch nhỏ (dưới 100 triệu/tháng), hay Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, ngày 28/6/2023 cho phép các ngân hàng thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử với những khoản vay giá trị nhỏ (dưới 100 triệu đồng). NHNN cũng đang nghiên cứu, chuẩn bị để triển khai các giải pháp thúc đẩy sáng tạo. Ngày 06/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. NHNN cũng đang nghiên cứu để hình thành một trung tâm đổi mới sáng tạo Fintech (Innovation Hub) với sự hợp tác của một số ngân hàng và doanh nghiệp lớn.
Gần đây nhất, ngày 22/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử là cơ sở pháp lý cao nhất cho sự phát triển các hình thức giao dịch theo phương thức điện tử. Tuy nhiên, một luật định để các doanh nghiệp Fintech hoạt động như là một định chế tài chính là chưa có.
(ii) Vì hình thức hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu lớn (Big Data), môi trường thương mại điện tử và kinh tế số, nên nhân lực đang gặp nhiều khó khăn.
KẾT LUẬN
Từ lý luận và thực tiễn cho thấy, Fintech đã và đang phát triển với vị trí là một định chế tài chính quan trọng tại Việt Nam. Và, để Fintech có thể đóng góp một tỷ trọng lớn tới sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới, việc khắc phục các hạn chế là rất cần thiết. Đặc biệt, Chính phủ cần sớm có một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để Fintech phát triển và hoạt động như một định chế tài chính quan trọng./.
PGS, TS. Bùi Duy Phú
Khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Đại Nam
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)
Tài liệu tham khảo
1. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu (2023), Thực trạng Fintech tại Việt Nam, kinh nghiệm quản lí quốc tế và đề xuất, truy cập từ https://tapchinganhang.gov.vn/thuc-trang-fintech-tai-viet-nam-kinh-nghiem-quan-li-quoc-te-va-de-xuat.htm.
2. Data Reportal (2023), Digital 2023: Vietnam, Data Reportal, retrieved from https://datareportal.com/reports/digital-2023-vietnam.
3. Giang Lê (2022), Sự phát triển của thị trường Fintech Việt Nam, truy cập từ https://vietnamfinance.vn/su-phat-trien-cua-thi-truong-fintech-viet-nam-20180504224265373.htm.
4. Hà Huy Tuấn (2023), Khuôn khổ pháp lý và chính sách đối với Fintech, Hội thảo Quốc gia Công nghệ tài chính (Fintech) và tiền kỹ thuật số (Digital Currency) tại Việt Nam, Trường Đại học Hòa Bình, 8/2023
5. Nguyễn Văn Ngọc (2006), Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
6. OICU-IOSCO (2017), IOSCO Research Report on Financial Technologies (Fintech), retrieved from https://www.iosco.org/library/pubdocs/pdf/IOSCOPD554.pdf.
7. PwC (2016), Blurred Lines: How Fintech is Shaping Financial Services - Global FinTech Report.
Bình luận