Từ khóa: tài nguyên nước, tuần hoàn nước, đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp chính sách

Summary

This article analyzes the use of water resources in the CUU LONG River Delta; at the same time, propose policy solutions on water resource management in the circular economy in the area. The analysis and policy solutions are presented with the goal of managing and using water resources effectively, economically, protecting and developing water resources in the CUU LONG River Delta. Thereby ensuring water security for the people and creating momentum for sustainable economic development for this region.

Keywords: water resources, water circulation, CUU LONG River Delta, policy solutions.

GIỚI THIỆU

Mục tiêu cơ bản mà các nhà hoạch định chính sách đặt ra là phải đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Tăng trưởng kinh tế của một quốc gia phụ thuộc vào các yếu tố thuộc về nguồn lực xã hội. Trong khi đó, nguồn lực xã hội có giới hạn, ngày càng cạn kiệt; vì vậy, việc tận dụng và tái sử dụng các vật liệu, sản phẩm đã qua sử dụng để phục vụ cho việc sản xuất trong ngành hay các ngành khác là xu hướng tất yếu đã và đang diễn ra trên toàn thế giới. Trong các nguồn lực dành cho sản xuất, thì nước là một dạng tài nguyên quốc gia và đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sản xuất và đời sống hàng ngày. Không ngoại lệ, tài nguyên nước ở ĐBSCL cũng bị giới hạn vì phụ thuộc thiên nhiên và một số quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông. Do đó, vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách là phải có biện pháp quản lý, sử dụng nguồn nước ở ĐBSCL sao cho có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên này; trong đó, sử dụng theo hướng tuần hoàn nguồn tài nguyên nước là một mô hình hiệu quả. Đây chính là lý do nhóm tác giả chọn đề tài này để nghiên cứu. Mục tiêu nhằm phân tích tầm quan trọng của tài nguyên nước, hiện trạng và cách sử dụng tuần hoàn nước tại khu vực ĐBSCL; Từ đó, đề xuất các giải pháp thiết thực trong việc quản lý và khai thác nguồn nước ở khu vực này.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Tài nguyên nước

Nước có công thức hóa học là H2O. Nguồn nước trên thế giới bao gồm phần lớn là nước mặn, còn lại là nước ngọt, nhưng 2/3 trong số đó tồn tại ở dạng băng và nước ngầm, chỉ một tỷ lệ nhỏ tồn tại trên mặt đất và trong không khí. Nước ngọt là nguồn tài nguyên tái tạo rất cần cho mọi sự sống trên trái đất và cần thiết cho các hoạt động kinh tế xã hội của con người (Wikipedia).

Tuần hoàn tài nguyên nước

Tuần hoàn tài nguyên nước là một quá trình hoạt động nhằm duy trì sự tồn tại của dòng nước theo một vòng tròn lặp phục vụ cho sản xuất hoặc sinh hoạt. Tái sử dụng nước là quá trình chủ động thu giữ nước thải, nước mưa, nước mặn hoặc nước xám và sau đó làm sạch nước. Sau khi qua công đoạn xử lý nước nhiễm bẩn, nhiễm mặn, nước sạch sẽ được dùng cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất hoặc bổ sung cho nguồn nước mặt, nước ngầm; theo đó, có thể phục vụ cho nhiều mục đích cần thiết, như: nước uống, nước dùng cho công nghiệp, bổ sung nước mặt hoặc nước ngầm và phục hồi lưu vực sông. Cách diễn giải như trên cũng phù hợp với ý nghĩa của tái sử dụng nước trong tuần hoàn tài nguyên nước. Tuần hoàn tài nguyên nước và tái sử dụng nước có ý nghĩa tương đồng. Quản lý khai thác tài nguyên nước theo mô hình tuần hoàn là nhằm tiết kiệm, bảo tồn và sử dụng nguồn nước có hiệu quả, hạn chế tình trạng lãng phí, bảo vệ môi trường (Minh Hùng, 2023).

Tuần hoàn tài nguyên nước là một vấn đề quan trọng đang được mọi người quan tâm vì mang lại nhiều lợi ích to lớn, đặc biệt, nó góp phần giảm thiểu, bảo tồn và tối ưu hóa việc sử dụng nước thông qua tránh lãng phí, sử dụng hiệu quả và duy trì, đảm bảo chất lượng nguồn nước cũng như bảo vệ môi trường. Tuần hoàn tài nguyên nước và tái sử dụng nước chưa được khai thác nhiều nhưng đang được quan tâm với nhiều tiềm năng và lợi ích to lớn. Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, tài nguyên nước được coi là hữu hạn. Dựa trên chu trình nước tự nhiên, nền kinh tế tuần hoàn tránh sử dụng nước khi có thể; khép kín các vòng lặp ở một số cấp độ bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước (đi kèm với các tài nguyên khác), giảm thiểu chất thải và tập trung vào các chữ R – Giảm thiểu (Reduce), Tái sử dụng (Reuse), Tái chế (Recycle), Bổ sung (Replenish), Phục hồi (Recover), và Giữ lại (Retain) (Minh Hùng, 2023).

TÀI NGUYÊN NƯỚC Ở ĐBSCL

Nguồn tài nguyên nước ở ĐBSCL chủ yếu được cung cấp bởi sông Mê Kông, bắt nguồn từ Trung Quốc, chiếm 57% tổng lượng nước của cả nước, tổng lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 500 tỷ m3, trong đó có đến 475 tỷ m3 do sông Mê Kông cung cấp phần còn lại là do nước mưa và khai thác nước ngầm (Thanh Hoa, 2022). Nguồn nước ngọt ở ĐBSCL gồm 2 loại: nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Đối với tài nguyên nước mặt, vùng đồng bằng này có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt xuất phát từ sông Tiền và sông Hậu; 2 sông này đổ ra biển ở các cửa sông kế tiếp nhau, gồm: Cửa Tiểu, Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Bát Xắc, Định An, Trần Đề. Về nguồn nước ngầm, đây là một trong những vùng có trữ lượng nước ngầm lớn nhất Việt Nam; qua khảo sát địa chất nguồn nước ngầm cho thấy, nguồn nước ngầm bao gồm 7 tầng chứa nước chính, có chiều sâu từ vài chục mét đến 500-600m. Các khu vực có trữ lượng nước ngọt lớn được phân bổ ở các địa phương, như: Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ. Lượng nước ngọt khai thác được khoảng 22,5 triệu m3/ngày, lượng nước lợ, mặn khoảng 39 triệu m3/ngày. Trong đó, trữ lượng khai thác an toàn nước ngọt toàn vùng khoảng 4,5 triệu m3/ngày (Thanh Trà, 2021).

Nguồn nước ngọt có nguy cơ sụt giảm trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân, như: sự gia tăng dân số, phát triển kinh tế, xã hội; sự khai thác nước quá mức ở thượng nguồn sông Mê Kông, cùng với sự biến đổi khí hậu, như: gia tăng lũ, xâm nhập mặn vào sâu. Chỉ tính riêng trong mùa khô các năm 2019-2020, trên 160 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, khiến khoảng 430.000 người dân trong vùng gặp khó khăn về nước sinh hoạt (Thanh Trà, 2021).

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TUẦN HOÀN TÀI NGUYÊN NƯỚC Ở ĐBSCL

Nhận thức tài nguyên nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở ĐBSCL, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, chương trình, dự án cụ thể nhằm quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước ở các lưu vực sông nói chung và lưu vực sông Cửu Long nói riêng, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL.

Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước. Gần đây, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã đưa ra nội dung về tuần hoàn tài nguyên nước một cách đầy đủ và rõ ràng nhằm tăng cường sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn, sử dụng nước tiếp cận theo hướng tuần hoàn, góp phần giải quyết vấn đề suy giảm nguồn nước ngầm và nhiễm mặn nguồn nước ở ĐBSCL. Cụ thể, tại Điều 58 - dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), một trong những biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là “cải tiến, hợp lý hóa quy trình sử dụng nước; áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; tích trữ nước mưa để sử dụng” (Thu Thủy, 2023). Ngoài ra, một số văn bản đã được ban hành gần đây, trở thành công cụ pháp lý quan trọng phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước tại khu vực này, điển hình như: Quyết định số 174/QĐ-TTg, ngày 06/03/2023 của Chính phủ về việc “Phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”, Nghị định số 02/2023/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 01/02/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Việc sử dụng tài nguyên nước theo định hướng tiết kiệm, tuần hoàn nước được người dân ĐBSCL nhiệt tình ủng hộ và áp dụng vào thực tiễn đời sống, sản xuất. Nhiều mô hình hoạt động sản xuất dựa trên công nghệ tuần hoàn để tái sử dụng nước, điển hình là mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước tại tỉnh Bạc Liêu. Đây là mô hình nuôi tôm mới theo hướng tuần hoàn nước, hầu như không dùng nước bên ngoài. Trong bối cảnh nguồn nước cấp bị ô nhiễm, nhiều hộ dân và doanh nghiệp nuôi tôm đã ứng dụng các công nghệ sử dụng ít nước hoặc công nghệ tuần hoàn để tái sử dụng nguồn nước, đem lại hiệu quả cao trong quản lý môi trường lẫn chất lượng con tôm (tôm lớn nhanh hơn so với cách nuôi thông thường mà lại ít bệnh) (Chí Quốc, 2023).

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn, hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu và cây ăn trái ở ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để giải bài toán thiếu nước ở khu vực này, đòi hỏi phải áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm để đối phó tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn của nước biển. Các phương pháp tưới truyền thống có nhược điểm là gây lãng phí nước, đóng váng, xói mòn đất, do tưới một lúc quá nhiều nước, nước ngấm không kịp tạo thành dòng chảy trên mặt hoặc là đất ngấm quá nhiều, đưa nước và chất hữu cơ xuống sâu khỏi tầng rễ cây, gây lãng phí. Để khắc phục nhược điểm của cách tưới truyền thống, nông dân tỉnh Bến Tre sử dụng mô hình tưới tiết kiệm - tưới vừa đúng với nhu cầu nước của cây trồng, không có lượng nước thừa, cũng như tổn thất trong quá trình tưới, hơn nữa, năng suất cây trồng tăng thêm 20% (Cao Minh Quang, 2019).

Cùng với việc áp dụng các mô hình tuần hoàn nước, tiết kiệm nước trong sản xuất, người dân địa phương ở khu vực này cũng chú trọng phát triển, nhân rộng mô hình thu gom nước đã sử dụng, nước mưa, nước nhiễm bẩn, nước nhiễm mặn và thông qua công nghệ xử lý làm sạch để tái sử dụng nước nhằm mục đích tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, tài nguyên nước ở ĐBSCL vẫn đang đối mặt với nguy cơ ngày càng suy giảm do một số nguyên nhân, như: tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và việc khai thác tài nguyên nước tại khu vực thượng nguồn sông Mê Kông. Đặc biệt, tình trạng trạng khai thác nước ngầm quá mức thiếu sự quản lý và kiểm soát được coi là nguyên nhân chính dẫn tới việc mặn hóa đất tại khu vực ĐBSCL và thậm chí dẫn tới sụt lún đất ở khu vực này. Nguồn nước ngầm bị khai thác một cách tràn lan thiếu thiết kế, quy hoạch hợp lý dẫn đến sự suy giảm mực nước ngầm do người dân sử dụng nước để bơm tưới phục vụ trồng trọt và nuôi trồng thủy sản (Phương Nhi, 2022). Điều này cho thấy, việc thiếu nhận thức, cũng như chưa hoàn thiện khung pháp lý trong đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là việc giám sát còn chưa chặt chẽ đối với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước vẫn là những tồn tại bất cập chưa được khắc phục. Chưa kể tới việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt, sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành… (Thu Thủy, 2023).

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Đứng trước tình hình trên, cần có những giải pháp chính sách, cũng như các giải pháp cụ thể trong việc quản lý và sử dụng nguồn nước ở khu vực này sao cho tiết kiệm và có hiệu quả hơn nữa. Theo đó, các giải pháp cần xem xét áp dụng cụ thể như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức trong xã hội về ý thức bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Theo đó, lãnh đạo ở các địa phương vùng ĐBSCL cần tuyên truyền và giải thích cho cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của tài nguyên nước, cũng như những lợi ích to lớn của việc tiết kiệm, tuần hoàn và tái sử dụng nước. Cần định hướng việc sử dụng nước gắn liền với mô hình kinh tế tuần hoàn. Lãnh đạo các địa phương cam kết đổi mới, thử nghiệm và ứng dụng công nghệ mới trong việc quản lý, sử dụng nguồn nước theo mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển, nhân rộng và sáng tạo các mô hình tiết kiệm, tái sử dụng nước trong sinh hoạt, sản xuất.

Thứ hai, hoàn thiện khung pháp lý. Cần rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện cho phát triển tuần hoàn tài nguyên nước. Nghiên cứu, rà soát thực trạng sử dụng tuần hoàn nước hiện nay ở ĐBSCL. Nghiên cứu các chính sách ưu đãi, như: quy định cụ thể về thuế, phí để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiết kiệm và tái sử dụng nguồn nước; hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, đặc biệt là công nghiệp xử lý nước mặn, nước nhiễm bẩn.

Thứ ba, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Nhà nước cần sớm cụ thể hóa dự án quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long, phân bổ hài hòa nguồn nước cho các tỉnh trên cơ sở lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, để đảm bảo thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy sự hợp tác liên vùng, xuyên biên giới trong việc quản lý, khai thác nguồn tài nguyên nước để phát triển kinh tế; hoàn thiện bộ chỉ số tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước ở các cấp. Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ nguồn lực quản lý tài nguyên nước một cách thiết thực và hiệu quả cho vùng ĐBSCL. Thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL để nắm bắt và chia sẻ kịp thời các thông tin về thời tiết, thủy văn…, giúp địa phương đưa ra các quyết định nhanh trước những diễn biến thực tế tại địa phương.

Thứ tư, tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong bảo vệ và quản lý, sử dụng tài nguyên nước. Theo đó, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, các viện khoa học, các nhà nghiên cứu, nhằm tìm ra các giải pháp quản lý và tái sử dụng nguồn nước ở ĐBSCL sao cho có hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong tái sử dụng nước, tiết kiệm, bảo tồn, phát triển nguồn nước. Tăng cường hợp tác với các quốc gia vùng thượng lưu sông Mê Kông trong các hoạt động quan trắc, giám sát, chia sẻ thông tin về số lượng, chất lượng nước, những ảnh hưởng do tác động tiêu cực tới nguồn nước xuyên biên giới gây ra theo cơ chế hợp tác trong Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông, ngày 05/4/1995 cùng các thỏa thuận song phương, đa phương khác. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu chuyển giao khoa học, công nghệ về tuần hoàn nước, tiết kiệm, tái sử dụng nước./.

Trần Bá Thọ, Lê Trung Cang

Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 28, tháng 10/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao Minh Quang (2019), Bến Tre: Tưới tiết kiệm tăng 20% năng suất cây trồng, truy cập từ https://kinhtenongthon.vn/ben-tre-tuoi-tiet-kiem-giup-tang-20-nang-suat-cay-trong-post27492.html.

2. Chí Quốc (2023), Thắng lớn nhờ nuôi tôm tuần hoàn nước, truy cập từ https://kinhtenongthon.vn/ben-tre-tuoi-tiet-kiem-giup-tang-20-nang-suat-cay-trong-post27492.html.

3. Chính phủ (2023), Nghị định số 02/2023/NĐ-CP, ngày 01/02/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

4. Đỗ Việt Đức (2022), Những lợi ích của kinh tế tuần hoàn, truy cập từ https://cuocsongantoan.laodongcongdoan.vn/nhung-loi-ich-cua-kinh-te-tuan-hoan-79065.html.

5. Mai Hương (2022), Quản lý hiệu quả tài nguyên nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, truy cập từ https://thiennhienmoitruong.vn/quan-ly-hieu-qua-tai-nguyen-nuoc-khu-vuc-dong-bang-song-cuu-long.html.

6. Minh Hùng (2023), Kinh tế tuần hoàn tài nguyên nước đảm bảo chất lượng nguồn nước và bảo vệ môi trường, truy cập từ https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/ danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=77106&CategoryId=0.

7. Phạm Sơn (2021), 5 rào cản của nền kinh tế tuần hoàn, truy cập từ https://theleader.vn/5-rao-can-cho-kinh-te-tuan-hoan-1639473850989.htm.

8. Phương Nhi (2022), Khai thác nước ngầm quá mức (Bài 2): "Lợi bất cập hại", truy cập từ https://moitruong.net.vn/khai-thac-nuoc-ngam-qua-muc-bai-2-loi-bat-cap-hai-56372.html

9. Thanh Hoa (2022), Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long, truy cập từ https://thiennhienmoitruong.vn/khai-thac-su-dung-ben-vung-tai-nguyen-nuoc-dong-bang-song-cuu-long.html.

10. Thanh Trà (2021), Khai thác hợp lý tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/khai-thac-hop-ly-tai-nguyen-nuoc-o-dong-bang-song-cuu-long/698932.vnp.

11. Thu Thủy (2023), Quản lý, sử dụng tài nguyên nước theo hướng kinh tế tuần hoàn, truy cập từ https://thiennhienmoitruong.vn/quan-ly-su-dung-tai-nguyen-nuoc-theo-huong-kinh-te-tuan-hoan.html

12. Wikipedia, Tài nguyên nước, truy cập từ https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A0i_nguy%C3% AAn_n%C6%B0%E1%BB%9Bc.