Cụ thể, với 439 đại biểu tán thành trên tổng số 450 tham gia biểu quyết, Luật Đầu tư công sửa đổi đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 90,70%.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Luật Đầu tư công (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV gồm 11 chương, 106 điều, trong đó một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau như: tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn; thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Sau khi thông qua, những sửa đổi nổi bật của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm:

Thứ nhất, Quốc hội đã thống nhất định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công, trong đó, quy định 02 loại vốn đầu tư công: (i) vốn ngân sách nhà nước; và (ii) vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đây là một thay đổi rất quan trọng, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước (trước đây có sự phân biệt giữa NSNN, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư...).

Đồng thời, giúp xây dựng được quy trình riêng cho các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn này, nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo. Chi tiết tại các Khoản 22, 23, 24, 25 Điều 4; Khoản 3 Điều 17; Khoản 5 Điều 35; Điều 58... của dự thảo Luật.

Điểm lớn thứ hai, đó là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trình tự, thủ tục, phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, trong đó, đáng chú ý nhất là một số nội dung sửa đổi sau:

- Phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị mình được cấp có thẩm quyền phân bổ.

- Xác định một số nhiệm vụ và loại dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư (Khoản 6 Điều 18) nhằm gỡ bỏ thủ tục mang tính hình thức, trùng lặp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công tác chuẩn bị dự án.

- Phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, vừa đảm bảo thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vừa tăng tính chủ động, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, xử lý được những tình huống phức tạp như dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau. Điển hình là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A của địa phương sử dụng bất kỳ loại nguồn vốn nào (bao gồm cả hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương). (Điều 17).

- Phân định rõ được chức năng, thẩm quyền của các cơ quan liên quan đối với trình tự, thủ tục đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, đảm bảo phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công.

Điểm sửa đổi thứ ba là đổi mới phương thức kế hoạch hóa, đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề “con gà, quả trứng” - nghĩa là vốn có trước hay dự án có trước.

Trước đây, muốn quyết định chủ trương đầu tư của 01 dự án, cần phải xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, muốn xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phải căn cứ vào dự án.

Như vậy là đã tạo một vòng lặp luẩn quẩn và không có giải pháp “lối ra” để xử lý. Luật đã đề xuất phương án phải có dự kiến kế hoạch nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước (tạm gọi là số kiểm tra), để từ đó, có căn cứ pháp lý về nguồn vốn để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Trước đó, giải trình về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7 đến Điều 10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành. Chính phủ và một số ĐBQH đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.

Đây là nội dung còn ý kiến khác nhau, UBTVQH xin ý kiến ĐBQH theo 2 phương án và xin báo cáo những căn cứ lựa chọn của mỗi phương án như sau:

- Phương án 1: giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành vì: Điều 11 của Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công… Tuy nhiên, (1) Thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định; (2) Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc; ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án; (3) Trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV chỉ có 02 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội. Do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, xin giữ quy định của Luật hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án A, B, C.

- Phương án 2: điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành vì: (1) Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án lên cho phù hợp với thực tiễn biến động giá cả và quy mô dự án; (2) mức vốn 10.000 tỷ đồng để xác định dự án quan trọng quốc gia được áp dụng từ năm 1997 theo Nghị quyết 05/NQ-1997-QH10 và được quy định tại Luật đầu tư công (năm 2014) là 10.000 tỷ đồng. Trên thực tế, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá là khoảng 52%, theo đó, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên khoảng 1,5 lần. Tuy nhiên, để bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ áp dụng phù hợp trong dài hạn, cần điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng.

UBTVQH nhất trí theo phương án 1, giữ nguyên như Luật Đầu tư công hiện hành./.