Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về các siêu dự án thua lỗ của PVN
Có thể bán, tuyên bố phá sản các dự án ngàn tỷ thua lỗ
Chất vấn Bộ trưởng Công Thương, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đặt ra câu hỏi về nguyên nhân thua lỗ yếu kém của những siêu dự án; đề nghị Bộ trưởng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và những kiến nghị để giải quyết những bất cập, không để tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim" như vừa qua.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, 5 dự án thua lỗ, tồn đọng nhiều vướng mắc nằm trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
"Bộ cũng đã có báo cáo gửi Chính phủ và đại biểu Quốc hội, tuy nhiên ở đây chúng tôi hiểu rằng, đại biểu Quốc hội và cử tri muốn làm rõ hơn hướng xử lý và bài học kinh nghiệm. Năm dự án này đều được phê duyệt từ khoảng năm 2003 đến 2008 kéo dài đến nay, trên nhiều lĩnh vực từ xơ sợi phục vụ cho dệt may đến đạm, gang thép, ethanol. Vì tính chất đặc thù của ngành, lĩnh vực và tính chất của các dự án khác nhau, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thua lỗ, nên để có đánh giá cụ thể thì khó. Nhưng qua phân tích cho thấy các dự án này đều có nhiều vấn đề...", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo vị trưởng ngành Công Thương, tất cả các dự án đều có thời gian thực hiện kéo dài hơn so với thời hạn đã được phê duyệt, như: dự án Xơ sợi Đình Vũ và xăng ethanol, Đạm Ninh Bình... Thậm chí, dự án Đạm Ninh Bình không những kéo dài mà đến nay còn không quyết toán được đầu tư dù nhà máy đã đi vào vận hành.
Các dự án này do có thời gian thực hiện kéo dài nên đều trải qua những biến động của thị trường và bị tác động mạnh vào việc triển khai: thị trường nguyên nhiên liệu có biến động, như dầu thô từ mức trên 100 USD/thùng thậm chí 147 USD/thùng trước năm 2008 nay đã giảm chỉ còn hơn 40 USD/thùng nên tác động và ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án. Dự án Đạm Ninh Bình và Xơ sợi Đình Vũ sẽ không thể cạnh tranh được với các sản phẩm khác được sản xuất từ sản phẩm dầu mỏ.
Các dự án này có những tồn đọng và thậm chí là có những vi phạm trong quản trị, quản lý, năng lực của chủ đầu tư hạn chế. Theo phân cấp, các tập đoàn, tổng công ty khi được phê duyệt chủ trương đầu tư đều là người phụ trách, nên là người chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư và tính khả thi của dự án đó cũng như vấn đề khác. Ngoài ra, còn do sự hạn chế trong năng lực của nhà thầu và ban quản lý dự án; năng lực trong đàm phán ký kết…
Điều này đã dẫn đến việc dự án không được thực hiện suôn sẻ và thậm chí là không đúng hợp đồng và nội dung đã được phê duyệt. Các dự án có tổng mức đầu tư lớn, có yếu tố nước ngoài và mặc dù có sự can thiệp của các bộ ngành nhưng lại không mang lại hiệu quả, có tồn đọng vướng mắc, hiệu quả kinh tế không còn. Nếu vận hành thương mại thì cũng không đủ sức cạnh tranh, thậm chí doanh thu không bù được chi phí.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, khi đánh giá, phải đánh giá đầy đủ cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, căn cứ vào quy định pháp lý để làm rõ trách nhiệm.
Cũng theo vị trưởng ngành Công Thương, Chính phủ đã có chỉ đạo, yêu cầu các giải pháp đối với các dự án phải phù hợp với khung khổ pháp lý nhưng phải đảm bảo được bảo toàn vốn và lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong các dự án này; phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập quốc tế. Bên cạnh làm rõ trách nhiệm thì có thể tính đến việc bán dự án, hoặc thậm chí có thể tuyên bố phá sản. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành báo cáo với Chính phủ, riêng về dự án Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ và ethanol đã có báo cáo với Chính phủ và sau phiên họp này sẽ có biện pháp tháo gỡ.
Về xử lý trách nhiệm và bài học kinh nghiệm để không xảy ra tái diễn cần làm cẩn trọng và làm theo đúng quy định pháp lý. Từng giai đoạn khác có những quy định pháp lý, có những thay đổi và điều chỉnh, phải xem xét trách nhiệm trong từng giai đoạn của các tổ chức và cá nhân; phải làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, có cố tình hay vô tình.
“Chúng tôi cho rằng không loại trừ có sự cố tình làm sai”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Các dự án khác nhau và có đặc thù khác nhau, nên một số dự án có kết luận của thanh tra Chính phủ, có dự án mới chỉ có kết luận kiểm toán, thanh tra Bộ Tài chính, thanh tra Bộ Công Thương… và sẽ có báo cáo Quốc hội. Nhưng nếu có trách nhiệm, có cố tình làm sai thì thậm chí có thể sẽ xem xét xử lý hình sự.
Đề cập tới đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng cho hay: "Chúng tôi đã có ý kiến xây dựng mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Phải xem chủ trương phát triển kinh tế vai trò của doanh nghiệp nhà nước như thế nào, quan điểm là không phải mọi lĩnh vực Nhà nước đều có vai trò và phải trao cơ hội cho các khu vực khác. Vai trò của các bộ ngành trong các lĩnh vực, cần phải xem xét làm rõ.
Xem xét về chất lượng trong quản lý Nhà nước, tổ chức làm, chất lượng của đội ngũ nhân lực. Phải hoàn thiện và đổi mới mô hình quản trị của doanh nghiệp nhà nước phù hợp với xu hướng thị trường và cam kết hội nhập. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, đặc biệt là phân cấp, làm rõ trách nhiệm các cấp trong các dự án, từ phê duyệt chủ trương đầu tư đến thực hiện đầu tư".
Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhận định: “Có hai vấn đề tại các dự án thua lỗ được cử tri quan tâm nhưng Bộ trưởng “mới chỉ đề cập nhưng chưa trả lời”, “chưa đi thẳng vào vấn đề” đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước cũng như của đội ngũ lãnh đạo quản trị doanh nghiệp đã được làm rõ đến đâu?
Vị đại biểu này cũng bày tỏ lo ngại và băn khoăn với quy định cho phép “khoán trắng” việc phê duyệt đầu tư, quản lý đầu tư cho Ban lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty 90, 91, buông lỏng quản lý cho các chủ doanh nghiệp trong khi thua lỗ thì lại báo cáo về Chính phủ và Quốc hội. Trách nhiệm các bộ ngành ở đây như thế nào?
Đáp lại tranh luận của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Có thể khi tôi trả lời bị cuốn theo mạch suy nghĩ” nên đã không đáp ứng hết được những yêu cầu của đại biểu Quốc hội.
Vị trưởng ngành Công Thương trình bày thêm, 5 dự án lớn kéo dài từ rất lâu, từ thời kỳ các Tập đoàn, Tổng công ty 90, 91 còn trực thuộc Chính phủ chứ chưa được phân cấp cho bộ, ngành quản lý. Do đó, việc đánh giá trách nhiệm của từng khâu cần có thời gian. Hiện tại, các cơ quan có chức năng về thanh tra đã vào cuộc vào có báo cáo lên Chính phủ, song để xử lý triệt để, Bộ trưởng xin “có thời gian”. Đồng thời phải xử lý được cả những vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến quản lý Nhà nước của các bộ, ngành.
Vì vậy, Bộ trưởng xin phép sẽ báo cáo về những dự án này vào các kỳ Quốc hội tiếp theo, sau khi đã hoàn tất xử lý.
Không phát triển thủy điện bằng mọi giá
Trong khi đó, Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) bình luận: “Chưa bao giờ số phận người dân lại mong manh như thế trước thiên tai, lũ lụt”, đồng thời phản ánh tình trạng thủy điện xả lũ, góp phần khiến lũ lụt ở miền Trung nặng nề hơn như trước hợp An Khê, Hố Hô…
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (Điện Biên)
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và trả lời câu hỏi “Bao giờ người dân được sống trong môi trường an toàn, và bao giờ thì những bất cập xoay quanh cái gọi là vận hành đúng quy trình sẽ được loại bỏ?”.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, đối với quản lý các dự án thủy điện, trước khi phiên họp khai mạc của Quốc hội, ông đã có báo cáo dài 20 trang để báo cáo các đại biểu Quốc hội, trong đó có đề cập đến việc phát triển, quản lý các dự án thủy điện.
Ông Trần Tuấn Anh nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Nhà nước và Chính phủ là “không phát triển thủy điện bằng mọi giá”.
Về cơ bản, Việt
Vấn đề đặt ra ở đây là đảm bảo an toàn trong xả lũ. Các chủ đập thủy điện đều phải tham gia cùng địa phương trong công tác phòng chống lũ và để được cấp giấy phép thì các dự án thủy điện đều phải đáp ứng đầy đủ ba yếu tố về an toàn, trong đó có Thủy điện Hố Hô. Nhưng thực tế khi xả lũ có bức xúc, vì sao có vấn này?
Qua kiểm tra thấy rằng, Bộ Công Thương thấy có một số vấn đề: Quy trình có nhưng việc chấp hành quy trình thì máy móc và nguyên tắc. Chủ đập phải có thông báo với địa phương trước khi xả lũ nhưng trong quy định lại không nói rõ là bằng hình thức nào, nên có thông báo nhưng có thể gặp vấn đề, như: thông báo đánh kẻng báo động song không ai nghe, gọi điện thì mất điện, không ai nghe máy…
Bên cạnh đó, việc diễn tập thực hiện ở địa phương không đảm bảo nên khi xảy ra vấn đề thì ứng phó không đảm bảo hiệu quả. Sự chủ động phối hợp giữa chủ đập và địa phương không đảm bảo. Trường hợp Thủy hiện Hố Hô vừa qua, Bộ trưởng cho biết, khi chủ đập gọi điện cho lãnh đạo địa phương thì không nghe máy, nên các địa phương không đảm bảo được sự phối hợp.
Trong quá trình thực hiện, dự báo thời tiết và hệ thống quan trắc của thủy điện không đảm bảo. Vì vậy, tới đây, Bộ Công Thương sẽ tổng kiểm tra rà soát lại về quy trình xả lũ và việc tham gia phố hợp phòng chống lụt bão. Chất lượng về phòng chống lụt bão và xả lũ; tham gia tập huấn; Làm rõ trách hiệm của các bên để thực hiện nghiêm chế tài. Các doanh nghiệp nếu không thực hiện đúng quy định thì sẽ bị xử lý; bên cạnh đó cũng làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề phòng chống lụt bão.
Quy trình kế hoạch xả lũ có vấn đề
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn về tính hiệu quả và bảo đảm an toàn của dự án bô xít Tây Nguyên, giải pháp khắc phục hạn chế của dự án.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)
Về hai dự án bô - xít, theo giải trình của Bộ trưởng, cả hai dự án này đều đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường và đều đã được Bộ Tài Nguyên và Môi trường phê duyệt, phù hợp với tiêu chuẩn của môi trường Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan đã thực hiện kiểm tra, từ các vấn đề lớn trong việc xử lý bùn đỏ, đến quá trình thi công trên địa bàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra một số sự cố như tràn xút tại dự án alumin Nhân Cơ. Nguyên nhân là do mưa, làm hồ bị chảy tràn. Điều này cũng đã được các nhà thầu và Ban quản lý dự án kiểm tra và rút kinh nghiệm kịp thời…
Bộ trưởng cho rằng, ở đây cần vai trò của chính quyền địa phương có giám sát kịp thời và sự chỉ đạo kịp thời, kiểm tra định kỳ đối với ý thức chấp hành pháp luật của hai dự án này từ phía các cơ quan chủ quản như Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) chất vấn giải pháp ngăn chặn tình trạng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, lập lại trật tự thị trường phân bón. Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận thực tế vừa qua, các mặt hàng giả, kém phẩm chất tiếp tục tồn tại trên diện lớn ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chân chính và ảnh hưởng đến hiệu quản lý nhà nước trong đảm bảo môi trường kinh doanh. Bộ trưởng Công Thương cho biết, vấn đề này có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về mặt hàng phân bón.
Theo Bộ trưởng Công Thương, trong quản lý phân bón đang có sự “phân mảnh” khi một phần là phân bón vô cơ do Bộ Công Thương quản lý, còn lại phân bón hữu cơ lại giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bao gồm từ sản xuất đến công bố hợp quy. Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chính vì do hai Bộ cùng tham gia quản lý trong khi mặt hàng phân bón có nhiều loại khác nhau và giao thoa dẫn đến sự chồng chéo quản lý nên hiệu lực và hiệu quả quản lý không đảm bảo.
Ông cho rằng, thị trường có tình trạng tồn tại quá nhiều loại phân bón, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trên 5.000 hợp quy cho các loại phân bón hữu cơ, Bộ Công Thương có 5.700 hợp quy cho các phân bón vô cơ. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước không có đủ nguồn lực để quản lý. Để khắc phục, hai bộ đã có sự phối hợp làm việc và mới đây đề xuất giao cho một cơ quan duy nhất quản lý về mặt Nhà nước. Đồng thời phải giảm chủng loại phân bón, như tại các nước khác, chẳng hạn một nước có nền nông nghiệp phát triển là Thái Lan chỉ có trên 100 loại phân bón lưu hành.
Bên cạnh đó, tăng cường các lực lượng quản lý thị trường, biên phòng, cảnh sát kinh tế để siết lại thị trường. Đưa ra các quy chuẩn quốc gia để quản lý sản xuất lưu hành sản phẩm phân bón. Có thể đến đầu năm 2017, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành 16 bộ quy chuẩn quốc gia về phân bón.
Về phần trả lời của Bộ trưởng liên quan đến hai dự án bô - xít, đại biểu Nguyễn Kim Thúy cho biết cảm thấy “chưa thuyết phục” và “chưa đi được vào câu hỏi”. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về những cam kết của Bộ Công Thương trước đây về hai dự án như thế nào, và đề nghị trả lời bằng văn bản.
Đại biểu Trần Thị Dung cũng bày tỏ “chưa bằng lòng” về câu trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn anh trong vấn đề thủy điện xả lũ. Bà Dung cho biết, năm 2013, bà từng chất vấn về thủy điện An Khê, nhưng “bây giờ vấn đề càng trầm trọng hơn”.
Về vấn đề tại Thủy điện Hố Hô, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù Bí thư UBND tỉnh không được biết về kế hoạch xả lũ, nhưng thực tế chủ đập thủy điện đã báo cho Ủy ban phòng chống lụt bão của địa phương, là đơn vị có trách nhiệm. Theo Bộ trưởng, bản thân quy trình có vấn đề và trong thời gian tới sẽ khắc phục.
Trong khi đó, phản hồi Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn về vấn đề bán hàng đa cấp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng thắt chặt hơn. Tuy nhiên qua thực hiện đã bộc lộ ra một số vấn đề, như: các khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện, công tác quản lý bán hàng đa cấp chưa rạch ròi, bán hàng đa cấp có sức hút rất lớn bởi những hành vi biến tướng, tập trung vào lợi nhuận "khủng".
Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, từ đầu 2016 đã ban hành 2 chỉ thị, cùng với các địa phương kiểm tra, rút giấy phép 25 doanh nghiệp, xử phạt 14 doanh nghiệp khác. Bộ cũng đã đề nghị sửa đổi Nghị định 42 về bán hàng đa cấp theo hướng thắt chặt hơn, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về lĩnh vực này./.
Bình luận