Theo Điều 20 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Quỹ phát triển DNNVV là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, thực hiện các chức năng: (1) Cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; (2) Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV.

Tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững” tổ chức sáng ngày 05/6/2024, ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV cho biết, Quỹ này được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg, ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu hoạt động của Quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DNNVV, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động; tạo nguồn vốn hỗ trợ, phát triển DNNVV; nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước hỗ trợ DNNVV.

Để thúc đẩy doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng thực hiện đổi mới sáng tạo, ông Phan Thanh Hà chia sẻ, hiện nay, Quỹ đang hỗ trợ các nhóm đối tượng sau: DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, DNNVV tham gia chuỗi giá trị.

Quỹ Phát triển DNNVV: Kênh vay vốn cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Ông Phan Thanh Hà chia sẻ, Quỹ đang hỗ trợ các 3 nhóm đối tượng: DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, DNNVV tham gia chuỗi giá trị

Quỹ hỗ trợ các DNNVV theo 4 hình thức là cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp, tài trợ vốn, hỗ trợ tăng cường năng lực. Theo đó, đối với hình thức cho vay trực tiếp, hoạt động cho vay của Quỹ được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ và DNNVV, phù hợp với quy định tại Nghị định. DNNVV vay vốn của Quỹ phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận với Quỹ.

Với hình thức cho vay gián tiếp, Quỹ lựa chọn ngân hàng thương mại để ký thỏa thuận cho vay gián tiếp. Ngân hàng áp dụng quy định pháp luật về hoạt động vay vốn của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính để tiếp nhận vốn từ Quỹ. Ngân hàng tự thẩm định, quyết định cho vay đối với DNNVV đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định.

Với hình thức tài trợ vốn, Quỹ tài trợ một phần chi phí đối với các hạng mục đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh của DNNVV đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định.

Đối với hỗ trợ tăng cường năng lực, căn cứ nguồn vốn hoạt động và kế hoạch hoạt động hàng năm, Quỹ tổ chức hội thảo, truyền thông, đào tạo, tư vấn, xúc tiến đầu tư, thương mại, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu để hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV, đảm bảo hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng.

Theo ông Phan Thanh Hà, để có thể vay vốn từ Quỹ, doanh nghiệp phải đáp ứng 3 điều kiện chính:

Thứ nhất, đáp ứng tiêu chí xác định DNNVV theo quy định tai Chương II, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Hỗ trợ DNNVV.

Thứ hai, có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.

Thứ ba, đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.

Một trong những nội dung mà doanh nghiệp quan tâm nhất khi vay vốn từ Quỹ đó là ưu đãi khi nhận hỗ trợ. Ông Phan Thanh Hà thông tin, lãi suất cho vay của Quỹ bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và có tổng tài sản lớn nhất tại thời điểm xác định lãi suất cho vay của Quỹ. “Không phải tổ chức tín dụng nào cũng có mức lãi suất ưu đãi như vậy”, ông Hà khẳng định.

Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của Quỹ đối với một DNNVV không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ.

Bên cạnh đó, thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá 7 năm. Đặc biệt, doanh nghiệp được miễn phí trả nợ trước hạn.

Ngoài ra, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV lưu ý, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ vay vốn, doanh nghiệp nên tránh một số lỗi thường mắc như thiếu hồ sơ để xác định DNNVV, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; hồ sơ không đúng yêu cầu; số liệu giữa các hồ sơ chưa phù hợp với nhau; hồ sơ chưa chứng minh được năng lực của doanh nghiệp…/.