Áp trần giá sữa là đi ngược lại với hoàn thiện nền kinh tế thị trường

Từ đầu năm nay, việc quản lý giá sữa, đặc biệt là giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi đã chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương. Tuy nhiên, từ hai năm rưỡi qua, quy định kiểm soát trần giá sữa vẫn được áp dụng, gây nên nhiều ý kiến trái chiều.

Áp trần giá sữa dự kiến được dỡ bỏ vào ngày 31/03 tới

Tại Lễ công bố Sách trắng 2017 vào ngày 02/03/2017, ông Arnaud Renard, Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng (NFG) EuroCham cho rằng, việc áp đặt quy định giá trần không hợp lý trong thời gian qua đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sữa, nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp sữa đã tăng, như: tỷ giá, chi phí điện, chi phí nhân công... Những thay đổi này đã tác động đến hoạt động của các nhà sản xuất và phân phối sữa. Ví dụ như: một trong những công ty sữa lớn nhất thế giới là Danone - nhà sản xuất sữa Dumex - đã phải quyết định rời khỏi thị trường Việt Nam vào năm 2016.

NFG cho rằng, biện pháp áp giá trần với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ Việt Nam, đồng thời sẽ tác động tới kết quả hoạt động ngắn và trung hạn của doanh nghiệp cũng như thương mại và triển vọng đầu tư trong dài hạn.

Ông Arnaud cũng cho hay, các thành viên của NFG đã đề xuất gỡ bỏ chính sách giá trần, cho phép quay trở lại với cơ chế giá do thị trường quyết định và không kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp áp đặt giá bán tối đa hiện hành hoặc không ban hành các biện pháp quản lý giá khác. Cùng đó, các yêu cầu liên quan đến việc kê khai giá nên được giữ đơn giản như đúng tên gọi của biện pháp này và không nên kèm theo các yêu cầu cung cấp cơ cấu giá, văn bản giải trình về mức giá.

Vì vậy, theo Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng, để bình ổn thị trường đúng nghĩa, cần xác định rõ ràng mục đích và đối tượng thực sự cần hỗ trợ từ công tác bình ổn giá. Trong trường hợp cần thiết, chỉ áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong một khoảng thời gian giới hạn nhất định và đối với các sản phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người như quy định trong Luật Giá.

Đối với thị trường sữa công thức, ông Arnaud khuyến nghị, Chính phủ không nên kiểm soát giá bán của các sản phẩm ở phân khúc cao cấp và trung bình, mà chỉ nên áp dụng biện pháp bình ổn giá lên phân khúc thị trường bình dân để đảm bảo khả năng tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Để giảm giá sữa, NFG đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu sữa, thuế giá trị gia tăng. Hiện tại, thuế nhập khẩu của hàng từ các nước Đông Nam Á chịu thuế 0% và 10% áp dụng cho các quốc gia khác. Mức này cao hơn mức thuế của các nước khác trong khu vực.

Bình luận về đề xuất bỏ trần giá sữa của EuroCham, chia sẻ với Báo điện tử Dân trí, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Những đề xuất, đánh giá của EuroCham về thị trường sữa cũng là một kênh tham khảo trong quá trình chúng tôi xây dựng thông tư hướng dẫn đối với mặt sữa. Hiện tại, Vụ Thị trường trong nước đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 149/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá

Kê khai giá để quản lý thị trường sữa

Trả lời trên VTV vào ngày 07/03 vừa qua, ông Vũ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, "hết ngày 31/03/2017, quyết định áp giá trần hết sẽ hiệu lực. Thay vào đó, theo quy định của Luật giá sẽ thực hiện biện pháp kê khai giá để Nhà nước kiểm soát việc kê khai, đảm bảo tính hợp lý của mặt hàng. Từ đó, theo dõi động thái trên thị trường để có biện pháp quản lý phù hợp để đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, đảm bảo quyền lợi hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng”.

Bên cạnh việc tạm dừng áp giá trần và tiếp tục quan sát các biến động bất thường của thị trường giá, Bộ Công Thương cũng cam kết trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc rà soát và cải cách toàn bộ các chính sách pháp luật liên quan tới thị trường sữa, bao gồm tất cả vấn đề về tên gọi, phân loại, quảng cáo, chất lượng và cắt giảm thủ tục hành chính, để thị trường kinh doanh sữa ngày càng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Phân tích rõ thêm về vấn đề này, chia sẻ với Báo điện tử Dân trí, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, cụ thể, sau khi tự xác định mức giá bán lẻ và đăng ký hoặc kê khai với cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ phải thông báo tới hệ thống phân phối của mình để cơ quan quản lý nhà nước giám sát. Doanh nghiệp cũng phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước.

Cơ quan quản lý mà trực tiếp là Bộ Công Thương, sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng.

Về lâu dài, Vụ Thị trường trong nước sẽ phối hợp với các vụ, vục liên quan rà soát các chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong kinh doanh đối với mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới sáu tuổi để xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh cao cho mặt hàng này; qua đó giá sản phẩm sẽ tự được điều chỉnh theo các quy luật thị trường về mức hợp lý, có lợi cho người tiêu dùng; đồng thời bảo đảm nguyên tắc kinh tế thị trường.

Ông Nguyễn Lộc An cũng thông tin thêm, mức giá này sẽ là mức giá trần của sản phẩm sữa bán trong toàn hệ thống. Các đơn vị phân phối trong hệ thống sẽ bán với mức giá dưới sự giám sát của các thương nhân đầu mối, cũng như chịu trách nhiệm với mức giá bán của mình trước các lực lượng chức năng trên địa bàn kinh doanh.

Phương thức quản lý này đồng nghĩa quy định áp trần giá sữa sẽ được bãi bỏ, thay vào đó doanh nghiệp tự kê khai, đăng ký giá. Bộ Công Thương cho rằng, phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả...

Đồng thời việc quản lý này cũng xác định được trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh khi có vi phạm; hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.

Để quản lý giá sữa khi bỏ trần, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cơ quan quản lý, cụ thể là cơ quan thuế và hải quan, chỉ cần tập trung “soi” từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến khi ra thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

“Sau bỏ giá trần sẽ khó có thể xảy ra tình trạng tăng giá sữa đồng loạt vì thực tế các doanh nghiệp vẫn phải kê khai và đăng ký giá với cơ quan quản lý về giá. Nếu thấy giá vô lý, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể bác và như vậy sản phẩm không thể ra được thị trường”, ông Long nói./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://vtv.vn/kinh-te/thuc-hien-ke-khai-gia-de-quan-ly-thi-truong-sua-20170308004407015.htm

http://www.tienphong.vn/kinh-te/bo-ap-tran-gia-sua-lat-mem-buoc-chat-1128387.tpo

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-sua-se-duoc-tu-xac-dinh-gia-ban-le-20170308075541555.htm