Sẽ thành lập viện nghiên cứu sách giáo khoa khi đủ điều kiện
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận
Không có lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoa
Trước những băn khoăn của các đại biểu và dư luận xã hội về tính minh bạch trong việc biên soạn sách giáo khoa lần này, Bộ trưởng Luận giải thích, đề xuất giao cho Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách giáo khoa là xuất phát từ lý do Bộ dự báo có 2 khả năng sẽ xảy ra trong quá trình biên soạn sách giáo khoa: “Khả năng thứ nhất, với cơ chế xã hội hóa sẽ giải phóng được sức sản xuất của xã hội, sẽ có nhiều cá nhân, nhiều nhóm tham gia biên soạn và sách giáo khoa sẽ tốt và đa dạng. Khả năng thứ hai là chưa có nhiều người sẵn sàng tham gia viết sách, sách viết ra không đáp ứng yêu cầu và không kịp thời gian, và khả năng có mảng không có ai tham gia”.
Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động biên soạn một bộ sách là để ứng phó với mọi tình huống xảy ra.
Bộ trưởng Luận cũng khẳng định: Trong lịch sử Bộ chưa bao giờ viết sách giáo khoa và cũng sẽ không làm việc này. Việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa là do các nhà giáo, chuyên gia tham gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện và tuyển chọn nhân sự, hỗ trợ chuyên môn cho các chuyên gia viết sách…
Thẩm định sách do một hội đồng bao gồm: các nhà khoa học, nhà giáo, chuyên gia am hiểu không tham gia viết sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam giới thiệu.
“Đây là một hội đồng độc lập, không phải hội đồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo lập ra để thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo viết ra. Hội đồng này sẽ hoạt động theo quy chế riêng, đảm bảo tính khách quan, độc lập”, Bộ trưởng Luận cho biết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có trách nhiệm đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn của các thành viên của hội đồng và hoạt động thế nào. Bộ sẽ căn cứ kết luận của hội đồng thẩm định quốc gia để cho phép lưu hành những bộ sách đạt yêu cầu.
Có 18 đề án liên quan để đổi mới
Nói về tính khả thi của Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này Bộ trưởng Luận thừa nhận: “Cơ sở vật chất của nhà trường đã được cải thiện đáng kể, nhưng còn bất cập ở vùng sâu, vùng xa”. Tuy nhiên, để đổi mới căn bản giáo dục, Chính phủ hiện đang có đến 18 đề án khác nhau, trong đó có đề án về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, đổi mới trường sư phạm.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thực nghiệm một số điểm của chương trình mới ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, việc áp dụng chương trình tiếng Việt mới đã thực hiện trên 380 ngàn học sinh ở 4.000 trường trên 42 tỉnh… Các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, khi tiếp cận cái mới rất e dè, nhưng sau đó thì tiếp cận nhẹ nhàng, tự nhiên, rất nhanh, thậm chí là tiếp cận cái mới nhanh hơn cả các giáo viên ở thành phố.
Đặc biệt, nói về định hướng dài hạn, Bộ trưởng Luận cũng chia sẻ, viết sách giáo khoa là công việc khoa học liên quan đến nhiều ngành khoa học khác nhau. Ở các nước phát triển, thì công việc này được làm chuyên nghiệp, được xây dựng ở các viện nghiên cứu. Ở Việt Nam chưa có bộ máy nghiên cứu chuyên sâu về sách giáo khoa. Cách làm hiện nay là huy động các nhà giáo, chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng bộ sách giáo khoa.
“Do vậy, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cử cán bộ ra nước ngoài học cách làm sách giáo khoa để khi đủ điều kiện sẽ thành lập viện nghiên cứu sách giáo khoa”, Bộ trưởng Luận cho biết./.
Bình luận