Tăng thuế xăng dầu lên kịch khung: Nhiều tác động tiêu cực
Thuế môi trường có chi cho môi trường?
Lý giải về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường, dẫn lời ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) trên Báo điện tử Tuổi trẻ cho biết, cùng với việc hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường là một nguồn để bù đắp nguồn thu ngân sách.
Bên cạnh đó, theo đại diện Bộ Tài chính, các mặt hàng, như: túi nylon, xăng, dầu… khi sử dụng nhiều sẽ gây tác động xấu đến môi trường, chính vì vậy, không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trên thế giới đều đánh thuế bảo vệ môi trường, thậm chí có nước xây dựng biểu thuế riêng đối với xăng dầu để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Mặt khác, ông Phạm Đình Thi cho biết, hiện nay giá xăng dầu của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, các nước ở châu Á và trên thế giới.
Ông Thi thông tin, theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu từ tăng thuế bảo vệ môi trường lần này dự kiến là 15.600 tỷ đồng, trong đó, với mặt hàng xăng tăng gần 8.000 tỷ. Theo Luật Ngân sách nhà nước, toàn bộ số thu từ thuế bảo vệ môi trường sẽ được tập trung vào ngân sách và được chi để phát triển kinh tế-xã hội theo dự toán của Quốc hội và không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.
Phân tích về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh trên Báo điện tử Tuổi trẻ, Bộ Tài chính đang chịu nhiều sức ép vì thuế nhập khẩu về 0% khiến mức hụt thu ngân sách cao nên phải tìm kiếm các nguồn thu. Một trong những nguồn thu dễ dàng và có thể thu được ngay là tăng thuế, phí xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, thu từ thuế bảo vệ môi trường tăng hơn 4 lần trong 5 năm qua. Như năm 2012, số thu từ loại thuế này là 11.160 tỷ đồng, tăng lên mức 44.323 tỷ đồng năm 2016 và khoảng 44.825 tỷ năm 2017. Số tăng này có được là nhờ thuế môi trường tăng gấp 3 lần, từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít hồi tháng 5/2015.
Nếu mức thuế môi trường mới với xăng, dầu được áp dụng từ 01/07, Bộ Tài chính dự tính mỗi năm thu khoảng 55.591 tỷ đồng thuế môi trường, tăng gần 14.900 tỷ đồng. Trong lúc số thu thuế môi trường tăng vọt thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lại không tương ứng, từ 9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ sau 5 năm, tương đương 1% ngân sách.
Đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 4.000 đồng/lít của Bộ Tài chính
Theo TS. Lê Đăng Doanh, gọi là thuế môi trường nhưng thực sự không chi cho môi trường. Bộ Tài chính cần giải trình về điều này một cách rõ ràng, chính danh và minh bạch. Nếu dùng danh nghĩa phí môi trường mà không chi cho môi trường thì vấn đề này cần báo cáo Quốc hội vì không thể dùng danh nghĩa phí môi trường để chi tiêu cho việc khác”, ông Doanh nói.
Dưới góc nhìn một chuyên gia kinh tế, ông Huỳnh Thế Du cho biết trên Báo điện tử Dân trí, không đồng tình việc Bộ Tài chính đưa ra lý do tăng thuế do thu ngân sách giảm. Thực chất trong đợt tăng thuế này, Bộ Tài chính muốn tăng thuế để bù đắp hụt thu, nhưng lại đưa ra "cái cớ" để bảo vệ môi trường.
Nếu thực sự để bảo vệ môi trường, vị chuyên gia này cho rằng: Khi đưa ra đề xuất tăng thuế, Bộ Tài chính phải làm rõ thu bao nhiêu từ đề xuất này, sẽ chi bao nhiêu vào bảo vệ môi trường. Mỗi lít xăng gánh thêm 1.000 đồng thì ngân sách tăng thêm mấy nghìn tỷ đồng mỗi năm. Vậy số tiền này sẽ được chi như thế nào?
Ông Huỳnh Thế Du cho biết, số tiền thuế môi trường phải được báo cáo cho Quốc hội, sử dụng thuế vào những dự án, mục đích gì, hiệu quả nó như thế nào. Minh bạch quản lý tốt phần chi ngân sách giảm sự lãng phí là biện pháp cân đối tốt ngân sách, chứ không cần tăng thuế.
Chuyên gia Fullbright cho rằng, nếu Bộ Tài chính làm rõ được việc sẽ dùng số tiền này xử lý vào việc bảo vệ môi trường các khoản như thế nào thì sẽ dễ nhận đồng thuận từ người dân hơn.
Gánh nặng trên vai người tiêu dùng
Trả lời phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, lý giải khi đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực là không thuyết phục.
Theo Bộ Tài chính, nếu đề xuất được chấp thuận, ngân sách sẽ tăng thu hơn 15.500 tỉ đồng/năm. Rõ ràng quyền lợi của người dân chưa được xem xét đến.
Đặc biệt, giá xăng dầu cõng quá nhiều loại thuế và phí. Một lít xăng bán ra thị trường hiện phải chịu thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền 9%. Tổng tiền thuế khoảng 7.000 đồng/lít xăng.
Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Nếu tăng thuế, chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tác động trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa kể chi phí sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh mức sống còn thấp.
Bày tỏ quan điểm, PGS, TS. Ngô Trí Long cho rằng, Nghị quyết Bộ Chính trị đã nêu rõ, để giải quyết vấn đề bội chi ngân sách cần khắc phục cả khâu thu và chi. Nếu chỉ tập trung tăng thu mà chi bất hợp lý thì vẫn không hiệu quả. Ngay cả trong việc thu thuế, cũng cần có những cải cách thực chất. Vì vậy, ông đề xuất nên mở rộng thêm đối tượng các loại hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường, bởi ngoài túi nylon, xăng, dầu… còn có nhiều mặt hàng mà việc tiêu dùng nhiều cũng sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Dẫn lời TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế trên Báo điện tử Dân Việt cho rằng, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ tác động trực tiếp tới người nghèo do nhu cầu đi lại cao hơn và không thể tìm được sản phẩm thay thế.
Theo chuyên gia này, thuế đối với mặt hàng xăng, dầu gần như là một sắc thuế bắt buộc tính trên đầu người bởi hầu hết gia đình đều phải sử dụng các phương tiện giao thông phục vụ nhu cầu đi lại. Vậy nên, nó là tác động trực tiếp, không ai có thể tránh được. Số tiền tăng thu 15.684,2 tỷ đồng/năm chính là số tiền do người dân, doanh nghiệp bỏ ra.
Điều này không khác việc chúng ta tăng giá điện. Cả hai đều tạo phản ứng dây chuyền để gây tăng giá thành của hàng loạt hàng hóa khác. Tất cả sẽ cộng hưởng, kích thích nguy cơ lạm phát đã có sẵn.
Trong trường hợp nâng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, người nghèo cũng khó có khả năng tiết kiệm được hay mong chờ được hưởng lợi ích lâu dài. Bởi bản thân họ nhiều khi còn có nhu cầu di chuyển, vận chuyển nhiều hơn so với người giàu để có một mức thu nhập cao hơn.
Cũng chính bởi xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu nên người dân không thể không sử dụng chúng, không thể lựa chọn dịch chuyển từ sử dụng xa xỉ phẩm sang hàng hóa bình thường như trường hợp của nhiều hàng hóa khác.
Không những về mặt tuyệt đối, mà ở mặt tương đối và nhìn về lâu dài, người nghèo vẫn chịu thiệt nhiều hơn các đối tượng có thu nhập cao hơn. Đó là lý thuyết chung đối với các sắc thuế áp dụng cho những mặt hàng thiết yếu.
Doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung (từ 3.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít), tương đương 25% giá 1 lít dầu là quá cao. Hiện giá nhiên liệu chiếm khoảng 35%-50% giá thành tùy theo từng loại phương tiện, nhiên liệu. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng thì chắc chắn giá cước cũng sẽ tăng.
“Những người sử dụng phương tiện, nhiên liệu hóa thạch phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị là cần có lộ trình, chứ nếu ngay tức khắc đưa lên cao sẽ gây biến động rất lớn và gây cơn sốc về giá đối với giá cước của vận tải ô tô. Khi đề xuất tăng thuế phải hết sức thận trọng”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, các thành viên trong Hiệp hội vận tải ô tô sẽ phải tính toán lại giá thành vận tải. Giá cước chắc chắn sẽ bị đội lên, kể cả giá cước xe khách, taxi và đặc biệt là giá cước hàng hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng tới đầu vào của nhiều ngành kinh tế khác, đồng thời, hàng hóa tiêu dùng cũng sẽ bị đẩy giá lên.
“Nếu kỳ này đưa lên kịch trần ngay thực sự sẽ gây lên cơn sốc vì thời gian vừa rồi đầu vào của giá cước vận tải đã tăng lên rất nhiều. Cần phải tính toán cẩn thận, không gây sốc cho đơn vị vận tải và không tạo ảnh hưởng đột biến với giá tiêu dùng của người dân vì giá cước vận tải rất nhạy cảm”, ông Thanh khuyến cáo.
Dẫn lời ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh trên Báo Dân Việt, việc Bộ Tài chính đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường tăng lên 4.000 đồng/lít, tương đương 25% giá 1 lít dầu là 16.000 đồng, là quá cao và quá nặng.
Và Bộ Tài chính đã không nói cụ thể mức thu này dựa trên cơ sở nào và liệu có đến mức số lượng khí thải từ 1 lít dầu được xử lý với giá 4.000 đồng?
Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn do những chi phí khác như phí bảo trì đường bộ, phí BOT..., việc tăng phí môi trường là một gánh nặng cho doanh nghiệp bởi làm tăng giá cước vận tải.
Ông Nam cho rằng, Bộ Tài chính cần thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là trước khi ban hành thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, không nên áp đặt thu phí bằng mệnh lệnh hành chính.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội trên VOV cho rằng, thuế nhập khẩu giảm là nhờ cam kết, trao đổi có đi có lại trong hội nhập. Nếu vì nguồn thu ít đi mà quay sang đánh thuế nội địa, trong đó có thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tính chất hợp lý rất thấp. Điều này còn làm doanh nghiệp bị thiệt đơn thiệt kép.
Lý do là doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng khi thuế nhập khẩu giảm, hàng ngoại nhập vào rất nhiều. Trong khi tiếp tục phải tăng chi cho thuế nội địa, doanh nghiệp sẽ càng bị áp lực cạnh tranh lớn hơn nên sẽ khó có thể “sống” được.
Như vậy, nguồn thu cho Nhà nước sẽ mất đi và không bền vững. Ông Thành đề nghị phải nuôi dưỡng doanh nghiệp. Chính phủ phải cải cách chi tiêu, giảm chi tiêu và tăng tính hiệu quả sử dụng ngân sách.
“Đừng vì đảm bảo nguồn thu để tăng thuế trong nước. Việc tăng thuế cũng phải được cân nhắc trong điều kiện nền kinh tế của đất nước để có mức tăng cho phù hợp”, ông Thành khuyến cáo.
Cũng phân tích tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, TS. Đinh Tuấn Minh phân tích, việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên 4.000đ với xăng, dầu có nghĩa chúng ta là nâng mặt bằng giá chung. Đối tượng chịu ảnh hưởng trước tiên là các doanh nghiệp vận tải. Sau khi chịu ảnh hưởng, các doanh nghiệp vận tải đương nhiên sẽ không chấp nhận bị giảm doanh thu, lợi nhuận. Họ sẽ có biện pháp để thu số chi phí tăng lên do tăng thuế từ các đối tượng sử dụng dịch vụ vận tải.
Điều này tiếp tục dẫn tới các đối tượng sử dụng dịch vụ vận tải phải cắt giảm ngân sách chi tiêu của mình, hoặc cắt giảm chi tiêu khác đề bù đắp cho sự tăng giá dịch vụ vận tải. Đây là một phản ứng dây chuyền khi chịu tác động của tăng giá.
Tất cả doanh nghiệp đều nhìn thấy viễn cảnh này, chỉ có điều những loại hình, đối tượng doanh nghiệp khác nhau sẽ có cách điều chỉnh khác nhau để san sẻ, đẩy khoản chi phí tăng lên này cho những đối tượng khác cùng gánh chịu. Doanh nghiệp nào không thực hiện được sẽ chịu ảnh hưởng, mất phí nhiều hơn.
Tham khảo từ các nguồn:
https://vov.vn/kinh-te/tang-thue-voi-xang-dau-can-can-nhac-suc-chiu-dung-cua-nen-kinh-te-732972.vov
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/tang-thue-xang-dau-vi-bao-ve-moi-truong-hay-do-chi-tieu-khong-hop-ly-20180227130228831.htm
Bình luận