Tăng trách nhiệm đối với mạng lưới thông tin phòng, chống thiên tai
Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện việc phát các văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Đài Phát thanh và Truyền hình các địa phương thực hiện phát văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp ngay khi nhận được và phát lại theo yêu cầu của Ban Chỉ huy, phù hợp với diễn biến thiên tai và ứng phó ở địa phương. Đồng thời, đã bước đầu hình thành mạng lưới thông tin chuyên dùng cho phòng, chống thiên tai.
Tăng cường hơn nữa công tác thông tin về phòng chống thiên tai |
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, mạng lưới thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy còn nhiều bất cập, khi xảy ra thiên tai lớn thường gây mất thông tin liên lạc dẫn đến khó khăn trong công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó và khắc phục hậu quả. Chưa có quy định về trách nhiệm trong việc phát các văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai của các cơ quan thông tấn báo chí khác ngoài Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Về phía các địa phương, vẫn chưa quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong chỉ đạo, tổ chức phổ biến các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai. Chưa có quy định về các trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai ở Trung ương, khu vực và địa phương trong mạng thông tin chuyên dùng.
Để tăng cường hơn nữa công tác thông tin về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị đổi khoản 1, 2 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 66/2014/NĐ-CP. Theo đó, bổ sung trách nhiệm của Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống đài thông tin duyên hải, đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc phát các văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai; bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong chỉ đạo, tổ chức phổ biến kịp thời và chính xác các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai. Đồng thời, sửa đổi điểm e khoản 2, điểm g khoản 3 và khoản 4 Điều 5 trong đó bổ sung mạng lưới thông tin cảnh báo từ hệ thống quan trắc chuyên dùng và trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai ở Trung ương, khu vực và địa phương vào mạng thông tin chuyên dùng.
Cụ thể là, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống đài thông tin duyên hải, giám sát nghề cá, hàng hải, đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm phát các văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên sóng truyền hình và phát thanh.
Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phổ biến kịp thời và chính xác các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên và cùng cấp trên địa bàn.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống đài thông tin duyên hải, đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan thông tấn, báo chí và các hệ thống thông tin chuyên dùng liên quan phát, đưa tin các văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngay sau khi nhận được và phát lại với tần suất tối thiểu 3 giờ/lần đối với thiên tai đến cấp độ 3, tối thiểu 1 giờ/lần đối với thiên tai trên cấp độ 3 cho đến khi có văn bản chỉ đạo mới hoặc hoạt động ứng phó thiên tai đã được thực hiện hoặc diễn biến thiên tai đã thay đổi không còn ảnh hưởng…/.
Bình luận