Tạp chí Kinh tế và Dự báo sắp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia
Nội dung nghiên cứu, chia sẻ phong phú, đa chiều
Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 24/9/2022 tới tại Hà Nội.
Nhiều đề tài, bài viết nghiên cứu về các khía cạnh của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững mới sẽ được công bố tại Hội thảo, như:
(1) “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030: Định hướng chiến lược và giải pháp triển khai” của nhóm tác giả TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ThS. Trần Minh Huế, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tạp chí Kinh tế và Dự báo sắp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia |
(2) “Xây dựng nền nông nghiệp xanh, hướng tới phát triển bền vững” của GS, TS. Nguyễn Hồng Sơn - Ngô Đức Minh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
(3) “Giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh và bền vững cho Việt Nam” của TSKH. Trần Kỳ Phúc và TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương.
(4) “Phát triển kinh tế biển xanh để thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững” của PGS, TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Khóa XV).
(5) “Phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới nền kinh tế xanh” của PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường (EEPI).
(6) “Phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam thông qua Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI)”, của tác giá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD)...
Hội thảo góp phần “hiến kế” giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp cùng trao đổi quan điểm, kết quả nghiên cứu, kiến thức cùng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 là một biến cố lớn của nhân loại, tạo ra khủng hoảng trên diện rộng, làm thay đổi thế giới trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tạo cơ hội để các quốc gia đánh giá lại các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các mối đe dọa nghiêm trọng từ môi trường. Trong bối cảnh này, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết tại COP26, đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ - năm 2050.
Theo Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đến năm 2030, Chỉ số phát triển con người (HDl) đạt trên 0,75; 100% các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt ít nhất 70%. Đến năm 2050: Chỉ HDI đạt trên 0,8; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt ít nhất 90%... |
Trên thế giới, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng tới. Tại Việt Nam, từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020”, định hình con đường tăng trưởng xanh và bền vững cho Việt Nam. Năm 2021, trên cơ sở đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược tăng trưởng xanh là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đặt ra 4 mục tiêu lớn trong Chiến lược tăng trưởng xanh, bao gồm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh./.
Bình luận