Tham nhũng ở Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng
Ngày 22/02, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công.
Theo đó, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu. Trong khi đó, năm 2016, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 133/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu, trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng.
Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam cho rằng, việc tăng nhẹ điểm CPI trong hai năm liên tiếp (2016-2017) là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0-100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng. Kết quả này cũng tái khẳng định đánh giá của Đảng và Nhà nước về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam.
Để giảm thiểu tệ nạn tham nhũng hiện nay, TT cho rằng, Nhà nước cần nâng cao tính hiệu quả trong công tác giám sát của Quốc hội và tính độc lập trong xét xử của các cơ quan Tư pháp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực người dân thường xuyên phải đối mặt với hối lộ và tham nhũng (cảnh sát, y tế công và giáo dục công).
Nhà nước đó là, mở rộng không gian xã hội dân sự, thiết lập và củng cố cơ chế tham gia hiệu quả để người dân, báo chí và các tổ chức xã hội ngoài nhà nước tham gia vào quá trình ra quyết định và giám sát các hoạt động quản lý nhà nước.
Đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân và cộng đồng vào công tác phòng, chống tham nhũng.
Đối với doanh nghiệp, TT cho rằng, tham nhũng đe dọa đến khả năng cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp cần tự chủ động tham gia phòng, chống tham nhũng, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao uy tín và tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tăng cường năng lực phòng, chống tham nhũng nội bộ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm xây dựng, thực hiện và công bố công khai chương trình phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử, trên cơ sở tham khảo các chuẩn mực quốc tế.
Còn đối với báo chí, các tổ chức xã hội và người dân, cần có sự chủ động tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình. Thực hiện quyền tiếp cận thông tin và tham gia giám sát việc thực hiện Luật Tiếp cận thông tin 2016.
Bên cạnh đó, phải chủ động thực hành liêm chính, tố cáo các vụ việc tham nhũng, hối lộ ở các cấp độ khác nhau, trước hết bằng cách tự trang bị kiến thức và thông tin pháp luật, trong đó có pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cần đẩy mạnh xây dựng và củng cố các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội./.
Bình luận