Thống kê mới nhất của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho thấy, tháng 9/2017, số doanh nghiệp được thành lập mới của cả nước là 8.610 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 80.566 tỷ đồng, giảm 30,6% về số doanh nghiệp và giảm 38,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 9 đạt 9,4 tỷ đồng, giảm 11,7% so với tháng trước. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9 là 64.022 lao động, giảm 37,0% so với tháng trước.

Tuy nhiên, theo đà tăng của năm 2017, thì các chỉ tiêu đăng ký doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ tháng 9/2016 (Biểu đồ 1).

Tính chung 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 93.967 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 902.682 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng qua là 2.144.034 tỷ đồng, bao gồm: tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 902.682 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 1.241.352 tỷ đồng với 27.579 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng qua là 886.453 lao động, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy tại Biểu đồ 2, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký trong 9 tháng đầu năm có xu hướng tăng trong giai đoạn 2013-2017. So sánh giữa 9 tháng đầu năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2013, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,6 lần, số vốn đăng ký tăng hơn 3 lần, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp tăng 2 lần.


Theo vùng lãnh thổ, tất cả các vùng đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2016, cụ thể: Trung du và miền núi phía Bắc, tăng 29,8%; Tây Nguyên, tăng 25,5%; Đồng bằng sông Cửu Long, tăng 17%; Đồng bằng sông Hồng, tăng 16,3%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ cùng tăng 13,3%.

Theo lĩnh vực hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới cũng có xu hướng tăng ở hầu hết các ngành so với cùng kỳ năm 2016, như: Kinh doanh bất động sản; Sản xuất phân phối điện, nước, ga; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm... duy nhất, lĩnh vực Vận tải kho bãi đăng ký 4.396 doanh nghiệp, giảm 6,8% (Bảng 1).

Trong 9 tháng đầu năm 2017, một số ngành, lĩnh vực có tỷ lệ số lao động gia nhập thị trường giảm so với cùng kỳ năm 2016, gồm có: Vận tải kho bãi đăng ký 29.842 lao động, giảm 24,8%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đăng ký 16.896 lao động, giảm 20,1%; Công nghiệp chế biến, chế tạo đăng ký 341.964 lao động, giảm 19,9%; Khai khoáng đăng ký 5.116 lao động, giảm 13,3% và Sản xuất phân phối điện, nước, ga đăng ký 8.966 lao động, giảm 3,6%... Các ngành còn lại đều có tỷ lệ lao động đăng ký tăng so với cùng kỳ năm trước.

Về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong 9 tháng đầu năm có 21.100 doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động phân theo vùng lãnh thổ tăng cao nhất ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 13,9% với 3.410 doanh nghiệp; ngược lại, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ doanh nghiệp quay lại hoạt động giảm thấp nhất so với các vùng khác với 8.253 doanh nghiệp, giảm 1,6%.

Về tình hình doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, cả nước có 52.345 doanh nghiệp. Trong đó, tạm ngừng kinh doanh có thời là 18.499 doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016; tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 30.846 doanh nghiệp, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo vùng lãnh thổ, trong 9 tháng đầu năm hầu hết các vùng đều có số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2016; duy nhất, khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm. Bên cạnh đó, so với các khu vực tạm ngừng hoạt động khác thì Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ tăng cao nhất là 23,7% còn khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tỷ lệ tăng thấp nhất là 0,7%.

Theo lĩnh vực hoạt động, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể giảm ở 03 lĩnh vực, bao gồm: Khai khoáng; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy. Các lĩnh vực còn lại đều có số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng so với cùng kỳ năm trước (Bảng 2).

Về số doanh nghiệp giải thể, trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có 8.736 doanh nghiệp, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chủ yếu là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng là 8.022 doanh nghiệp, chiếm 91,8% trên tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo vũng lãnh thổ, chỉ duy nhất giảm ở khu vực Đông Nam Bộ. Các vùng lãnh thổ còn lại đều có lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm trước (Bảng 3).

Ngoài ra, ở một số ngành có lượng doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Khai khoáng có 112 doanh nghiệp, giảm 71,9%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí có 144 doanh nghiệp, giảm 49,5%; Thông tin và truyền thông có 256 doanh nghiệp, giảm 16,9%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 46 doanh nghiệp, giảm 6,1%... Các ngành, lĩnh vực còn lại đều có số doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2016./.