Mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục căng thẳng mặc dù lãnh đạo đứng đầu hai nước Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một thoả thuận tạm dừng chiến tranh thương mại vào hồi tuần trước.

Cảng container ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Trước đó, tại cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Hội nghị Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào đầu tháng, Tổng thống Trump cho biết, Mỹ sẽ hoãn tăng thuế từ mức 10% hiện nay lên 25% đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cũng đã đồng ý mua một lượng lớn các mặt hàng, bao gồm: nông sản, năng lượng, và một số sản phẩm khác nhằm giảm thâm hụt thương mại.

Tuy nhiên, theo thực tế cho thấy, tình hình thương mại giữa hai quốc gia đang diễn ra khá chậm chạp và có nguy cơ làm hỏng triển vọng đạt được thoả thuận thương mại trong thời gian đàm phán 90 ngày.

Cụ thể, nông dân Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài. Thông thường, thương lái Trung Quốc sẽ thu mua đậu nành Mỹ trong những tháng cuối năm khi đến vụ thu hoạch và nhóm sản phẩm tương tự của đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Brazil đã cạn kiệt.

Tuy nhiên, năm nay, các thương lái Trung Quốc đã “phớt lờ” sản phẩm đậu nành từ Mỹ vì đây là sản phẩm hàng hóa bị đánh thuế nhập khẩu lên đến 25%. Đây là một phần của gói hàng hóa Mỹ trị giá 50 tỷ USD mà Trung Quốc đánh với mức thuế cao hơn để trả đũa các biện pháp thuế quan của Mỹ.

Thặng dư thương mại toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt với Mỹ đạt mức cao

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc về tình hình thương mại toàn cầu của Trung Quốc, khoản thặng dư của nước này với tất cả các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ đạt 44,7 tỷ USD trong tháng 11, tăng từ 35 tỷ USD của tháng trước.

Trong đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng vọt lên mức kỷ lục 35,6 tỷ USD trong tháng 11, đạt 293,5 tỷ USD cho 11 tháng đầu năm, tăng cao hơn so với mức 251,3 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 9,8% lên 46,2 tỷ USD và nhập khẩu của nước này từ Mỹ giảm 25% còn 10,6 tỷ USD.

Tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc cũng đã có dấu hiệu chậm lại từ tháng 10. Cụ thể, xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 5,4% trong tháng 11, thấp hơn mức dự báo trước đó 9,4%; tăng trưởng nhập khẩu cũng nằm ở mức 3,0%, cũng thấp hơn so với dự báo.

Sự tăng trưởng chậm của xuất khẩu và nhập khẩu cũng là một dấu hiệu xấu đối với nền kinh tế Trung Quốc. Kéo theo đó, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải đã giảm khoảng một phần tư so với mức trong tháng 1; trong khi đó, đồng Nhân dân tệ cũng đã giảm khoảng 9% so với đồng USD./.

Dịch từ nguồn:

http://kathmandupost.ekantipur.com/printedition/news/2018-12-09/chinas-trade-surplus-with-us-hits-new-high.html