Đó là nhận định của ông Toàn tại Hội thảo “Thành lập Ủy ban Quốc gia về tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam” do Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 15/5.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo điều kiện để Tổng cục Hải quan Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham vấn với nhau về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam (NCTF) tại Việt Nam.

Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của USAID đang cùng với Tổng cục Hải quan Việt Nam hỗ trợ việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi hóa thương mại (TFA) do Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông qua tại Bali (Indonesia) ngày 6/12/2013 sau 10 năm đàm phán.

Điều 23.2 của TFA nêu rõ, mỗi thành viên WTO có nghĩa vụ phải thiết lập duy trì một NCTF hoặc chỉ định một cơ chế hiện có để tạo điều kiện phối hợp các cơ quan trong nước và thực thi các quy định của Hiệp định phải thực hiện ngay khi TFA có hiệu lực.

Ông Nguyễn Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho biết, sau khi thành lập NCTF sẽ góp phần tăng cường hoạt động quản lý hải quan cũng như tạo thuận lợi cho thương mại bằng cách đơn giản hoá các thủ tục xuất nhập khẩu, đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan và tăng cường mối quan hệ đối tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.

Đối với ngành hải quan, việc thành lập Ủy ban Quốc gia về tạo thuận lợi thương mại sẽ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý; giảm thời gian thông quan; tăng cường hợp tác hải quan quốc tế…

Đối với doanh nghiệp, sẽ nhận được nhiều lợi ích như giảm thời gian thông quan, giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng được thị trường…

Trong tham luận “Tiến trình Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO và việc lập NCTF”, ông Nguyễn Toàn cũng cho biết thêm, Hải quan Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp và khu vực tư nhân sẽ tham vấn với nhau cụ thể và sâu rộng về việc thành lập NCTF. Trong đó, sự tham gia của khu vực tư nhân là một phần vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo chương trình làm việc của NCTF sẽ đáp ứng các nhu cầu của doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Peter Faust, chuyên gia quốc tế về Tạo thuận lợi thương mại thuộc GIG cho biết, lợi ích quốc gia rõ ràng khi thành lập và duy trì NCTF như một cơ chế tạo thuận lợi cho thương mại.

Ở Việt Nam, đây là các yêu cầu chủ yếu liên quan tới ASEAN, GMS, APEC. Vì vậy, sự phối hợp giữa các cơ quan quan và chức năng nhiệm vụ của họ là vô cùng cần thiết để tránh trùng lặp.

Ông Peter Faust cũng nhấn mạnh: "Sự tham gia có ý nghĩa của khu vực tư nhân vào quá trình này là một phần không thể tách rời nhằm đảm bảo chương trình làm việc của NCTF sẽ đáp ứng các nhu cầu của doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp".

Phát biểu tại Hội thảo, ông Todd Hammner, Giám đốc Phòng phát triển Kinh tế và Quản trị nhà nước, Usaid Việt Nam chia sẻ, 2015 là năm Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, vấn đề tăng trưởng kinh tế và quản trị nhà nước là những nội dung ưu tiên hàng đầu trong hợp tác song phương giữa hai nước.

Theo ông Todd Hammner, thông thường quá trình thông quan chậm nguyên nhân là do hải quan. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hơn một nửa quá trình thông quan chậm trễ là do các cơ quan khác gây ra, trong đó có cả khu vực tư nhân.

Trong đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội tốt nhất để thúc đẩy nỗ lực hướng tới các mục tiêu chung này trong thời gian sắp tới. Đồng thời góp phần định hướng cho các hoạt động cải cách nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế mở rộng và bền vững ở Việt Nam trong 20 năm tới.

Theo quy định của Hiệp định Tạo thuận lợi hóa thương mại (TFA), mỗi thành viên WTO có nghĩa vụ phải thiết lập và duy trì một NCTF để tạo điều kiện phối hợp giữa các cơ quan trong nước và thực thi các quy định sau khi TFA có hiệu lực.

“Nghị quyết 19 của Chính phủ Việt Nam là một dấu mốc quan trọng, giúp Việt Nam thực hiện được các mục tiêu của Chính phủ và của các Hiệp định thương mại. Đây có thể nói là thời gian tuyệt vời để Việt Nam thành lập NCTF nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Todd Hammner đánh giá.

Hội thảo này là một trong hàng loạt các hoạt động mà Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID hợp tác với Hải quan Việt Nam để tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào các vấn đề tạo thuận lợi thương mại có ảnh hưởng tới lĩnh vực thương mại, đầu tư và kinh tế của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Chiến lược Hợp tác Phát triển Quốc gia của USAID dành cho Việt Nam giai đoạn 2014-2018, Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID đang cùng với Chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các tổ chức xã hội đầy năng động góp phần làm cho sự tăng trưởng chung của Việt Nam có sự tham gia nhiều hơn của mọi thành phần./.