Từ khóa: hợp tác, thương mại, đầu tư, Việt Nam, CHDCNC Lào

Summary

International cooperation, especially the bilateral relationship between Vietnam and Laos, plays a very important role in supporting, connecting and promoting the overall development of Vietnam's economy. On the basis of the traditional and long-term relationship between the two countries throughout history, being an alliance against a common enemy in the revolution for national independence, and a member of the Association of Southeast Asian Nations (ASEAN), the friendship between Vietnam and Laos is increasingly strengthened and developed into a comprehensive cooperative relationship. In particular, in recent years, the two countries have always focused on trade and investment to make economic cooperation more practical and effective, achieving important results, step by step improving the level of political relationship.

Keywords: cooperation, trade, investment, Vietnam, Lao PDR

GIỚI THIỆU

Tình hữu nghị Việt Nam - Lào được hình thành theo suốt chiều dài lịch sử phát triển. Đây là hai nước láng giềng, cùng chung biên giới trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, có nhiều nét tương đồng và sự giao thoa về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị. Nhân dân hai nước thường xuyên tương trợ lẫn nhau như dân tộc anh em trong cuộc sống hằng ngày, cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa. Việt Nam và Lào cũng luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau qua nhiều thế hệ và giai đoạn lịch sử.

Ngày nay, trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và biến động khó lường trong hoạt động ngoại giao của các quốc gia trên toàn thế giới, quan hệ thương mại, đầu tư ngày càng được coi trọng, ở vị trí trung tâm trong sự liên kết, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào. Bên cạnh nhiều thuận lợi sẵn có, quá trình hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn tồn tại không ít khó khăn đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu kỹ lưỡng phương pháp, hình thức hợp tác phù hợp, có hiệu quả trong thời gian tới.

THỰC TRẠNG QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VÀ LÀO TRÊN LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ

Thành tựu đạt được

Trên lĩnh vực thương mại

Với những biện pháp đồng bộ, quan hệ thương mại Lào - Việt Nam phát triển nhanh chóng với sự tăng trưởng ngoạn mục. Giai đoạn 2001-2005, kim ngạch thương mại hai nước đạt 736,1 triệu USD, bình quân 147,2 triệu USD/năm, trong đó, Lào xuất siêu 99,1 triệu USD. Đến giai đoạn 2006-2010, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hai nước đạt trên 1,9 tỷ USD, trong đó, cao nhất là năm 2010, đạt 491,6 triệu USD, gấp gần 2 lần so với năm 2006 và hơn 2,7 lần so với năm 2000. Giai đoạn 2011-2016, có nhiều hoạt động phối hợp, hỗ trợ của chính phủ hai nước, nhu cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng. Các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính được hai bên cải thiện, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho trao đổi hàng hóa. Hai nước tiếp tục áp dụng ưu đãi thuế suất nhập khẩu 0% cho hơn 95% mặt hàng có xuất xứ từ hai nước và giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Lào và Việt Nam (Nguyễn Viết Xuân, 2021). Giai đoạn 2017-2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam - Lào đạt 4,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 2,4 tỷ USD. Mặc dù chịu những tác động chưa từng có bởi dịch bệnh Covid-19, thiên tai, lũ lụt khiến quan hệ thương mại giữa hai nước gặp một số khó khăn, song kim ngạch thương mại song phương trung bình vẫn đạt ở mức hơn 1 tỷ USD/năm, tăng trưởng hơn 10%/năm (Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, 2022). Giai đoạn 2021-2025, hai nước phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều tăng 10%/năm. Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào cả năm 2022 đạt giá trị 1,703 tỷ USD, tăng 24% so với cả năm 2021 (Phạm Kiên – Bá Thành, 2023).

Về chủng loại hàng hóa, dù đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng nền kinh tế Lào vẫn còn là một nền kinh tế phát triển ở mức trung bình, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu hàng xuất khẩu của Lào nói chung, xuất khẩu sang Việt Nam nói riêng. Các mặt hàng chủ lực trước đây như: gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự giảm sút mà thay vào đó là sự tăng trưởng mạnh đến từ các mặt hàng như nông sản, lâm sản, dệt may, điện năng và khoáng sản. Thời gian gần đây, hàng hóa xuất khẩu của Lào sang Việt Nam dần được bổ sung phong phú và đa dạng hơn trước, nhưng cũng chủ yếu là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thạch cao, điện dân dụng. Trong khi đó, các mặt hàng như: cao su, phân bón các loại, khoáng sản và các hàng hóa khác lại tăng đáng kể.

Hợp tác kinh tế giữa các tỉnh dọc biên giới hai nước cũng đạt được những chuyển biến tích cực. Việc trao đổi hàng hóa hai bên được hai nhà nước cho hưởng mức thuế ưu đãi đặc biệt, dành ưu đãi thuế suất nhập khẩu 0% cho hầu hết các mặt hàng có xuất xứ từ mỗi nước, do vậy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khá cao. Phạm vi trao đổi thương mại cũng đã vượt khỏi phạm vi các cặp tỉnh dọc biên giới hai nước, hình thành các thị trường tập trung tại một số tỉnh vùng biên và lan tỏa vào các tỉnh khác nằm sâu trong hai nước.

Nhìn chung, trên cơ sở hợp tác, trong bối cảnh mới của khu vực và của hai nước, Lào và Việt Nam đã xây dựng được cơ chế hợp tác về kinh tế thương mại, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản và những quy định liên quan tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ thương mại cùng phát phát triển. Việt Nam đứng thứ hai (105 triệu USD) trong 10 thị trường xuất khẩu lớn của Lào chỉ sau Trung Quốc (162 triệu USD) cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Lào (Trình Quốc Dũng, Lê Duy Toàn, 2022). Về căn bản, quan hệ thương mại giữa hai nước có tính bổ trợ lớn và còn rất nhiều không gian để tăng cường hợp tác. Các cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thương mại được Chính phủ hai nước quan tâm đầu tư, nâng cấp. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại được chính quyền hai bên phối hợp ngăn chặn tương đối hiệu quả. Nhiều hội chợ thương mại, các cuộc giao thương của doanh nghiệp hai nước được tổ chức, tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp hai nước, giữa các tỉnh, khu vực tam giác phát triển.

Trên lĩnh vực đầu tư

Giai đoạn 2001-2005, hoạt động đầu tư của cả hai bên có chiều hướng giảm so với giai đoạn trước đó. Theo số liệu thống kê, đầu tư của Lào vào Việt Nam đến năm 2005 là 6 dự án với số vốn 16,1 triệu USD. Tiêu biểu có dự án liên doanh lắp ráp xe máy tại Hưng Yên (liên doanh với Việt Nam và Thái Lan, đi vào hoạt động từ năm 1995); dự án liên doanh chế biến nông sản tại Hải Dương (đi vào hoạt động từ tháng 7/2002) là hoạt động tương đối hiệu quả (Lê Đình Chỉnh, 2017). Trong giai đoạn 2006-2010, hoạt động đầu tư của hai bên có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp hai nước tăng cường mở rộng đầu tư. Năm 2007, Lào có 7 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng giá trị 16,74 triệu USD, trong đó giao thông vận tải, bưu điện chiếm 67,3%; tài chính ngân hàng chiếm 31,1%. Về phía Việt Nam, đầu tư vào Lào có 190 dự án đầu tư với tổng số vốn đạt gần 2,3 tỷ USD. Cơ cấu đầu tư, hoạt động đầu tư tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp với 76 dự án, chiếm khoảng 69%; nông - lâm nghiệp với 47 dự án, chiếm 28%; dịch vụ, hạ tầng chiếm khoảng 22% tỷ trọng vốn (Nguyễn Quốc Nghi, Hoàng Thị Hồng Lộc, 2011). Giai đoạn 2011-2016, các hoạt động đầu tư từ Lào vào Việt Nam và từ Việt Nam sang Lào có sự tăng trưởng đáng kể. Nguồn vốn FDI của Lào vào Việt Nam đầu tư cho các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, tài chính ngân hàng, buôn bán lẻ và dịch vụ lưu trú. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu với 3 dự án, tổng vốn đầu tư lên tới 50 triệu USD, chiếm 75% vốn đầu tư; tiếp theo là ngành vận tải kho bãi và tài chính ngân hàng bảo hiểm với 2 dự án. Đầu tư của Lào vào Việt Nam đã từng bước đa dạng hóa về lĩnh vực, tuy nhiên số lượng cũng như vốn đầu tư còn thấp (Khamkeo Manivong, 2017). Về phía Việt Nam, vốn FDI của Việt Nam vào Lào tăng cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký, trong đó, 266 dự án được cấp phép đầu tư sang Lào, với tổng số vốn đăng ký đạt 5,1 tỷ USD (VCCI, 2017). Các dự án đầu tư có hiệu quả trong các lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, giao thông, trồng cây công nghiệp, dịch vụ... Giai đoạn 2017-2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn từ đại dịch Covid-19, hàng năm, Việt Nam vẫn duy trì triển khai gói viện trợ không hoàn lại cho Lào với giá trị 3.250 tỷ đồng, các dự án viện trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án giao thông, năng lượng, đào tạo cán bộ. an sinh xã hội… được triển khai tốt, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Năm 2019, Việt Nam đã viện trợ 300 tấn hạt giống lúa cho Lào để hỗ trợ phục hồi sản xuất sau thiên tai. Cùng với đó, các địa phương, các ngành trực tiếp hỗ trợ đối tác Lào, ước tính khoảng 200 tỷ đồng (Như Chính, 2019).

Trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam ngày càng phát triển vững chắc, quan hệ kinh tế song phương tiếp tục đạt nhiều thành quả tốt. Chính phủ Lào cũng khẳng định xúc tiến nhiều biện pháp hữu hiệu để giữ chân các doanh nghiệp đầu tư Việt Nam – quốc gia thứ ba trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan) với 214 dự án, đạt 5,3 tỷ USD (Hà Nguyễn, 2022). Những thành công trong hợp tác đầu tư và những động thái tạo điều kiện của Chính phủ hai nước mở ra cơ hội, điều kiện mới cho cộng đồng doanh nghiệp của hai nước, thúc đẩy hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai nước ngày càng thuận lợi, tiến triển, góp phần nâng tầm quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam trong thời gian tới.

Một số vấn đề đặt ra

Việc phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu tại một số khu vực còn chậm, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động thương mại giữa hai nước.

Các thủ tục xuất - nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu tuy đã có đổi mới, cải tiến, nhưng vẫn chưa thực sự thông thoáng. Hệ thống hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, dẫn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới, việc triển khai nhiều hiệp định, hợp tác thương mại, thỏa thuận giữa hai bên còn chậm trễ; một số trao đổi song phương không thực hiện được theo kế hoạch.

Công tác thông tin, tuyên truyền còn một số khó khăn khi triển khai, như việc đàm phán bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào chỉ được thực hiện qua công hàm trao đổi; có một số đề án xúc tiến thương mại quốc gia của Việt Nam tại Lào đã phê duyệt nhưng chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, việc thu thập và thống kê số liệu phát triển thương mại biên giới không đầy đủ và không thống nhất cũng gây ra những khó khăn nhất định trong dự báo và triển khai.

Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường, quảng bá sản phẩm còn nhiều khó khăn, việc thu hút đầu tư vào các địa bàn thuộc các địa phương tiếp giáp giữa biên giới hai nước, khu kinh tế cửa khẩu chưa nhiều; các chính sách áp dụng cho khu kinh tế cửa khẩu vẫn chưa phát huy được những ưu thế đặc thù, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn tập trung vào thương mại, dịch vụ, chưa chú trọng đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi..., đã tạo nên sự chênh lệnh về đầu tư trong các lĩnh vực.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Trên thực tế, dự địa hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn rất lớn, để tiếp tục phát triển, đạt được các mục tiêu chung, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện của hai nước, có thể thực hiện các giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển quan hệ thương mại hàng hóa, thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào. Trước hết, phải phát triển hệ thống giao thông kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch, tiếp cận trực tiếp các trung tâm kinh tế lớn, như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hoặc Bangkok của Thái Lan. Đồng thời, hỗ trợ, ưu đãi các nhà đầu tư các lĩnh vực như chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi gia súc lớn..., tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, xúc tiến đầu tư trên địa bàn các tỉnh, địa phương dọc tuyến biên giới của hai nước.

Hai là, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý và điều hành hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước. Cụ thể, cần cải cách thủ tục hành chính, hải quan theo hướng đơn giản, tinh gọn tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa của hai nước lưu thông. Bên cạnh đó, Chính phủ hai nước cũng cần xây dựng kế hoạch phát triển thương mại biên giới theo từng thời kỳ, từng giai đoạn để phù hợp với định hướng phát triển chung của từng nước và phù hợp với các mục tiêu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định còn chưa phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, định hướng xây dựng mô hình quản lý hải quan thông minh để điều hành tốt các hoạt động thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Lào và Việt Nam.

Ba là, tăng cường các hoạt động ngoại giao, đám phán và xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai nước. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, triển khai các bản ghi nhớ, bản ký kết, các hiệp định thương mại, như: Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào năm 2015, Thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào năm 2007… nhằm tạo ra hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước dễ dàng tiếp cận, thâm nhập thị trường để xúc tiến các hoạt động thương mại thông qua các trung tâm hỗ trợ thương mại, văn phòng đại diện, hội chợ triển lãm gian hàng giới thiệu sản phẩm… Các diễn đàn này sẽ được hỗ trợ kinh phí tổ chức nhằm tăng cường kết nối giao thương và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp hai nước. Hai bên cũng cần phối hợp tăng cường đầu tư, xây dựng mới các trung tâm thương mại liên doanh, nhất là ở các vùng đô thị đông dân cư; vừa khuyến khích doanh nghiệp hai nước hợp tác, vừa nhanh chóng thiết lập các kênh chủ lực nhằm đưa hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam sang Lào và ngược lại, để người tiêu dùng hai nước làm quen dần với hàng hóa và dịch vụ của nhau.

Do đó, Việt Nam và Lào cần chú trọng công tác nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thương mại, đầu tư cho phù hợp, theo hướng tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là trong các hoạt động hợp tác thương mại biên giới cho phù hợp với mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước nói riêng và phù hợp thông lệ quốc tế nói chung. Tiếp tục triển khai phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện các văn bản đã được ký kết. Tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực hai bên đã thống nhất./.

ThS. Nguyễn Tiến Thành

Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 20, tháng 7/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương (2022), Hội chợ Thương mại Việt-Lào 2022: Cầu nối hiệu quả cho kết nối thương mại và đầu tư hai nước, truy cập từ https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoi-cho-thuong-mai-viet-lao-2022-cau-noi-hieu-qua-cho-ket-noi-thuong-mai-va-dau-tu-hai-nuoc.html.

2. Hà Nguyễn (2022), Tăng cường hợp tác toàn diện Việt – Lào trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, truy cập từ https://baodautu.vn/tang-cuong-hop-tac-toan-dien-viet---lao-trong-linh-vuc-ke-hoach-va-dau-tu-d162536.html.

3. Khánh Linh (2022), Đề xuất hàng hóa xuất xứ từ Lào được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%, truy cập từ https://baochinhphu.vn/de-xuat-hang-xuat-xu-tu-lao-duoc-huong-thue-nhap-khau-uu-dai-dac-biet-0-102220707142311124.htm.

4. Khamkeo Manivong (2017), Đề xuất các giải pháp phát triển quan hệ kinh tế Lào - Việt Nam sau khi Lào gia nhập WTO, truy cập từ http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/de-xuat-cac-giai-phap-phat-trien-quan-he-kinh-te-lao-viet-nam-sau-khi-lao-gia-nhap-wto-51080.htm.

5. Lê Đình Chỉnh (2017), Quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào trong giai đoạn 1954-2017, Nxb Thông tin và truyền thông.

6. Nguyễn Viết Xuân (2021), Quan hệ Lào - Việt Nam (1986-2016), Luận án tiến sỹ lịch sử, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế.

7. Nguyễn Quốc Nghi, Hoàng Thị Hồng Lộc (2011), Hợp tác phát triển bền vững kinh tế Việt Nam – Lào: Nhìn từ góc độ đầu tư trực tiếp Việt Nam, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, 8(184).

8. Như Chính (2019), Việt Nam đứng thứ 3 về đầu tư tại Lào, truy cập từ https://baodautu.vn/viet-nam-dung-thu-3-ve-dau-tu-tai-lao-d112496.html.

9. Nguyễn Viết Xuân (2021), Kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào năm 2022 tăng trưởng ấn tượng, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/kim-ngach-thuong-mai-viet-namlao-nam-2022-tang-truong-an-tuong/844419.vn.

10. Phạm Kiên – Bá Thành (2023), Kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào năm 2022 tăng trưởng ấn tượng, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/kim-ngach-thuong-mai-viet-namlao-nam-2022-tang-truong-an-tuong/844419.vnp

11. Trung tâm Thông tin, Phân tích và dự báo kinh tế (2022), Quan hệ hợp tác Việt – Lào giai đoạn 2017-2020 tiếp tục đi vào chiều sâu, truy cập từ http://kinhtetrunguong.vn/web/guest/thong-tin-chuyen-de/quan-he-hop-tac-viet-lao-giai-doan-2017-2022-tiep-tuc-di-vao-chieu-sau.html.

12. Trình Quốc Dũng, Lê Duy Toàn (2022), Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Lào giữ vững đà tăng, truy cập từ https://nhandan.vn/kim-ngach-xuat-nhap-khau-viet-nam-lao-giu-vung-da-tang-post711628.html.

13. VCCI (2017), Hồ sơ thị trường Lào, truy cập từ https://vcci.com.vn/uploads/Ho-so-thi-truong-Laos-2017.pdf.