Thế giới sẽ xử lý ra sao trước nguy cơ mất an ninh lương thực?
Dịch bệnh, chiến sự làm trầm trọng thêm nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu (Nguồn:News.sky.) |
Dịch bệnh, xung đột đẩy giá lương thực tăng cao
Theo hãng tin AP, Ukraine và Nga là hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới, chiếm 1/3 lượng xuất khẩu toàn cầu. Vì vậy, cuộc xung đột đã đẩy giá lương thực tăng vọt ở nhiều nơi trên thế giới. Các nước nghèo ở Bắc Phi, châu Á và Trung Đông phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì có nguy cơ mất an ninh lương thực (ANLT) do cuộc chiến ở Ukraine. Cũng theo FAO , Nga cũng là nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới và một thành phần phân bón quan trọng là ure đã tăng giá hơn gấp 3 lần trong 12 tháng qua.
Do cuộc chiến diễn biến phức tạp nên không biết đến bao giờ mới ngưng, nên sản xuất nông nghiệp tại Nga và Ukraine lại thêm bất ổn, an ninh lương thực có thể kéo dài. Do thiếu hụt nguồn cung nên giá lương thực và thực phẩm tăng từ 8% đến 22% sau khi chiến sự diễn ra.
Theo Gabriel Ferrero de Loma-Osorio, người đứng đầu Ủy ban An ninh Lương thực Thế giới, thuộc Liên hợp quốc, hiện thế giới có thêm 161 triệu người đang bị đói so với trước đại dịch, tổng cộng 821 triệu người. Xung đột Nga- Ukraine đã có tác động nặng nề đến sự sẵn có và giá cả của thực phẩm. Còn theo FAO, do chiến sự, nên việc thu hoạch lúa mì ở Ukraine cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khi vụ lúa mì thu hoạch tháng 6 tới đây đang đến gần, chiến dịch sơ tán dân ồ ạt đã làm giảm lực lượng lao động nông nghiệp, lúa chính không có người gặt hái. Ngay cả khi họ có thể thu hoạch được thì các cảng của Ukraine trên Biển Đen cũng đã bị đóng do chính phủ Ukraine đã ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, yến mạch, kê, kiều mạch và một số sản phẩm khác nhằm ngăn chặn khủng hoảng lương thực trong nước và ổn định thị trường.
Xung đột Ukraine – Nga khiến giá lương thực nhiều nơi tăng cao (Nguồn: Arc2020.eu/Euronews) |
Theo FAO, lệnh cấm xuất khẩu của Ukraine không áp dụng đối với các nguồn cung cấp chính trên toàn cầu của nước này là ngô và dầu hướng dương. Ukraine và Nga cùng có thị phần khoảng 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương, 19% lúa mạch, 14% lúa mì và 4% ngô trên thị trường toàn cầu. Ngoài Ukraine và Nga còn một số nhà xuất khẩu khác, như: về lúa mì có Canada, Mỹ và Argentina.
Số lượng các quốc gia phụ thuộc vào lúa mì Nga và Ukraine rất lớn, như: Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Iran, Lebanon, Tunisia, Yemen, Libya và Pakistan... Tại châu Á, chỉ riêng Bangladesh nhập khẩu gần một nửa lúa mì từ Ukraine và Nga. Về giá, theo số liệu của FAO, giá lương thực đã đạt ngưỡng đỉnh “xưa và nay” vào hồi tháng 2. Năm 2021, giá lúa mì và lúa mạch đã tăng 31%, giá dầu hạt cải và dầu hướng dương cũng tăng vọt hơn 60%, riêng giá lúa mì tăng hơn 50% so với một tuần trước khi cuộc chiến nổ ra.
Giải pháp đảm bảo an ninh lương thực
Khu vực châu Á
Theo báo cáo của UNICEF về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng ở châu Á - Thái Bình Dương, Asia and the Pacific Regional Overview of Food Insecurity and Nutrition (Tổng quan An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng Khu vực châu Á- Thái Bình Dương) cho thấy, thực trạng nghiệt ngã. Có khoảng 375,8 triệu người trong khu vực phải đối mặt với nạn đói vào năm 2020, cao hơn gần 54 triệu người so với năm 2019. Riêng châu Á, hơn 1,1 tỷ người không được tiếp cận với thực phẩm đầy đủ vào năm 2020, tăng gần 150 triệu người chỉ trong một năm. Chi phí cao cho một chế độ ăn uống lành mạnh và tỷ lệ đói nghèo cao kéo dài và bất bình đẳng thu nhập tiếp tục khiến chế độ ăn uống lành mạnh nằm ngoài tầm với của 1,8 tỷ người ở khu vực này.
Châu Á là khu vực cung cấp lương thực chủ yếu của thế giới cũng bị cơn bão giá lương thực tác động mạnh. Tại các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (Thái Lan, Việt Nam), giá gạo cũng đã tăng cao. Còn tại các nước nhập khẩu gạo, như: Philippin, Bangladesh…, tình hình biến động còn phức tạp hơn.
Để đối phó với nạn thiếu lương thực, các nước châu Á đang đưa ra những chương trình hành động mang tính tình thế nhưng thiết thực như xây dựng chiến lược đảm bảo ANLT bền vững, nhằm cung cấp đủ lượng lương thực thiết yếu cho nhân dân và cho dự trữ chiến lược quốc gia (theo FAO thì tỷ lệ dự trữ lương thực mức an toàn phải đạt khoảng 18%). Ví dụ, Trung Quốc hiện duy trì lượng dự trữ chiến lược từ 140 đến 200 triệu tấn ngũ cốc, trong đó khoảng 40 đến 50 triệu tấn gạo.
Theo UNICEF,ước tính có khoảng 375,8 triệu người trong khu vực châu Á bị đứt bữa vào năm 2020 (Nguồn: Unicef/ Dreamstime). |
Về sản xuất, chính phủ ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nâng cao sản lượng các loại cây lương thực. Chú trọng việc ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới, như: công nghệ vi sinh, công nghệ gen.... Ví dụ, người Nhật rất chú trọng nghiên cứu, phát triển các giống lúa mới cho sản lượng cao, trồng ngắn ngày, sức chịu đựng tốt. Trung Quốc rất coi trọng thực hiện chính sách trợ nông để khuyến khích phát triển. Trung Quốc cũng chủ trương đẩy mạnh chương trình "đô thị hóa" nông thôn, để ổn định sản xuất và đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị.
Khu vực châu Phi
Báo cáo của Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC), Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) và FAO mới nhất cho biết, năm 2020, hơn 281 triệu người châu Phi bị suy dinh dưỡng, nhiều hơn 46 triệu so với năm 2019. Số người bị đói ở châu Phi tiếp tục tăng do xung đột, biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế, đặc biệt là do đại dịch COVID-19 gây ra. Liên hợp quốc và AU cho rằng, tình hình còn tồi tệ hơn nữa trong năm nay bởi các các nguyên nhân gây ra nạn đói vẫn chưa được kiềm chế.
Theo Liên hợp quốc, để khắc phục hiệu quả những thách thức về an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh và xung đột, các nước châu Phi cần thực hiện đồng bộ các chương trình nghiên cứu và các biện pháp đối với các lĩnh vực: trồng trọt, nông nghiệp và các chính sách tín dụng nông nghiệp; các hệ thống giáo dục chế biến lương thực và nông nghiệp; các chính sách dinh dưỡng và lương thực; các chính sách hỗ trợ tài chính của chính phủ liên quan đến dinh dưỡng và nông nghiệp; các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ địa phương cho các ngành công nghiệp lương thực và nông nghiệp; trợ giúp kinh tế - xã hội và lương thực cho các cộng đồng .
Để làm được điều này chính phủ các nước cần bảo hộ chuỗi cung ứng, bảo hộ đầu tư tư nhân, phát triển thị trường và tạo ra các nỗ lực xây dựng không gian tài khóa, đặc biệt là hoãn việc trả nợ. Tăng cường dự trữ lương thực để hỗ trợ những tình huống bất trắc xảy ra. Về sản xuất điều hành cần sớm đưa công nghệ số và đổi mới công nghệ vào ứng dụng trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ngoài ra cũng cần có các biện pháp bền vững và dài hạn bao gồm xây dựng năng lực cấp độ châu lục, vùng, quốc gia, góp phần thúc đẩy việc hoạch định chính sách hiệu quả liên quan đến các vấn đề nông nghiệp, lương thực và dinh dưỡng ở châu Phi.
Năm 2020, hơn 281 triệu người châu Phi bị suy dinh dưỡng (Nguồn: Weltohnehunger). |
Khu vực châu Âu
Ngày 23/3 vừa qua Ủy ban Liên minh châu Âu (EC) đã phát hành thông báo nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh chiến sự, có tên Safeguarding food security and reinforcing the resilience of food systems (ANLT và tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống lương thực). EC nêu ra một số biện pháp khẩn cấp để giải quyết một phần các cuộc khủng hoảng lương thực có nguồn gốc từ cuộc chiến tại Ukraine.
Tài liệu đặt trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine vẫn tiếp diễn. Nó tập trung vào thương mại lương thực và thức ăn chăn nuôi, tính sẵn có và giá cả, cũng như các biện pháp viện trợ và hỗ trợ. Các phần chính đề cập đến an ninh lương thực toàn cầu, an ninh lương thực ở EU và đảm bảo khả năng phục hồi của hệ thống lương thực. Có một số kế hoạch cụ thể được nêu ra gisp đảm bảo ANLT cho EU, với các điểm nhấn quan trọng dưới đây:
Dự phòng khủng hoảng, với nguồn vốn 500 triệu EUR cộng với tiền đóng góp của các quốc gia thành viên
Thông báo nhấn mạnh: “Trước tình hình đặc biệt hiện tại, EC đề xuất một gói hỗ trợ 500 triệu EUR để “đảo ngược khủng hoảng”, bao gồm cả việc tận dụng nguồn dự phòng khủng hoảng, hỗ trợ các nhà sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trên cơ sở này, các quốc gia thành viên có thể cung cấp hỗ trợ tài chính cho nông dân để góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu hoặc giải quyết sự xáo trộn thị trường do tăng chi phí đầu vào hoặc các hạn chế thương mại. Hỗ trợ cho các thực hành bền vững cần được ưu tiên. Để giải quyết những thách thức về dòng tiền có thể xảy ra vào mùa thu này, EC cho phép các quốc gia thành viên thanh toán các khoản ứng trước ngày càng tăng của các khoản thanh toán trực tiếp và các biện pháp phát triển nông thôn liên quan đến khu vực và động vật cho nông dân kể từ ngày 16/10/ 2022. Quỹ dự phòng khủng hoảng có thể được bổ xung thêm vào bởi các quốc gia thành viên, do đó, tổng cộng, có thể tạo ra quỹ lên đến 1,5 tỷ EUR”.
Ngày 23/3, EU công bố thông báo nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh chiến sự và khủng hoảng năng lượng (Nguồn: Gettyimages) |
Những vi phạm từ nghĩa vụ phủ xanh CAP
Để mở rộng năng lực sản xuất của EU, EC đã thông qua một đạo luật thực thi nhằm tạm thời cho phép các quốc gia thành viên không vi phạm một số nghĩa vụ về phủ xanh hay CAP (Common Agricultural Policy - Chính sách Nông nghiệp Chung). Đặc biệt, EC có thể cho phép sản xuất bất kỳ loại cây trồng nào trên đất bỏ hoang thuộc Khu vực Trọng điểm Sinh thái (Ecological Focus Areas) vào năm 2022, trong khi vẫn duy trì mức chi trả phủ xanh đầy đủ. Sự linh hoạt tạm thời này của EU cho phép nông dân điều chỉnh và mở rộng kế hoạch trồng trọt của họ trong năm 2022.
Với việc ban hành biện pháp nói trên, EC xem xét việc miễn trừ một phần các điều kiện được cho là cốt lõi của CAP, mà không làm mất thu nhập của nông dân. Điều này có nghĩa, các khoản thanh toán sẽ vẫn được nhận mà không có bất kỳ hoạt động môi trường nào và với giá cây trồng trên thị trường ở mức kỷ lục.
Nhiên liệu sinh học
Thông báo nêu rõ: “Một số quốc gia thành viên đã quyết định giảm tỷ lệ pha trộn của nhiên liệu sinh học, điều này có thể dẫn đến giảm diện tích đất nông nghiệp của EU được sử dụng để sản xuất nguyên liệu nhiên liệu sinh học, điều này có thể giảm bớt áp lực đối với thị trường thực phẩm và thức ăn chăn nuôi”.
Về lúa mì vụ xuân
“Khuyến khích trồng lúa mì vụ xuân cao hơn” (trang 6)… “CAP và CFP (chứng chỉ chuyên gia hoạch định tài chính) đưa ra một loạt các biện pháp, bao gồm mạng lưới an toàn về giá và khả năng thực hiện các biện pháp đặc biệt. Các biện pháp này có thể được triển khai để đảm bảo thị trường ổn định và giải quyết các trường hợp ngoại lệ. Hỗ trợ có mục tiêu cho nông dân đối mặt với sự gia tăng chi phí đầu vào là cần thiết nhưng không nên làm suy yếu các mục tiêu dài hạn của một hệ thống lương thực bền vững và linh hoạt”, thông báo nhấn mạnh.
Liên quan đến khuôn khổ khủng hoảng tạm thời
"Hỗ trợ cho các chủ trương bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi cuộc khủng hoảng, bao gồm cả nông dân và ngư dân, dưới hình thức hỗ trợ thanh khoản và viện trợ cho việc tăng chi phí khí đốt và điện", thông báo viết.
Về giá phân bón
“Giá phân bón cao khuyến khích sử dụng hiệu quả hơn và thúc đẩy đổi mới… canh tác hữu cơ “ít bị phơi nhiễm hơn”… tuy nhiên, trong ngắn hạn, ưu tiên đến việc sản xuất phân khoáng cho nông nghiệp”, thông báo cho hay./.
EU sẽ tung ra gói hỗ trợ "500 triệu EUR để ‘đảo ngược khủng hoảng" (Nguồn: Slowfood/ Bloomberg) |
Khắc Nam
Theo BCNN- 3/2022
Tham khảo từ các nguồn:
https://www.unicef.org/eap/reports/asia-and-pacific-regional-overview-food-insecurity-and-nutrition
https://www.arc2020.eu/food-security-communication-some-key-aspects/
https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_22_1963
https://agricultureandfoodsecurity.biomedcentral.com/articles/10.1186/2048-7010-1-2
Bình luận