Thống kê về lao động nước ngoài ở Việt Nam: Cần thiết phải hoàn thiện
4 căn cứ để Việt Nam cần hoàn thiện thống kê về lực lượng lao động nước ngoài
Trong những năm đổi mới đất nước, kinh tế Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5,9% mỗi năm. Đóng góp vào mức tăng này, không chỉ có toàn bộ lực lượng lao động, người lao động người Việt Nam, mà còn có lực lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam. Bộ phận lao động nước ngoài ngày càng tăng số lượng, ngành nghề và chất lượng nâng lên. Tuy nhiên, so với thông tin thống kê về lao động người Việt Nam, lao động nước ngoài ở Việt Nam vẫn còn thiếu một số thông tin thống kê, nhất là về việc làm và thu nhập, tình hình đời sống…
TS. Vũ Thanh Liêm, nguyên Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê |
Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó trọng tâm là đổi mới kinh tế và mở rộng hội nhập toàn cầu. Theo từng năm, số lượng dự án đầu tư nước ngoài cũng như những mối quan hệ kinh tế giữa các nước với Việt Nam và ngược lại càng ngày càng tăng lên. Thực tế này dẫn đến việc người lao động từ các quốc gia khác đến Việt Nam và ngược lại đã và sẽ ngày càng tăng, cơ cấu lao động cũng biến đổi cùng xu hướng với cơ cấu GDP.
Đến năm 2019, lao động nước ngoài ở Việt Nam chiếm gần 0,21% trong tổng số lao động trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tham gia vào thị trường lao động ở Việt Nam, đặc điểm của lực lượng lao động nước ngoài là thường có trình độ, chất lượng cao, có khả năng tạo ra giá trị tăng thêm ngày càng nhiều. Chính phủ Việt Nam đã chủ động và thấy được rõ vai trò quan trọng của bộ phận lao động đến từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, để chăm lo, sử dụng, quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam hiệu quả và bình đẳng giữa các lực lượng lao động khác nhau trên cùng lãnh thổ Việt Nam, yêu cầu tiên quyết là phải có thông tin thống kê đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực, khách quan về nó. Theo đó, thông tin thống kê lao động nước ngoài (LĐNN) cần phải có và cần sớm hoàn thiện vì những căn cứ sau:
Thứ nhất, về tính pháp lý, năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2013/NĐ-CP về lao động nước ngoài ở Việt Nam. Trong đó, quy định rõ về lao động nước ngoài ở Việt Nam, quy trình quản lý lực lượng này ở Việt Nam. Đặc biệt, Nghị định số 102/2013 quy định rất rõ về thu thập, báo cáo thông tin thống kê bằng hình thức chế độ báo cáo thống kê về lao động nước ngoài ở Việt Nam. Năm 2016 và 2020, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP và 152/2020/NĐ-CP đã cụ thể hóa việc lập báo cáo thống kê của tổ chức, đơn vị sử dụng lao động, đồng thời giao các Sở lao động TBXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan tổng hợp số liệu theo mẫu biểu mẫu thống kê thống nhất. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm với Nghị định 11/2016/NĐ-CP và theo năm hoặc đột xuất với Nghị định 150/2020/NĐ-CP, cần phải xây dựng báo cáo (Biểu thống kê và báo cáo phân tích) về tình hình lao động nước ngoài ở tỉnh, thành phố và cả nước. Báo cáo được gửi đồng thời về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Cơ quan được giao trực tiếp quản lý LĐNN trên địa bàn) và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội. Vì thế, các cơ quan được chính phủ phân công phải nghiêm chỉnh tiến hành thu thập thông tin thống kê về lao động nước ngoài ở Việt Nam.
Thứ hai, về tính thực tiễn, khi một lực lượng mới tham gia hoạt động kinh tế nói chung, lực lượng LĐNN tham gia thị trường lao động Việt Nam nói riêng, để tạo điều kiện cho sự phát triển và quản lý có hiệu lực và hiệu quả, thì phải có thông tin thống kê. Đây là điều rất cần thiết và là tất yếu cho các cơ quan chức năng, cho doanh nghiệp, cho các tổ chức cá nhân khác sử dụng. Vì thế, Tổng cục thống kê cùng với các cơ quan thống kê các bộ ngành phải thu thập thông tin thống kê này theo phân công của Chính phủ, cũng như đòi hỏi của thực tiễn.
Thứ ba, về tính chính trị, trong quá trình tham gia hội nhập quốc tế, Việt Nam đã, đang và sẽ luôn luôn cam kết các điều ước quốc tế và trong trường hợp văn bản pháp luật quốc gia về điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có những qui định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế. Liên quan đến quyền con người của lao động nước ngoài, có 21 trong tổng số 189 công ước của Tổ chức lao động Quốc tế -ILO quy định nội dung này.
Trong quá trình toàn cầu hóa, bài toán đặt ra cho Việt Nam là cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người lao động nói chung, trong đó có lực lượng LĐNN ở Việt Nam. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 kéo dài, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người lao động, thì việc các cơ quan chức năng có những giải pháp năng chăm sóc, bảo vệ người lao động càng trở nên cần thiết và quan trọng cho tất cả lực lượng lao động trong nền kinh tế. Để hoạt động hỗ trợ người lao động hiệu quả, đúng đối tượng, thông tin thống kê về lực lượng lao động nói chung và LĐNN ở Việt Nam nói riêng là rất cần thiết. Đó cũng là nền tảng để nước ta thực hiện các cam kết của mình với các đối tác nước ngoài và ILO…
Thứ tư, về tính khoa học thống kê, hiện nay trong các ấn phẩm thống kê của Tổng cục Thống kê, số liệu của chỉ tiêu thống kê lao động doanh nghiệp ở Việt Nam có bao gồm cả LĐNN trong doanh nghiệp. Khi tính các chỉ tiêu thống kê dẫn xuất liên quan đến lao động đều sử dụng tổng số lao động của doanh nghiệp. Hơn thế, một số chỉ tiêu thống kê khác đều có chia ra (phân tổ) theo loại hình kinh tế (kinh tế nhà nước, ngoài nhà nước, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài), hoặc loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước, FDI). Như thế, có nghĩa là số liệu một số chỉ tiêu thống kê trên lãnh thổ (đơn vị thường trú) đều bao gồm kết quả sản xuất từ các đơn vị nước ngoài đóng trên lãnh thổ Việt Nam làm ra. Vì thế, để tương thích và cùng một phạm vi không gian, tất cả các chỉ tiêu thống kê phải cùng dùng một phương pháp biên tập thống kê thống nhất, như khoa học thống kê chỉ ra.
Cả 4 căn cứ trên cho thấy, toàn bộ lực lượng lao động làm việc trên lãnh thổ Việt Nam phải được thống kê đầy đủ và chính xác. Hay nói cách khác là phải có thông tin thống kê về LĐNN ở Việt Nam.
Đề xuất xây nguồn thông tin thống kê tốt nhất về toàn bộ lực lượng lao động
Các căn cứ về tính pháp lý, thực tiễn, chính trị và khoa học thống kê nói trên cho thấy, nước ta phải sớm có thông tin thống kê về lao động nước ngoài ở Việt Nam đủ về số lượng và chất lượng. Vì vậy, thu thập thông tin thống kê về lao động nước ngoài ở Việt Nam là rất cần thiết.
Cần bổ sung LĐNN ở Việt Nam là đối tượng của cuộc điều tra lao động việc làm hàng tháng do Tổng cục Thống kê chủ trì |
Tổng cục Thống kê không chỉ thực hiện chức năng hướng dẫn hoạt động thống kê cho các bộ, ngành theo Luật Thống kê, mà còn phải thực hiện chức năng thu thập những thông tin thống kê mà Chính phủ phân công. Tổng cục Thống kê đã và đang thu thập thông tin thống kê về lao động và việc làm của lao động Việt Nam rất chuyên nghiệp và có cơ sở khoa học thống kê. Nếu được phân công, Tổng cục Thống kê đủ thẩm quyền, năng lực và trách nhiệm thu thập thông tin LĐNN ở Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và xã hội có nguồn thông tin thống kê về LĐNN ở Việt Nam tương đối đầy đủ trong số các cơ quan thống kê ở Việt Nam. Thông tin thống kê này có được nhờ họ thực hiện cả 3 hình thức thu thập thông tin thống kê bao gồm:
Chế độ báo cáo thống kê được qui định trong các nghị định của Chính phủ về “người LĐNN làm việc tại Việt Nam”; Khai thác các hồ sơ hành chính từ dữ liệu LĐNN vào Việt Nam khai báo theo qui định của các văn bản pháp lý; Một số các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu.
Tuy nhiên, so với thông tin thống kê về lao động người Việt Nam thì thông tin thống kê về LĐNN ở nước ta vẫn còn thiếu những thống kê đặc trưng, nhất là về lao động, việc làm và đời sống. Thông tin thống kê về lao động người Việt Nam được thu thập, tính toán, tổng hợp và công bố từ cuộc điều tra “Lao động và việc làm” trong chương trình điều tra quốc gia, được Tổng cục Thống kê triển khai thực hiện hàng tháng.
Để có được thông tin thống kê đầy đủ và đồng bộ về lao động người Việt Nam cũng như LĐNN ở Việt Nam trong cùng tổng thể lực lượng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, theo tôi, Tổng cục Thống kê cần:
(1) Xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê về lao động, việc làm, trong đó có cả LĐNN ở Việt Nam;
(2) Bổ sung LĐNN ở Việt Nam là đối tượng của cuộc điều tra lao động việc làm hàng tháng do Tổng cục Thống kê chủ trì.
Nếu làm được, chắc chắn nước ta sẽ có Bộ thông tin thống kê về lao động trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có phân tổ LĐNN và lao động Việt Nam. Đây sẽ là nguồn thông tin thông kê về lao động đầy đủ và tốt nhất từ trước đến nay. Những thông tin thống kê giá trị này không chỉ giúp nhà nước quản lý hiệu lực và hiệu quả cả 2 nguồn lực lao động, mà còn hỗ trợ kịp thời, bình đẳng cho mọi lao động tại Việt Nam sống và làm việc. Từ đó, sẽ làm cho thị trường lao động phát triển, góp phần tiếp tục làm cho kinh tế của Việt Nam phát triển bền vững, trên hết là vì con người và “không để ai bị bỏ lại phía sau” ./.
Bình luận