Từ khóa: doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn ngoài nhà nước, quyết định đầu tư, thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc.

Summary

As a province with a high proportion of industry in economic structure, in recent years, Vinh Phuc regularly pays attention to and focuses on attracting investment, particularly investment from large investors. The article analyzes the results of investment attraction of large enterprises to Vinh Phuc province in the past time and propose some recommendations for the coming period.

Keywords: large enterprises, large non-state enterprises, investment decisions, investment attraction of Vinh Phuc province.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Vĩnh Phúc là một tỉnh nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thiên nhiên khá thuận lợi, có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để có thể tận dụng và phát huy tiềm năng này, cần có nguồn lực đầu tư lớn từ các nhà đầu tư. Dòng vốn đầu tư từ các DN lớn chính là dòng vốn “mồi” để thu hút nhanh và mạnh mẽ nhất vốn đầu tư từ rất nhiều các thành phần kinh tế khác cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Cùng với đó, các DN lớn là những DN tiếp cận nhanh với sự phát triển của công nghệ tiên tiến thế giới. Đây cũng chính là định hướng thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc để trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, việc thu hút được các DN lớn đầu tư vào Tỉnh không dễ, vì số lượng các DN lớn chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Bên cạnh đó, các DN lớn cũng là những nhà đầu tư khó tính trong việc lựa chọn điểm đến cho hoạt động đầu tư của mình. Chính vì vậy, nghiên cứu thực trạng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015-2022 là cần thiết để có thể đề xuất một số khuyến nghị khắc phục các hạn chế hiện nay là cần thiết.

THỰC TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2015-2022

Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ, nguồn lao động dồi dào, tỉnh Vĩnh Phúc còn có lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhờ những chính sách tạo thuận lợi cho DN, nhà đầu tư yên tâm hoạt động, triển khai dự án.

Đầu tư của các DN trong nước

Vừa là điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc hiện nay cũng là địa điểm của nhiều DN, tập đoàn sản xuất lớn trong nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ. Số dự án đầu tư được cấp phép trong nước trên địa bàn Tỉnh đạt trung bình trên 40 dự án mỗi năm. Nhiều DN lớn đã hoạt động sản xuất, kinh doanh và đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Có thể kể đến một số công ty như: Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vitto, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sơn Hà xanh, Công ty Cổ phần Công nghiệp Hera...

Hình: Đầu tư trong nước tại Vĩnh Phúc giai đoạn 2015-2022

Thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc: Thực trạng và khuyến nghị
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc

Lũy kế đến ngày 15/12/2022, số dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN) của Tỉnh còn hiệu lực là 447 dự án; bao gồm: 97 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 26.707,9 tỷ đồng và 350 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.812,9 triệu USD. Giai đoạn 2015-2022, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song số vốn đăng ký vẫn duy trì ở mức trên 3 nghìn tỷ đồng/năm và tăng trở lại lên 3,5 nghìn tỷ vào năm 2022 (Hình).

Các DN trong Tỉnh, đặc biệt là các DN lớn đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực, như: dịch vụ thương mại, công nghiệp, xây dựng. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất (263 dự án với 19.059,6 tỷ đồng, chiếm 49% tổng số dự án trong nước và gần 62% tổng vốn đăng ký), tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp (200 dự án với 8.832,81 tỷ đồng, chiếm 38% tổng số dự án trong nước và 28,6% tổng vốn đăng ký).

Số dự án của DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 67 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3.000 tỷ đồng. Tỷ trọng đầu tư còn rất khiêm tốn so với 2 ngành còn lại, song bước đầu đã có những thay đổi tích cực. Vĩnh Phúc đã có những sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu đặc trưng riêng, như: thanh long ruột đỏ, ớt quả, dưa chuột, su su, chuối tiêu hồng; một số nông sản của Tỉnh đã vươn ra thị trường thế giới. Về chăn nuôi, trên địa bàn Tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn, như: Chăn nuôi lợn ở Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm ở Tam Dương, Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo...

Số dự án cũng như tổng vốn đăng ký của các DN trong nước hiện đang chiếm tỷ lệ lớn tại các KCN: Bình Xuyên, Bá Thiện, Tam Dương II, còn tại các KCN khác, thì số lượng còn khiêm tốn (Bảng 1).

Bảng 1: Đầu tư của các DN trong nước tại tỉnh Vĩnh Phúc theo các KCN tính đến tháng 12/2022

TT

KCN

Năm thành lập

Số

dự án

Tổng vốn đầu tư đăng ký (triệu USD)

Tỷ lệ lấp đầy (%)

1

KCN Khai Quang

2006

11

528,14

96,5

2

KCN Bình Xuyên

2007

47

2.947,86

96,8

4

KCN Bá Thiện

2021

9

2.173,35

75,2

5

KCN Bá Thiện II

2019

3

225.13

82,8

6

KCN Thăng Long

2015

8

1.234,58

85,7

7

KCN Tam Dương II- khu A

2014

5

2.144,41

77,4

8

KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (giai đoạn 1)

2021

2

1.906,48

41,4

Nguồn: Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc

Đầu tư của các DN nước ngoài

Quy mô dòng vốn FDI tại tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015-2022

Giai đoạn 2015-2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 307 dự án FDI, trung bình mỗi năm thu hút được hơn 43 dự án, với tổng số vốn đăng ký 2928,64 triệu USD, tổng số vốn thực hiện đạt 2.440,06 triệu USD, số vốn đăng ký/1 dự án đạt 9,54 triệu USD và số vốn thực hiện/1 dự án đạt 7,95 triệu USD/1 dự án (Bảng 3). Nếu so sánh về số vốn đầu tư và số dự án, Vĩnh Phúc còn thấp so với một số địa phương thuộc top đầu thu hút FDI cả nước, song quy mô vốn/dự án của Tỉnh lại thuộc nhóm cao trong cả nước. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả trong định hướng lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng của Vĩnh Phúc thời gian qua.

Bảng 3: FDI tại Vĩnh Phúc giai đoạn 2015-2022

Năm

Số

dự án

Vốn đăng ký

Vốn thực hiện

Tỷ lệ vốn thực hiện/vốn đăng ký

(%)

Quy mô

(Triệu USD)

Tốc độ tăng (%)

Quy mô

Tốc độ tăng (%)

(Triệu USD)

2015

29

267,50

-24,53

318,90

33,49

119,21

2016

31

275,12

2,85

298,43

-6,42

108,47

2017

48

135,03

-50,92

325,68

9,13

241,19

2018

61

334,37

147,63

343,26

5,40

102,66

2019

71

557,15

66,63

364,19

6,10

65,37

2020

31

474,44

-14,84

373,03

2,42

78,63

2021

36

885,03

86,54

416,57

11,67

47,07

2022

70

462,0

-47,79

216,10

-48,12

46,77

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc

Mặc dù lượng vốn FDI đăng ký được công bố là lớn, nhưng chênh lệch giữa vốn thực hiện và vốn đăng ký có xu hướng tăng, đặc biệt trong giai đoạn 2019- 2022. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do việc thực hiện các dự án FDI gặp khó khăn so với dự kiến ban đầu bởi tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

FDI tại tỉnh Vĩnh Phúc theo lĩnh vực đầu tư

Xét theo lĩnh vực đầu tư, con số thống kê lũy kế tới hết năm 2022 có tổng 432 dự án trong đó 393 dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp- xây dựng với tổng vốn đăng ký 6.447,01 triệu USD, chiếm gần 91% tổng số dự án tổng số vốn FDI đăng ký vào Tỉnh (Bảng 4). Trong đó, FDI vào công nghiệp chế biến chế tạo đạt 382 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 6300 triệu USD (chiếm 88,4% tổng số dự án ngành công nghiệp xây dựng và 89,5% tổng vốn đăng ký của toàn ngành). Số lượng các DN chế biến, chế tạo hiện đang là 1.232 DN, chiếm khoảng 23% trong tổng số DN tại Vĩnh Phúc. Một số DN FDI lớn đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Vĩnh Phúc là: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam (Nhật Bản), Công ty Piaggio (Italia); Công ty TNHH North Stair Precision (Hoa Kỳ), Công ty Deawoo, Patron vina, Heasung vina, Cammsys, Interflex vina, Young Poong (Hàn Quốc), Công ty TNHH AGC Automotive Việt Nam (Thái Lan), Công ty TNHH De Heus (Hà Lan)… Nhờ có các dự án của các công ty, tập đoàn lớn này, Tỉnh đã phát triển được các ngành kinh tế chủ lực, như: sản xuất, chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử. Với sự hiện diện của những nhà đầu tư lớn và hàng trăm DN sản xuất phụ trợ, Vĩnh Phúc đã có sự bứt phá ngoạn mục và đang tạo nền móng vững chắc để vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô của khu vực trong thời gian tới.

Bảng 4: FDI phân theo nhóm ngành kinh tế

(Lũy kế đến ngày 31/12/2022)

Số dự án được cấp phép

Vốn đăng ký (Triệu USD)

TỔNG SỐ - TOTAL

432

7140,01

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

3

98,80

Công nghiệp- xây dựng

393

6447,01

Dịch vụ- thương mại

36

594,20

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc

Bảng 4 cho thấy, FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua chủ yếu tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp. Điều này có tác động ảnh hưởng lớn tới tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của địa phương. FDI đầu tư vào nông nghiệp và dịch vụ còn chưa cao, nên chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh.

Với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong top đầu các tỉnh, thành trong cả nước, đến nay, sau 2 thập kỷ duy trì các chính sách thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ô tô, xe máy của cả nước, thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn hàng đầu thế giới đến đầu tư và rất thành công.

FDI theo khu vực đầu tư

FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu vào các KCN là do các KCN đã có sẵn cơ sở hạ tầng, việc giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn, Tỉnh cũng có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các KCN, như: hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ưu đãi thuế, xây dựng cơ sở hạ tầng... Hiện nay, Vĩnh Phúc đã có 19 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, quy mô trên 5.487,3 ha. Trong đó, có 14 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 8 KCN với cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư theo hướng hiện đại đã đi vào hoạt động (Bảng 5).

Bảng 5: FDI tại tỉnh Vĩnh Phúc theo các KCN tính đến tháng 12/2022

STT

KCN

Số dự án

Tổng vốn đầu tư đăng ký

(Triệu USD)

Tỷ lệ lấp đầy (%)

1

KCN Khai Quang

78

1218,43

96,5

2

KCN Bình Xuyên

85

1281,63

96,8

3

KCN Bình Xuyên II

58

298,78

75,2

4

KCN Bá Thiện

29

369,39

82,8

5

KCN Bá Thiện II

56

763,51

85,7

6

KCN Thăng Long

30

831,42

77,4

Nguồn: Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc

Theo đối tác đầu tư

Bảng 6: FDI phân theo đối tác đầu tư

(Lũy kế đến ngày 31/12/2022)

Số dự án được cấp phép

Vốn đăng ký (Triệu USD)

TỔNG SỐ

432

7140,01

Hàn Quốc

222

2546,36

Nhật Bản

57

1479,22

Đài Loan

40

1033,23

Trung Quốc

56

427,31

Singapore

12

492,49

Thái Lan

15

814,54

Ý

2

90,00

Sa-moa

8

100,88

Các nước khác

10

75,08

Cộng hòa Sây-xen

4

34,20

Hà Lan

2

36,09

Ấn Độ

4

10,60

Nguồn: Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc

Kể từ khi tái lập tỉnh nếu Nhật Bản, Hàn Quốc là những cái tên quen thuộc khi nhắc đến FDI vào Vĩnh Phúc, thì tới nay đã xuất hiện ngày càng nhiều quốc gia phát triển đầu tư vào Tỉnh, như: Đức, Ý, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc… (Bảng 6). Tính lũy kế tới hết năm 2022, có thể thấy rõ ràng rằng các nhà đầu tư tới từ Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản để chiếm vị trí dẫn đầu với 222 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 2.546,36 triệu USD. Hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào tỉnh xét trên cả 3 chỉ tiêu về số dự án, vốn đăng ký và vốn thực hiện.

Kết quả thu hút các dự án đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển còn ít. Hiện mới thu hút được 2 dự án của Italia: 90,0 triệu USD; 2 dự án Pháp: 15,07 triệu USD. Cho đến nay, Tỉnh chưa thu hút được dự án nào đến từ Australia, châu Mỹ Latinh và Bắc Âu. Số lượng dự án thuộc ngành công nghiệp trọng điểm, công nghệ cao, mang tính bền vững và có giá trị gia tăng lớn, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu chưa nhiều.

Một số tồn tại, hạn chế

Với những lợi thế sẵn có, cùng sự cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho DN, Vĩnh Phúc đã ghi dấu ấn tốt với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của các DN vào Vĩnh Phúc chưa tương xứng về “chất”. Phần lớn dự án đầu tư vào Tỉnh giai đoạn đầu là các dự án sử dụng nhiều lao động, nhưng lao động chưa qua đào tạo, tay nghề thấp, chuyển từ làm nông sang, chưa có tác phong công nghiệp. Mặt khác, các dự án công nghiệp chủ yếu là lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa thấp, chưa có sự liên kết giữa DN FDI với DN DDI tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa hình thành được các trung tâm nghiên cứu, phát triển tại địa phương. Công nghiệp hỗ trợ tại Vĩnh Phúc chưa phát triển, cơ chế dành cho công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đi vào cuộc sống và rất khó áp dụng tại địa phương. Hoạt động đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao trong điều kiện chuyển đổi số mới bắt đầu mặc dù còn nhiều tiềm năng phát triển.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Căn cứ vào thực trạng trên, nhóm tác giả đề xuất những khuyến nghị trọng tâm theo kết quả nghiên cứu thu hút đầu tư từ các DN lớn tại Vĩnh Phúc như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quảng bá, xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, công ty có thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý, như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản. Tiếp tục chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn không thụ động chờ các nhà đầu tư tìm đến.

Thứ hai, thu hút đầu tư có chọn lọc. Thu hút FDI phải lấy chất lượng làm trọng, thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá để hướng nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Thu hút những dự án có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, kết nối DN trong nước với nước ngoài, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sửa đổi chính sách thu hút đầu tư từ các DN lớn ngoài nhà nước. Ngoài việc xây dựng môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc cần quan tâm hỗ trợ DN, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho DN, tạo điều kiện kinh doanh và phát triển kinh tế. Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy; kết nối với các tập đoàn lớn trên thế giới để chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc. Cần tập trung đầu tư và hỗ trợ các yếu tố về hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, chi phí và chất lượng logistics, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), xây nhà ở cho công nhân.

Cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tăng cường tiếp cận DN, cán bộ luôn giữ thái độ hài hòa, nhiệt tình, cởi mở hỗ trợ DN; Ban hành thêm các chính sách ưu đãi riêng để thu hút các nhà đầu tư lớn và lâu dài; Tổ chức các hội thảo, hội nghị hướng dẫn và giải đáp cho DN về pháp luật, chính sách, thuế, thủ tục và các thông tin cần thiết, tạo điệu kiện cho DN có cơ hội tiếp cận, đối thoại trong quá trình triển khai và thực hiện. Xây dựng hệ thống truyền thông hiện đại và hiệu quả, đảm bảo cung các các thông tin, văn bản, quy định… kịp thời đến các DN.

Thứ tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu của DN: Có những chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực đảm bảo cung cấp về số lượng và chất lượng cho DN. Hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề, cơ sở giáo dục… đào tạo, cung cấp nguồn lao động có chất lượng phù hợp với nhu cầu của các DN trên địa bàn Tỉnh.

Thứ năm, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng: Cần có những quy hoạch về giao thông, kết nối trong và ngoài Tỉnh, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, hàng rào trong và ngoài KCN, đặc biệt là tránh ngập lụt về giao thông trong những ngày mưa lớn, quan tâm đến cải tạo các công trình giao thông và an toàn giao thông. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước và đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch. Thu hút các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho các chuyên gia, các khu văn hóa vui chơi./.

TS. Nguyễn Thị Minh Phương, TS. Hoàng Thu Hà,

ThS. Lương Hương Giang, ThS. Lê Tuấn Anh

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25, tháng 9/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (2022), Báo cáo tình hình hoạt động năm 2022, kế hoạch năm 2023.

2. Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc (2016-2023), Niên giám Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc các năm, từ năm 2015 đến năm 2022.

3. Huy Thắng (2023), Vĩnh Phúc đã và đang có những "đại bàng" trong lĩnh vực điện tử, ô tô, xe máy, truy cập từ https://baochinhphu.vn/vinh-phuc-da-va-dang-co-nhung-dai-bang-trong-linh-vuc-dien-tu-o-to-xe-may-10223030819182044.htm.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc (2015-2022), Báo cáo tình hình thu hút đầu tư các năm, từ năm 2015 đến năm 2022.