XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VẪN LÀ ĐIỂM SÁNG TRONG BỐI CẢNH NỀN KINH TẾ KHÓ KHĂN DO COVID-19

Năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến hàng loạt các thị trường xuất khẩu lớn của nước ta. Do nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, hạn chế nhập khẩu, nên lượng xuất khẩu nông sản năm 2020 suy giảm nhẹ, đạt 18,5 tỷ USD (giảm 0,8% so với năm 2019). Xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD (giảm 0,9% so với năm 2019). Tuy nhiên, nhờ xuất khẩu lâm sản và đồ gỗ tăng mạnh (đạt trên 13,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2019), nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 vẫn tăng so vớii năm 2019 (đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019).

Trong năm 2020, thương mại mậu biên giảm mạnh do Trung Quốc đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản sang Trung Quốc giảm: rau, quả đạt 1,84 tỷ USD, giảm 25,7%; thủy sản đạt 1,37 tỷ USD, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng giảm cùng với giảm giá khiến cho giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng xuất khẩu chiến lược giảm đáng kể so với năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm mạnh, gồm: cà phê đạt 2,71 tỷ USD (giảm 4,2%), điều đạt 3,19 tỷ USD (giảm 3%); chè đạt 220 triệu USD (giảm 6,9%); tiêu đạt 670 triệu USD (giảm 6,8%); rau quả đạt 3,26 tỷ USD (giảm 13%); cá tra đạt 1,49 tỷ USD (giảm 25,5%); tôm sú đạt 575 triệu USD (giảm 16,3%)...

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam trong bối cảnh Covid-19
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam, xuất khẩu nông sản vẫn cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mà còn làm đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp, đặc biệt những ngành phải nhập khẩu đầu vào nhiều. Năm 2020, nhập khẩu vật tư nông nghiệp, như: thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu giảm 10,6%; phân bón giảm 9,9%; thuốc trừ sâu và nguyên liệu giảm 25,6%. Nhập khẩu cây, con giống từ Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nơi khác gặp khó khăn. Nguồn cung thiếu hụt đã làm tăng giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi trong nước [5].

Năm 2021 được coi là dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây, như: vải, nhãn tươi, được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Tây Âu, như: Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh..., bởi các công ty Việt Nam, sau khi được hỗ trợ kết nối, giới thiệu với các công ty nhập khẩu. Thậm chí, việc phân phối quả vải tươi không chỉ trong hệ thống cửa hàng/siêu thị châu Á mà đã chính thức thâm nhập vào các chuỗi siêu thị thực phẩm tại châu Âu. Có thể kể tới lô hàng 1 tấn vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Đơn hàng này xuất xứ từ vùng trồng Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đưa sang Pháp thành công, tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Trong năm 2021, thị trường nhập khẩu nông sản EU bắt đầu khởi sắc do tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Chính phủ các nước thành viên EU thúc đẩy mở rộng việc tiêm vắc xin, áp dụng quy định giấy thông hành vắc xin, nới lỏng quy định đi lại, mở cửa một phần dịch vụ ăn uống, du lịch. Đây là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này.

Năm 2021, cho dù bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất, xuất khẩu đứt gãy, nhưng bằng sự chủ động, linh hoạt, xuất khẩu nông sản vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm nay. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 3,4 tỷ USD, giảm 15,6% so với tháng 10/2020, nhưng tăng 4,2% so với tháng 9/2021.

Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 38,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt gần 17,4 tỷ USD, tăng 12,7%; lâm sản chính đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 22,3%; thủy sản đạt gần 6,9 tỷ USD, giảm 0,8%; chăn nuôi ước đạt 359 triệu USD, tăng 6,1%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 22,3%. Nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng, gồm: cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế… Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu cao su tăng 13,9% về khối lượng và tăng 46,55% về giá trị; xuất khẩu hạt điều tăng 14,1% về khối lượng và tăng 13,5% về giá trị; xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng 7,7% về khối lượng và tăng 21,2% về giá trị. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu đạt 783 nghìn tấn, giảm 5,7%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 52,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 44,2%; cà phê khối lượng giảm 5,1%, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng 4,1%. Riêng mặt hàng chè, xuất khẩu giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, dù giá xuất khẩu bình quân tăng.

Điều đáng mừng là giá xuất khẩu bình quân 10 tháng nhiều mặt hàng tăng. Cụ thể, cao su đạt 1.680 USD/tấn, tăng 4,1%; chè đạt 1.665,8 USD/tấn, tăng 28,7%; cà phê đạt 1.901,8 USD/tấn, tăng 9,7%; gạo đạt 528,5 USD/tấn, tăng 7,1%; hồ tiêu đạt 3.434,2 USD/tấn, tăng 71,3%....

Thống kê cho thấy, tháng 10/2021, thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 10,8 tỷ USD, chiếm 27,9% thị phần; trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 7,5 tỷ USD, chiếm 19,3% thị phần, với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 23,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,6 tỷ USD (chiếm 6,8%). Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,7 tỷ USD.

VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

Mặc dù vẫn đạt mức tăng trưởng khá trong 10 tháng năm 2021, song xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Một là, sự đứt quãng trong hoạt động vận chuyển, giao thương

Do tác động của các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại - giao thương, hoạt động logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Quá trình vận chuyển, thông quan hàng hóa kéo dài hơn so với trước đây do các yêu cầu kiểm soát dịch bệnh theo quy trình chặt chẽ. Hàng hóa tồn kho, thời gian thông quan kéo dài đã làm tăng chi phí logistics. Trung bình chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp chiếm khoảng 20%-23% tổng chi phí hàng nông sản xuất khẩu (riêng mặt hàng rau, quả tươi chi phí này lên tới 60%-70%). Năm 2020, chi phí logistics tăng cao, giá cước container biến động mạnh, tùy từng thị trường mà tăng 2-3 lần so với trước dịch. Chi phí logistics tăng chủ yếu do chi phí vận chuyển cao, thiếu container rỗng, các phụ phí và phí địa phương cao do các hãng vận chuyển nước ngoài áp vào cho chủ hàng, hạn chế về cảng và kết cấu hạ tầng, các tỉnh thành đưa ra các phí hạ tầng mới, chi phí về kiểm tra chuyên ngành [5].

Việc hạn chế giao thông, tắc nghẽn trong vận chuyển gây khó khăn cho việc mua bán sản phẩm kịp thời, dẫn đến nhiều loại nông sản bị hư hỏng hoặc phát sinh chi phí để duy trì, bảo quản nông sản, ví dụ như: chi phí thức ăn nuôi cá trong thời gian chờ tìm nguồn tiêu thụ. Nông dân cũng thận trọng hơn và có tâm lý chờ đợi trước khi đầu tư vụ mới. Kết quả là suy giảm sản lượng, chất lượng và thu nhập của nông dân.

Hai là, công nghệ chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu

Theo ông Hồ Thanh Bình, Trưởng khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang, Đại biểu Quốc hội Khoá XIV, nhiều năm qua, công nghiệp chế biến đã làm nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, đầu tư cho công nghệ chế biến còn chưa tương xứng với tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp. Hiện nay, từ 20% đến 30% nông sản trong nước được chế biến xuất khẩu, còn lại chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, nên giá trị gia tăng vẫn thấp hơn so với các nước khác [4].

Ba là, chuỗi liên kết còn lỏng lẻo

Thực tế cho thấy, việc hình thành chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia tích cực của “4 nhà” nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và Nhà nước ở Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo. Việc kết nối các khâu của chuỗi, giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn chưa thống nhất, chưa ký kết được những hợp đồng ổn định lâu dài, nên sản phẩm không đồng nhất, không đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đó là chưa kể, do sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn theo hướng tự phát, nhỏ lẻ và vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thuốc bảo vệ thực vật, nên việc xuất khẩu vẫn gặp những trở ngại nhất định về rào cản kỹ thuật.

Bốn là, chất lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam còn thấp

Thực tế cho thấy, chất lượng nông sản xuất khẩu thiếu ổn định, trong khi yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng cao, nhất là các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, làm cho nhiều đơn hàng xuất khẩu bị trả về do bị cho là chưa đạt yêu cầu trong quá trình sản xuất và chế biến. Tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế còn ít, chỉ đạt khoảng 10%. Hiện, diện tích sản xuất áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và được cấp chứng nhận GAP mới chiếm khoảng 5%. Tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu còn ít (dưới 20% số mặt hàng xuất khẩu), mặc dù có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ở vị trí dẫn đầu thế giới [5].

Trong tháng 9/2021, EU cũng đã đưa ra cảnh báo đối với 2 sản phẩm xuât skhaaru của Việt Nam do chứa chất cấm hoặc vượt dư lượng cho phép, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Đó là sản phẩm đùi ếch đông lạnh của một doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang và quả bưởi của một doanh nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu. Trước đó, tháng 8/2021, EU cũng đưa ra cảnh báo đối với sản phẩm mì khô vị bò gà và mì tôm Hảo Hảo chua cay do chứa chất ethylene oxide. Điều này là hạn chế lớn, làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm, đồng thời hạn chế sự tham gia sâu vào hệ thống phân phối bán lẻ của các nước nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU.

Năm là, chi phí logistics còn cao, hệ thống logistics chưa đáp ứng được nhu cầu

Chi phí logistics của Việt Nam còn cao, chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, chiếm 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả, chiếm 30% giá thành gạo. Chi phí logistics phục vụ phát triển nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao hơn Singapore 300%. Các dịch vụ logistics giá thấp kèm theo tình trạng thiếu tiêu chí kiểm soát chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, do đó thường có độ tổn thất cao do hư hỏng, nhiễm khuẩn. Tỷ lệ tổn thất trung bình trong nông nghiệp hiện từ 25%-30%, trong đó thủy sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45% [5].

Hệ thống logistics chưa đáp ứng được nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa. Hạ tầng giao thông Việt Nam lạc hậu, chưa xác định hệ thống cảng cửa ngõ quốc gia (gateway). Hệ thống kho bãi và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế, chưa được vận hành hiệu quả. Kết cấu hạ tầng và dịch vụ logistics phục vụ thương mại biên giới hạn chế, kho bãi còn đơn sơ, các dịch vụ logistics hỗ trợ xuất, nhập khẩu qua đường biên còn đơn giản, chưa tạo giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản Việt Nam.

ĐỂ THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU NÔNG SẢN TRONG THỜI GIAN TỚI

Về phía Chính phủ

Về ngắn hạn, đến năm 2022, khả năng, đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn. Vì vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trước hết, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp với các địa phương trong việc triển khai các biện pháp cụ thể, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, qua đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phục hồi sản xuất, hoạt động tối đa công suất. Cùng với đó là tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tổ chức lại sản xuất, bảo đảm nguồn cung chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch, vượt qua những “rào cản kỹ thuật” của các thị trường nhập khẩu.

Đồng thời Bộ Công Thương, Bộ Giao thông – Vận tải phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển hàng hóa, cũng như cước phí lưu thông, kho bãi. Cần xử lý hiệu quả tình trạng thiếu container rỗng, tăng cường các giải pháp lưu thông hàng hóa, thúc đẩy dịch vụ hậu cần vận tải để giảm giá cước vận tải; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong vấn đề kho bãi, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; tăng cường hậu cần thương mại cửa khẩu để bảo đảm thông quan nông, lâm, thủy sản nhanh nhất.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm kiểm dịch, hải quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc.

Ngành Nông nghiệp cũng cần phối hợp với ngành Công Thương tiếp tục nắm bắt cơ hội xuất khẩu do các hiệp định thương mại tự do mang lại; đổi mới công tác thông tin thị trường, nâng cao năng lực dự báo; đa dạng hóa hoạt động xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản qua các sàn giao dịch thương mại điện tử; tăng cường đàm phán với cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu để tháo gỡ vướng mắc cho từng mặt hàng, nhóm hàng…

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường cập nhật thông tin sản xuất, thị trường, nhu cầu nhập khẩu của nước sở tại, các cơ hội thúc đẩy hợp tác và nguy cơ từ các rào cản thương mại đối với hàng nông sản của Việt Nam cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến xuất khẩu nông sản của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Ngoài ra, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản không chỉ trong, mà còn sau đại dịch Covid-19, Việt Nam cần lưu ý khắc phục các hạn chế hiện có bằng các giải pháp sau:

- Cần xây dựng chiến lược thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam trong giai đoạn mới một cách tổng thể, toàn diện, tiến tới định vị thương hiệu mới của nông nghiệp Việt Nam là minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Từng bước điều chỉnh, chuyển định hướng chiến lược từ phát triển sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản theo số lượng và tốc độ cao như hiện nay sang phát triển theo hướng coi trọng chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả. Theo đó, Nhà nước cần tăng cường và coi trọng công tác quy hoạch nuôi, trồng nông sản trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và theo hướng sản xuất lớn, nông nghiệp hiện đại; đồng thời, xây dựng và quản lý quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản xuất khẩu theo các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm phù hợp với các thị trường nhập khẩu. Có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ phù hợp để tăng cường và mở rộng đầu tư, liên kết, chuyển giao công nghệ theo hướng hình thành các cơ sở chế biến quy mô lớn, hiện đại.

- Chỉ đạo và tăng cường giám sát việc tái cơ cấu nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP) bảo đảm tiến độ và hiệu quả; xây dựng, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp; xây dựng mã số vùng trồng, mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản; truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm; tăng cường quảng bá, tiêu thụ nông sản thông qua các kênh xúc tiến thương mại, dịch vụ, nhất là thương mại điện tử.

- Tạo thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó có thể tiếp cận nguồn vốn, công nghệ cũng như tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu hàng nông sản. Tạo cầu nối để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia, chia sẻ thông tin, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát thải thấp, phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững.

- Xây dựng hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại với từng mô hình cụ thể khác nhau về quy mô, chức năng, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống cung ứng nông sản hiện đại cần được thực hiện theo nguyên tắc mạng cung ứng kỹ thuật số, tiếp cận thị trường theo đa kênh, hoạt động logistics cho chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu dựa trên trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Về phía các địa phương và doanh nghiệp

Cần thúc đẩy mạnh mẽ công tác hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp thực hiện các phương án phòng, chống dịch Covid-19, tiêm vắc xin cho người lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp, hợp tác xã; các hiệp hội, ngành hàng nông nghiệp cần đổi mới tư duy, chủ động cập nhật thông tin, tổ chức sản xuất gắn với nhu cầu thị trường để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung cho sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất tốt, như: VietGAP, GlobalGAP… trong sản xuất, nâng cao tỷ trọng các sản phẩm hữu cơ trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp để tạo ra khối lượng lớn sản phẩm với chất lượng cao cho chế biến và xuất khẩu./.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2021). Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 21/9/2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2020). Báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2020). Báo cáo kết quả hoạt động tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021

4. Lan Hương (2021). Góc nhìn đại biểu: cần giải pháp khơi thông tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, truy cập từ https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/home.aspx?ItemID=56535

5. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (2020). Thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế, truy cập từ https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/chi-tiet-tim-kiem/-/2018/816205/thuc-%C4%91ay-xuat-khau-nong-san-ben-vung-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te.aspx

ThS. Nguyễn Thị Tuyết Chinh

Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)