Thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh: Chìa khóa để DN phát triển bền vững
Sáng ngày 22/05/2018, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh”.
Toàn cảnh Hội nghị
Lợi ích lớn từ việc thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh
Theo PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, trong những năm gần đây, thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang ngày càng được giới doanh nhân nước ta nhận thức sâu sắc. Đó cũng chính là những đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và gia đình họ, có lợi cho cả doanh nghiệp, cũng như sự phát triển chung của cộng đồng xã hội.
Đặc biệt, trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, trách nhiệm xã hội đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu doanh nghiệp nào đó không tuân thủ trách nhiệm sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới… Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ mang lại những lợi ích không chỉ cho chính doanh nghiệp, mà còn với cả cho quốc gia.
Theo phân tích của PGS, TS. Lê Xuân Đình, ở cấp độ doanh nghiệp, khi tham gia vào quá trình thực thi các quy định về thực hiện trách nhiệm xã hội và tăng trưởng xanh, thì doanh nghiệp sẽ đạt những lợi ích, như: Nâng cao hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp; Tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Chia sẻ thêm về góc độ này, ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, chất lượng xanh giờ đây thực sự là vũ khí chiến lược vì rất nhiều công ty đang áp dụng nó để: cạnh tranh tốt hơn, khác biệt tốt hơn, khác biệt tốt hơn, bảo vệ tốt hơn và chiếm thị phần tốt hơn.
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cũng phân tích thêm, ở cấp độ quốc gia thì lợi ích lớn nhất mà quốc gia nhận được thông qua việc huy động các doanh nghiệp tăng cường thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội và tăng trưởng xanh chính là góp phần nâng cao được lợi thế quốc gia, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Theo đó, việc doanh nghiệp tăng cường đầu tư, tham gia vào thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ an sinh xã hội và tăng trưởng xanh sẽ góp phần thực hiện thành công các định hướng lớn của Đảng và Chính phủ về “Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”; “tái cấu trúc nền kinh tế”; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Đồng thời, làm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cho tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn hẹp như hiện nay, thì việc tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc đầu tư các công trình, các giải pháp về bảo vệ môi trường sẽ thúc đẩy chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, làm giảm áp lực chi ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường.
PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu tại Hội nghị / Ảnh: Đức Trung
Đồng tình với ý kiến của PGS,TS. Lê Xuân Đình, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, doanh nghiệp thực hiện tốt an sinh xã hội sẽ góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả và lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, tăng năng suất, thúc đẩy sự phát triển bền vững, thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện ngày càng cao các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế về điều kiện lao động, hỗ trợ cộng đồng. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ tạo ra được một đội ngũ người lao động gắn bó, yêu thích công việc, tự hào về công ty và làm việc hết mình vì lợi ích chung của “đại gia đình”.
TS. Nguyễn Văn Hồi cũng dẫn chứng số liệu khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành gần đây tại 50 doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giầy cho thấy, nhờ thực hiện các chương trình “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (trong đó có an sinh xã hội) mà doanh thu của các doanh nghiệp này tăng 25%, năng suất lao động tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp này còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao…
Thực tế trong thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội. TS. Nguyễn Văn Hồi cho biết, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn của Nhà nước, như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân Hàng Công Thương Việt Nam (Viettinbank); Tập đoàn Dầu khí quốc gia; Công ty Viễn thông quân đội (Vietel)… đã xác định, thực hiện an sinh xã hội chính là sự nghiệp của chính bản thân doanh nghiệp. Bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, các doanh nghiệp này đã luôn đề cao vai trò, trách nhiệm thực hiện an sinh xã hội của mình đối với người lao động và cộng đồng.
Ông Rad Kivette, Giám đốc điều hành Quỹ Vinacapital cũng thông tin, việc giúp đỡ trẻ em Việt Nam kém may mắn là sứ mệnh của Quỹ kể từ khi Quỹ bắt đầu hoạt động cách đây hơn mười năm. Kể từ đó, Quỹ đã cung cấp phẫu thuật cứu sống cho hơn 6.300 trẻ em, cung cấp hàng triệu đô la cho thiết bị y tế và đào tạo cho hàng trăm phòng khám và bệnh viện trên khắp cả nước, đồng thời, giúp các trẻ em dân tộc thiểu số tiếp cận cơ hội giáo dục tốt hơn.
Ông Rad Kivette, Giám đốc điều hành Quỹ Vinacapital phát biểu tại Hội thảo
Bên cạnh đó, có thể kể tới một điển hình doanh nghiệp thực hiện tốt an sinh xã hội và tăng trưởng xanh, đó là Công ty Traphaco. Bà Đào Thúy Hà, giám đốc truyền thông Traphaco cho biết, sứ mệnh của Công ty là tiên phong sáng tạo dược phẩm xanh bảo vệ sức khỏe con người. Công ty cũng hướng tới giá trị cốt lõi là đi đầu trong quản trị chuỗi giá trị xanh, sáng tạo và ứng dụng các công nghệ và tri thức mới. Công ty đã hướng tới mô hình phát triển bền vững tập trung vào 3 trụ cột là: tăng trưởng hiệu quả và bền vững, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội và chung tay bảo vệ môi trường. Theo đó, Traphaco đã tiên phong trong phát triển dược liệu sạch với dự án Green Plan thông qua ký hợp đồng trực tiếp với 645 hộ dân, tạo ra được hơn 1.400 việc làm thường xuyên. Với những việc làm này, Traphaco đã tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng. Trong 3 năm 2011, 2013 và 2015, Công ty đã lọt top 10 doanh nghiệp tiêu biểu trách nhiệm xã hội.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Hồi cũng nhận định, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và tăng trưởng xanh thì, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là ở khu vực tư nhân, việc chủ động quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội vẫn là điều lạ lẫm đối với không ít doanh nghiệp.
Trong khi đó, PGS, TS. Lê Xuân Đình cũng thừa nhận, cam kết của doanh nghiệp và cộng đồng đối với các hoạt động thúc đẩy xanh hóa sản xuất và lối sống còn rất hạn chế. Cùng với đó, ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm của các doanh nghiệp hiện nay đã lên tới mức báo động, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói chung đối với việc bảo vệ môi trường còn rất hạn chế.
Theo TS. Hồi, hạn chế của doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm xã hội có thể xuất phát từ nhận thức và khó khăn về tài chính của bản thân các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một trong nguyên nhân trực tiếp dẫn đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (trong đó có vấn đề thực hiện an sinh xã hội) nửa vời là do tổ chức công đoàn ở một số nơi còn yếu.
Tại khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tư nhân chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, nhiều doanh nghiệp tổ chức công đoàn hoạt động chỉ mang tính chất hình thức, là cánh tay nối dài của chủ sử dụng lao động.
Do vậy, khi có tranh chấp xảy ra, như: thu nhập và các khoản trợ cấp của người lao động quá thấp, không đủ để trang trải cho cuộc sống; giới chủ không tuân thủ thời giờ làm việc…, người lao động trong tình thế không được bảo vệ, vì vậy, để giải quyết vấn đề, họ tìm cách đình công. Theo số liệu tổng hợp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017, cả nước đã xảy ra 164 cuộc đình công và ngừng việc tập thể, khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ lớn…
Lý giải về nguyên nhân dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra 2 lý do: Thứ nhất, nhận thức về vai trò của doanh nghiệp đối với trách nhiệm xã hội còn hạn chế, trong khi đa số doanh nghiệp ở Việt Nam là nhỏ và vừa. Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức trách nhiệm xã hội chính là năng suất, là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, là hình thức phát triển bền vững, mà vẫn coi đó là chi phí; Thứ hai, nguồn lực của doanh nghiệp còn thiếu.
Trong khi đó, phân tích về góc độ đầu tư của doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chỉ ra 3 hạn chế cản trở vấn đề này, đó là: (1) Nhận thức chưa chuyển biến thành hành động cụ thể sâu rộng ở các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và người tiêu dùng; (2) Thể chế chính sách chủ yếu dừng lại ở cấp Trung ương và còn mang tính đơn ngành. Bên cạnh đó, chính sách ban hành còn chậm, không theo kịp mức độ phát triển tiến bộ chung của khoa học, công nghệ, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh; (3) Hỗ trợ nguồn lực còn hạn chế. Nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào tăng trưởng xanh. Các công cụ tài chính chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo
Cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện tăng trưởng xanh, ông Trần Nhật Tân, Phó Phòng nghiên cứu, Trung tâm thông tin Vibiz cho biết, khảo sát của Trung tâm cho thấy, 70% doanh nghiệp chưa biết đến chứng nhận xanh Việt Nam; 51,3% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 62% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh; 89,3% doanh nghiệp không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh; 69,5% doanh nghiệp cho rằng, chi phí chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất sản phẩm sạch rất cao; 50% doanh nghiệp thiếu công nghệ và nhân lực để thực hiện tăng trưởng xanh.
Cần sự song hành từ phía Nhà nước và doanh nghiệp
Theo PGS, TS. Lê Xuân Đình, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cần đồng thời thực hiện tốt trách nhiệm cộng đồng và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Theo đó, doanh nghiệp phải tính đến việc đồng bộ các yếu tố khi hoạch định chiến lược cạnh tranh của mình, như: y tế, xã hội, môi trường, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, duy trì đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, PGS, TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đưa ra 3 giải pháp để giúp doanh nghiệp coi việc thực hiện trách nhiệm xã hội và tăng trưởng xanh là điều tất yếu trong quá trình phát triển, đó là: (i) Tăng cường tuyên truyền giáo dục; (ii) Cải thiện thể chế chính sách; (iii) Nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp.
Còn theo TS. Nguyễn Văn Hồi, để doanh nghiệp thực hiện tốt an sinh xã hội, các cơ quan chức năng cần định hướng 6 nhóm chính sách an sinh xã hội như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp quản lý, doanh nghiệp, người lao động về trách nhiệm trong việc thực hiện an sinh xã hội gắn với phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và tham gia thị trường lao động.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống chính sách về bảo hiểm xã hội.
Thứ tư, tăng cường trợ giúp xã hội người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thứ năm, bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định liên quan đến thực hiện an sinh xã hội quy định tại Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và các Luật có liên quan khác. Khen thưởng, nêu gương, nhân rộng mô hình các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Trong khi đó, theo TS. Phạm Hoàng Mai, để huy động có hiệu quả đầu tư tư nhân vào thực hiện tăng trưởng xanh, cần tiếp tục tuyên và truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng với các biện pháp phù hơp. Bên cạnh đó, cần đồng bộ hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nâng cao hiệu lực trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, điều chỉnh chính sách mua sắm công, tạo nhu cầu đầu tư cho tăng trưởng xanh. Hình thành các công cụ tài chính đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh. Xây dựng kênh đối thoại giữa các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp./.
Bình luận