Theo thông cáo phát đi của Bộ Công Thương chiều ngày 27/05/2016, vào ngày 25/06/2016, với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo (55/43), Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), được quy định tại Luật Nông trại năm 2014 của Hoa Kỳ. Nghị quyết này được xây dựng dựa trên đề xuất ngày 07/12/2015 của các Thượng nghị sĩ John McCain và Kelly Ayotte trong chương trình rà soát lại các luật đã ban hành của Quốc hội Hoa Kỳ.

Để có hiệu lực, Nghị quyết này còn phải được Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua và được Tổng thống Obama ký ban hành thành luật. Tuy nhiên, đây là bước đi đầu tiên quan trọng, tạo đà cho việc tiến tới loại bỏ hoàn toàn Chương trình giám sát cá da trơn.

Theo Bộ Công Thương, Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ là một chương trình không cần thiết, mang tính chất bảo hộ, không có lợi cho người tiêu dùng Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế - thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa 2 nước và có khả năng không phù hợp với các cam kết của Hoa Kỳ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ngay từ khi vấn đề giám sát cá da trơn được đặt ra tại dự luật Nông trại, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Hoa Kỳ xem xét lại chương trình này. Lãnh đạo các Bộ có liên quan của Việt Nam, trong đó có Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã nhiều lần gửi thư và tiếp xúc song phương với Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại và Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ để nêu quan điểm phản đối chương trình này.

Vấn đề cũng đã được Việt Nam nêu và được phía Hoa Kỳ quan tâm xử lý một phần trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) nhưng quyết định ngày 25 tháng 6 năm 2016 của Thượng viện Hoa Kỳ là bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới việc xử lý dứt điểm và có hiệu quả vấn đề này.

Tín hiệu tích cực đối với cá tra Việt Nam khi Hoa Kỳ hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn

Chương trình giám sát cá da trơn ("Chương trình") lần đầu tiên được luật hóa tại đạo luật Nông trại năm 2008 (Farm Bill 2008). Theo đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa cá da trơn (catfish) vào diện kiểm tra bắt buộc vốn đang được áp dụng đối với các loại thực phẩm có nguy cơ cao như thịt đỏ và gia cầm. Điểm gây tranh cãi trong quy định này là các sự cố an toàn thực phẩm diễn ra vào thời điểm đó không liên quan đến cá da trơn, làm dấy lên những nghi ngờ về việc hạn chế nhập khẩu cá da trơn để bảo vệ ngành công nghiệp nuôi cá da trơn của Hoa Kỳ.

Theo thống kê của Bộ Công Thương Việt Nam, tính đến hết tháng 04/2016, Mỹ vẫn là đối tác lớn nhất của mặt hàng cá tra Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 115,1 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trước những tranh luận trong nội bộ Hoa Kỳ và sự phản đối mạnh mẽ từ phía Việt Nam, chương trình kiểm tra quy định tại đạo luật Nông trại năm 2008 đã không được đưa vào thực thi. Tuy nhiên, đến năm 2014, trong đạo luật Nông trại 2014, chương trình lại tiếp tục được luật hóa với việc xác định rõ phạm vi áp dụng là đối với tất cả các loài cá thuộc bộ Siluriformes. Đây là một sự mở rộng phạm vi áp dụng của chương trình, đưa toàn bộ các sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam vào diện kiểm tra bắt buộc.

Chưa có thống kê chi tiết về mức độ chi phí gia tăng đối với việc áp dụng chương trình trên đối với cá tra và cá basa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, các chi phí về tiếp đón cán bộ USDA, chi phí thí nghiệm, kiểm tra mẫu và các chi phí có liên quan là không hề nhỏ. Theo một số đánh giá sơ bộ, việc tuân thủ các quy định của USDA sẽ làm gia tăng ít nhất 10% giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc bị USDA đánh giá là không tuân thủ, mà đây là rủi ro cao, sẽ đẩy các cơ sở nuôi trồng và chế biến cá tra và basa của Việt Nam vào diện không thể xuất khẩu sản phẩm sang Hoa Kỳ./.