Tiếp tục gỡ vướng về nguồn vật liệu thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP, ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công).
Việc triển khai thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 cũng được cho là thiếu khoảng 1 triệu m3 đất san lấp |
Nghị quyết 60 - "chìa khóa" để mở nút thắt trong việc thiếu VLXDTT
Để đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (gọi tắt là Dự án đường cao tốc), ngày 16/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đường cao tốc.
Theo Nghị quyết, UBND cấp tỉnh được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm VLXDTT đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công Dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức PPP và BOT), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) thi công Dự án đường cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Nội dung giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho Dự án đường cao tốc.
Các mỏ khoáng sản làm VLXDTT (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường...
Cũng tại Nghị quyết nêu trên, Chính phủ giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công an, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội thành lập 5 Đoàn kiểm tra công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT cung cấp cho Dự án.
Chính phủ cho biết, sau 03 tháng thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP, các địa phương đã cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và đã tháo gỡ được một số khó khăn cho các nhà thầu, nhà đầu tư.
Sau khi Nghị quyết 60/NQ-CP được Chính phủ ban hành, đến nay đã có 24 giấy phép được cấp mới, 8 giấy phép nâng công suất. Có 36 giấy phép thăm dò được cấp. Hiện nay, các địa phương đã quy hoạch 189 mỏ để cung cấp nguyên vật liệu.
Vẫn còn thiếu nguồn đất đắp nền cho đường cao tốc
Tuy nhiên, nguồn đất đắp nền cho đường cao tốc, nhất là trong năm 2021 vẫn còn thiếu với khối lượng lớn, không đáp ứng được theo yêu cầu tiến độ thi công Dự án đường cao tốc.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, 13 địa phương mà dự án đi qua có các đặc điểm khác nhau, như Vĩnh Long và Tiền Giang không có mỏ đất sét đủ điều kiện để đắp nền đường, phải lấy từ địa phương khác. Đồng Nai, Bình Thuận có mỏ nhưng vị trí xa điểm thi công, làm tăng chi phí vận chuyển. Thanh Hóa, Nghệ An thì khẳng định không cần cấp mới mỏ, chỉ cần nâng công suất mỏ hiện thời là đủ đáp ứng nhu cầu.
Với Ninh Bình, chỉ cần cấp mới thêm 1 mỏ là đáp ứng được cho xây dựng 3 đoạn cao tốc trên địa bàn.Trong khi đó, qua khảo sát thực tế, nhiều khu vực có nguồn đất làm vật liệu san lấp có chất lượng tốt để làm đường giao thông, được các đơn vị đề xuất lên, lại không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, nên Sở Tài nguyên và Môi trường không thể hướng dẫn để lập hồ sơ xin khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp ở khu vực nằm ngoài quy hoạch theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Để đảm bảo nhu cầu vật liệu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, cần tiếp tục nâng công suất khai thác các mỏ đất đắp theo nhu cầu của dự án thành phần trên địa bàn địa phương đảm bảo về môi trường, an toàn, vệ sinh lao động; không giới hạn về công suất nâng so với công suất ghi trong giấy phép khai thác.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong đòi hỏi thực tế cần 23 triệu m3 đất đắp, trong chỉ đạo ngày 17/9/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục cấp phép, khai thác khoáng sản làm VLXDTT, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP; chỉ đạo Sở Xây dựng ban hành kịp thời, đầy đủ chỉ số giá xây dựng phù hợp với thực tế biến động thị trường và tính chất dự án.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương báo cáo về kết quả kiểm tra theo nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 60/NQ-CP; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, trước ngày 20/9/2021 trình Chính phủ xem xét điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 60/NQ-CP cho phép địa phương được điều chỉnh nâng công suất khai thác theo nhu cầu các dự án trong phạm vi trữ lượng đã được cấp phép.
Các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc địa phương, đồng thời kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác, nâng công suất, trữ lượng mỏ vật liệu bảo đảm tuyệt đối an toàn về môi trường, lao động trong khai thác.
Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết “gỡ” vướng
Nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án đường cao tốc, Chính phủ thống nhất quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 60/NQ-CP.
Về “cơ chế đặc thù” đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Dự án đường cao tốc đi qua quy định tại điểm b Mục 1, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng phải đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác. Riêng đối với các mỏ đất đắp nền đường được phép nâng công suất theo nhu cầu của Dự án đường cao tốc. Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho Dự án đường cao tốc, dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.”
Về trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Dự án đường cao tốc đi qua khi thực hiện “cơ chế đặc thù”, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung điểm b Mục 2 như sau:
“b) Đối với khu vực khai thác mới, yêu cầu tổ chức, cá nhân là nhà thầu, nhà đầu tư sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ để địa phương quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật liên quan. Thực hiện giải pháp triển khai đồng thời các thủ tục hành chính khi cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp quyết định chủ trương đầu tư, các thủ tục khác có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cấp phép khai thác để sớm có nguồn nguyên liệu cho Dự án cao tốc trọng điểm quốc gia”.
Giữ nguyên các nội dung khác của Nghị quyết số 60/NQ-CP./.
Bình luận