Thực tiễn các nước trong khu vực

Tại các quốc gia, có 3 nguồn vốn chủ yếu được huy động để thực hiện việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: (1) Đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước; (2) Vốn huy động trong nước (qua hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp, phát hành trái phiếu…); Vốn huy động nước ngoài (các khoản vay quốc tế, phát hành trái phiếu quốc tế, đầu tư trực tiếp của nước ngoài…). Do quy mô ngân sách nhà nước nhỏ và phải chi tiêu, đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác, nên phần lớn nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các quốc gia đang phát triển châu Á được huy động từ nước ngoài (chủ yếu là vốn vay ODA) và các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Nhà nước chỉ đóng vai trò ban hành các cơ chế, chính sách để duy trì môi trường đầu tư thuận lợi, tạo điều kiện và khuyến khích nhiều thành phần trong xã hội tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là thành phần kinh tế tư nhân.

Kinh nghiệm của một số nước châu Á trong việc huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng là bài học quý cho Việt Nam hiện nay.

Tại Trung Quốc: Chính quyền các địa phương được chính quyền Trung ương phân cấp mạnh và giao nhiệm vụ phải tìm nguồn tài chính để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tại các địa phương, phát hành trái phiếu trong nước và vay vốn nước ngoài được xem là các nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, Trung Quốc đẩy mạnh áp dụng hình thức đối tác công-tư (PPP) và hình thức này dần phát huy hiệu quả, trở thành phương thức phổ biến được áp dụng trong các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của Trung Quốc hiện nay. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đa dạng hóa hình thức huy động nguồn tài chính từ các doanh nghiệp trong nước. Ví dụ như, tại thành phố Đông Quản, thuộc tỉnh Quảng Đông, chính quyền địa phương đã thành lập một công ty vận động tài chính từ các nguồn khác nhau để xây dựng đường và các nhà máy điện. Các khoản vay được trả lãi theo định kỳ, phần vốn gốc sẽ được hoàn trả bằng nguồn thu phí của người sử dụng khi công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tại Ấn Độ: Chính phủ nước này đã xác định, vốn từ ngân sách nhà nước là không thể đủ. Trên cơ sở đó, Ấn Độ đã xây dựng hệ thống chính sách và môi trường thuận lợi cho các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Từ đó, đã khuyến khích thành phần tư nhân tham gia mạnh mẽ vào các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng. Năm 2006, Ấn Độ đã thành lập Công ty Tài chính phát triển kết cấu hạ tầng (IIFC) nhằm huy động tài chính từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ vốn cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Công ty này sẽ huy động vốn trong và ngoài nước, sau đó cung cấp vốn cho các dự án một cách trực tiếp hoặc thông qua các ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Một số nước khác, như: Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan... cũng xác định ngân sách không phải là nguồn cung cấp vốn chính cho phát triển kết cấu hạ tầng. Các nước này đã chủ động kêu gọi sự tham gia của thành phần tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Trong hầu hết các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, vai trò của chính quyền hầu như chỉ là duy trì một môi trường đầu tư ổn định với hệ thống luật pháp thống nhất, ổn định và mức thuế thấp. Các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích khai thác tối đa các cơ hội kinh doanh có được. Hình thức PPP cũng được áp dụng với nhiều công cụ hỗ trợ đa dạng, như: trợ giá xây dựng, bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, trợ giá vận hành, thời hạn chuyển giao dài...

Tóm lại, tại các nước trong khu vực, xu hướng chung là tìm kiếm sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để bổ sung vốn đầu tư kết cấu hạ tầng. Nhà nước chỉ thể hiện vai trò là chủ thể tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất để giải phóng nguồn lực và thu hút sự tham gia của các thành phần, lực lượng khác trong xã hội.

Và thực tế tại Việt Nam

Sau hơn 25 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước cũng đã có nhiều thay đổi rõ rệt, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XI cũng chỉ rõ “hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển”. Tình trạng kết cấu hạ tầng kém phát triển được xem là nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư của Việt Nam. Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2011-2012 đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 123/142 quốc gia về chất lượng kết cấu hạ tầng tổng hợp, trong đó chất lượng hệ thống cảng biển đứng thứ 111/142; giao thông đường bộ đứng thứ 123/142 và hệ thống cung cấp điện đứng thứ 109/142.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, từ nay đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam cần từ 16-17 tỷ USD cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong khi khả năng đáp ứng theo cách truyền thống là từ ngân sách chỉ khoảng 50-60%.

Việt Nam được xem là một trong những quốc gia thành công trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xét trên khía cạnh huy động, đầu tư vốn. Mức độ đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam thuộc loại cao trong khu vực. Giai đoạn 2000-2010, tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam luôn chiếm khoảng 9-10% GDP, so với mức đầu tư chuẩn là 7-8% GDP. Nguồn cung cấp vốn chính cho các dự án kết cấu hạ tầng ở Việt Nam trong thời gian qua là vốn nước ngoài (chủ yếu ODA chiếm 37%); ngân sách nhà nước (11%); trái phiếu chính phủ (13%); đầu tư tư nhân (21%); còn lại là các nguồn khác, như: người sử dụng (thu phí sử dụng dịch vụ) là 14%, ngân hàng thương mại (3%) và đầu tư từ cộng đồng (1%).

Nhu cầu vốn phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam rất lớn và sẽ ngày càng tăng lên trong một thời gian nữa mới bước sang giai đoạn hoàn thiện và giảm dần. Nếu như giai đoạn những năm 1990 và 2000, tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam luôn chiếm khoảng 9-10% GDP, thì trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam sẽ phải nâng mức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lên khoảng 11-12% GDP. Đây là mức đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển khoảng 7-8%/năm của Việt Nam.

Tại buổi Đối thoại cấp cao lần thứ nhất giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) về thúc đẩy các dự án PPP tại Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, từ nay đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam cần từ 16-17 tỷ USD cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong khi khả năng đáp ứng theo cách truyền thống là từ ngân sách chỉ khoảng 50-60%. Thực tế thời gian qua cho thấy, phần đóng góp của ngân sách nhà nước và các ngân hàng thương mại trong tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là khá nhỏ và xu hướng này khó có thể thay đổi trong thời gian tới. Vì thế, việc huy động vốn bổ sung từ nguồn đầu tư tư nhân trong nước là hết sức quan trọng, mà nguồn lực này hiện khá lớn.

Đối với các nguồn vốn từ nước ngoài, cơ hội tiếp cận với các khoản vay ưu đãi từ các nhà tài trợ đang bị giảm xuống khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn vốn này, thì sẽ phải vay với lãi suất cao, chi phí đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vì thế sẽ tăng cao hơn và gây nguy hiểm cho nợ công. Hơn nữa, do tình hình suy giảm kinh tế và những khó khăn về tài chính, nợ công thời gian tới khiến cho các quốc gia tài trợ nhiều cho Việt Nam đều quyết định thu hẹp các khoản vay để tập trung hỗ trợ nền kinh tế của họ. Do vậy, Việt Nam cần thay đổi chiến lược huy động vốn nước ngoài để phát triển kết cấu hạ tầng. Thay vì tập trung vào các nhà tài trợ nước ngoài, chúng ta nên hướng sự chú ý tới các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài và trong nước.

Một số giải pháp

Để thu hút được các nguồn vốn bên ngoài ngân sách nhà nước vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung tháo gỡ những rào cản để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn tư nhân nước ngoài. Thời gian qua, việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả cao do một số nguyên nhân chủ quan: các quy định về đầu tư tư nhân trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng chưa đầy đủ, rõ ràng; thiếu minh bạch trong lựa chọn dự án và nhà đầu tư; thiếu sự cam kết và hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước và các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai… Tóm lại, đối với tư nhân nước ngoài cần có 3 điểm chính phải chú ý: xúc tiến đầu tư tốt, chính sách rõ ràng hấp dẫn, quỹ đất sạch.

Thứ hai, các ngành, các cấp, các địa phương cần đẩy mạnh hoàn thiện các quy hoạch quan trọng, như: quy hoạch không gian phát triển kinh tế - xã hội, không gian hạ tầng và đô thị, sử dụng đất... Quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế- xã hội. Có quy hoạch tốt mới có dự án tốt và khi đó mới có nhà đầu tư tốt, thu hút các nguồn lực xã hội và nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đúng nơi, đúng chỗ, phân bổ phù hợp để phát huy hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, cần mở rộng các kênh đầu tư mới trong xã hội, phải có các cơ chế chính sách đột phá nhằm huy động được khối tư nhân tham gia tích cực hơn trong phát triển kết cấu hạ tầng. Để huy động được, cần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư... Điều quan trọng là cần xây dựng một chiến lược và có cơ chế hiệu quả để xã hội hóa và huy động tối đa nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tìm kiếm các mô hình PPP hợp lý đang là giải pháp hữu hiệu nhất để thu hút mạnh nguồn vốn từ xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả hình thức hợp tác này, trước mắt nên sửa đổi, bổ sung Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, ngày 9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (văn bản pháp lý duy nhất hiện nay điều chỉnh PPP) theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn để hấp dẫn nhà đầu tư hợp tác với Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo đó, cần mở rộng lĩnh vực và danh mục dự án đầu tư PPP, khắc phục vướng mắc về chi phí chuẩn bị đầu tư đối với các dự án PPP từ vốn ngân sách, có cơ chế ưu đãi đầu tư...

Thứ tư, Nhà nước cần chuyển vai trò từ tham gia đầu tư trực tiếp sang duy trì một môi trường đầu tư hấp dẫn, ổn định với hệ thống luật pháp đầy đủ điều chỉnh các quan hệ đầu tư theo các hình thức PPP, BT, BOT... Nhà nước chỉ tập trung giải phóng mặt bằng và đầu tư vào các công trình khó huy động các nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp. Cùng với đó là thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm dịch vụ hành chính công... làm cho môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định./.

Tài liệu tham khảo:

1. Phùng Tuấn (2012). Thu hút vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng: Đột phá từ hình thức hợp tác công - tư. Truy cập từ http://www.tapchitaichinh.vn/Nghien-cuu-trao-doi/Thu-hut-von-dau-tu-vao-co-so-ha-tang-Dot-pha-tu-hinh-thuc-hop-tac-cong-tu/17933.tctc;

2. Minh Anh (2013). PPP có giải được bài toán vốn phát triển hạ tầng? Truy cập từ http://www.thoibaonganhang.vn/tin-tuc/3-ppp-co-giai-duoc-bai-toan-von-phat-trien-ha-tang-6655.html;

3. Tùng Linh (2013). Thúc đẩy các dự án PPP tại Việt Nam. Truy cập từ http://www.mpi.gov.vn.

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 7/2013

Trịnh Mạnh Linh