Từ khóa: IFRS S1-S2, công bố thông tin tài chính, báo cáo bền vững

Summary

The article presents the purpose and main content of IFRS S1, S2, and also provides some discussions for those preparing sustainable development reports when applying IFRS S1, S2 in Vietnam.

Keywords: IFRS S1-S2, financial information disclosure, sustainability reporting

GIỚI THIỆU

Vào tháng 6/2023, Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB) đã ban hành bộ Chuẩn mực Báo cáo phát triển bền vững quốc tế (IFRS Sustainability Standards) đầu tiên, gồm: IFRS S1 - Yêu cầu chung về công bố thông tin liên quan đến tính bền vững và IFRS S2 - Công bố thông tin liên quan đến khí hậu. Đây là dấu mốc đáng ghi nhớ về công bố thông tin liên quan đến tính bền vững trên thị trường vốn trên toàn thế giới. Bộ Tiêu chuẩn sẽ giúp cải thiện niềm tin và sự tin tưởng vào các công bố thông tin của công ty về tính bền vững để cung cấp thông tin cho các quyết định đầu tư trong bối cảnh vấn đề về phát triển bền vững và tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường, xã hội đã trở thành một phần quan trọng của quản lý doanh nghiệp (DN) hiện đại.

Sự liên kết toàn cầu là rất quan trọng để cung cấp một cái nhìn toàn diện và rõ ràng về hoạt động phát triển bền vững của DN và cho phép so sánh các thông tin công bố ở cấp độ toàn cầu. Các bộ tiêu chuẩn riêng biệt và khác nhau về báo cáo phát triển bền vững ở các khu vực tài phán khác nhau sẽ dẫn đến việc báo cáo kép trên thực tế đối với người lập báo cáo và do đó, dẫn đến các chi phí bổ sung không cần thiết, cũng như giảm tính hiệu lực và khả năng so sánh đối với người dùng. Do đó, việc áp dụng IFRS Sustainability Standards và tích hợp chúng vào khung pháp lý của các quốc gia là cần thiết.

IFRS S1, S2 có hiệu lực cho các kỳ báo cáo hàng năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 01/01/2024. Để có thể áp dụng IFRS S1, S2 tại Việt Nam, việc tóm lược nội dung chính của 2 Chuẩn mục này và đưa ra các khuyến nghị để áp dụng là cần thiết.

TÓM LƯỢC NỘI DUNG CHUẨN MỰC S1, S2

IFRS Sustainability Standards là bộ chuẩn mực nhằm mục tiêu tạo ra một khung thông tin thống nhất để DN có thể báo cáo về hiệu suất và tác động của hoạt động của DN đối với môi trường, xã hội. Các tiêu chuẩn này giúp cung cấp thông tin chính xác, đáng tin cậy và so sánh được về khía cạnh bền vững của DN. Bộ chuẩn mực IFRS Sustainability Standards bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm:

- Khí nhà kính và biến đổi khí hậu: Đo lường, báo cáo và ước tính tác động của hoạt động DN đến biến đổi khí hậu và khí nhà kính.

- Tài nguyên tự nhiên: Báo cáo về việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả quá trình đối phó với thiếu hụt tài nguyên.

- Xã hội và quan hệ lao động: Đo lường và báo cáo về tác động của hoạt động kinh doanh đến xã hội và cách DN quản lý quan hệ lao động.

- Khía cạnh tài chính và tài sản bền vững: Báo cáo về cách các DN quản lý tài chính và tài sản để đảm bảo tính bền vững.

IFRS Sustainability Standards được xây dựng trên các tiêu chuẩn và khuôn khổ tập trung vào nhà đầu tư, hướng tới một cơ sở toàn cầu toàn cầu để công bố thông tin với các mục tiêu cụ thể như sau:

Thứ nhất, xây dựng các tiêu chuẩn cho cơ sở toàn cầu về công bố thông tin liên quan đến tính bền vững để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhà đầu tư, cổ đông và công chúng về thông tin liên quan đến bền vững.

Thứ hai, cho phép các công ty cung cấp thông tin bền vững toàn diện, hữu ích cho quyết định cho thị trường vốn toàn cầu, thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm xã hội của DN đồng thời hỗ trợ việc quản lý rủi ro và cơ hội liên quan đến bền vững.

Thứ ba, cung cấp một ngôn ngữ chung cho các công bố thông tin liên quan đến tính bền vững, với tính linh hoạt có thể bổ sung khi cần thiết để đáp ứng nhu cầu thông tin của địa phương và nhiều bên liên quan. Nói cách khác, ISSB tạo ra sự thống nhất và tiêu chuẩn cho báo cáo bền vững, giúp DN dễ dàng so sánh với nhau và đối chiếu thông tin.

Tóm lại, IFRS Sustainability Standards đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc tích hợp thông tin về bền vững vào báo cáo tài chính (BCTC), đáp ứng xu hướng quản lý DN hướng tới sự bền vững và tạo ra lợi ích cho cả DN và các bên liên quan khác. Với phương pháp tiếp cận cơ sở toàn cầu, được hỗ trợ bởi G20 và các tổ chức khác, IFRS Sustainability Standards cung cấp cho các nhà đầu tư các công bố thông tin liên quan đến tính bền vững có thể so sánh được trên toàn thế giới, có khả năng làm thay đổi giá thị trường, mà không hạn chế các khu vực pháp lý yêu cầu công bố thông tin bổ sung. Điều này sẽ giúp các DN và nhà đầu tư giải quyết vấn đề báo cáo trùng lặp. Bộ tiêu chuẩn này đánh dấu một cột mốc quan trọng để đạt được sự công bố nhất quán trên toàn cầu, gồm: IFRS S1, S2 có hiệu lực cho các kỳ báo cáo hàng năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 01/01/2024.

Tóm lược IFRS S1

IFRS S1 cung cấp một bộ yêu cầu về công bố thông tin được thiết kế để cho phép các DN công khai tới các nhà đầu tư về các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững mà họ gặp phải trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Mục tiêu của IFRS S1 là yêu cầu đơn vị cung cấp thông tin về các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững của đơn vị, những thông tin hữu ích cho người dùng BCTC cho mục đích chung trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến việc cung cấp nguồn lực cho đơn vị. IFRS S1 yêu cầu đơn vị công bố thông tin về tất cả các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững có thể được dự đoán một cách hợp lý sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền, khả năng tiếp cận tài chính hoặc chi phí vốn của đơn vị trong ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn (gọi chung là rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững, mà có thể được dự đoán một cách hợp lý là sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của đơn vị).

IFRS S1 đặt ra các yêu cầu để tiết lộ thông tin về các cơ hội và rủi ro liên quan đến tính bền vững của một DN. Cụ thể, một công ty được yêu cầu cung cấp thông tin công bố về các quy trình quản trị, biện pháp kiểm soát và thủ tục mà đơn vị sử dụng để theo dõi, quản lý và giám sát các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững; chiến lược của đơn vị để quản lý rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững; các quy trình mà thực thể sử dụng để xác định, đánh giá, ưu tiên và giám sát các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững; và hiệu quả hoạt động của thực thể liên quan đến rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững, bao gồm tiến độ hướng tới bất kỳ mục tiêu nào mà thực thể đã đặt ra hoặc bắt buộc phải đáp ứng theo luật hoặc quy định.

IFRS S1 đặt ra các yêu cầu DN phải thực hiện cung cấp thông tin về các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững của nó, hữu ích cho những người sử dụng chính các BCTC cho mục đích chung trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến việc cung cấp nguồn lực cho thực thể”. DN áp dụng IFRS S1  trong việc lập và báo cáo các thuyết minh tài chính liên quan đến tính bền vững, đặc biệt các tiêu chuẩn có thể được áp dụng ngay cả khi BCTC không tuân theo IFRS/GAAP.

Những thông tin cung cấp được đề cập trong IFRS S1 phải đảm bảo các yêu cầu chung cơ bản sau đây:

- Trình bày công bằng: Để đạt được sự trình bày trung thực, một thực thể phải cung cấp một mô tả đầy đủ, trung lập và chính xác về những rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững đó tiết lộ thông tin có thể so sánh được, có thể kiểm chứng, kịp thời và có thể hiểu được công bố thông tin bổ sung nếu việc tuân thủ các yêu cầu áp dụng cụ thể trong Chuẩn mực công bố thông tin về tính bền vững của IFRS là không đủ để cho phép người dùng BCTC cho mục đích chung hiểu được tác động của các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững đối với dòng tiền, khả năng tiếp cận tài chính và chi phí của đơn vị vốn trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

- Trọng yếu: Yêu cầu DN phải xác định được thông tin bền vững trọng yếu, tức Thông tin là quan trọng nếu việc bỏ qua, trình bày sai hoặc che khuất thông tin đó có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư một cách hợp lý. Chuẩn mực công bố thông tin về tính bền vững của IFRS sử dụng cùng một định nghĩa về trọng yếu như Chuẩn mực kế toán IFRS.

- Tổ chức báo cáo: IFRS S1 yêu cầu rằng các công bố thông tin tài chính liên quan đến tính bền vững phải dành cho cùng một DN báo cáo như các BCTC liên quan. Ví dụ: BCTC hợp nhất được lập theo IFRS cung cấp thông tin về công ty mẹ và các công ty con với tư cách là một đơn vị báo cáo duy nhất. Do đó, việc công bố thông tin tài chính liên quan đến tính bền vững của đơn vị đó sẽ cho phép người sử dụng BCTC cho mục đích chung hiểu được tác động của các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững đối với dòng tiền, khả năng tiếp cận tài chính và chi phí vốn trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho đơn vị đó, bao gồm công ty mẹ và các công ty con của nó.

- Thông tin kết nối: Báo cáo phát triển bền vững phải cung cấp thông tin cho phép người dùng hiểu các kết nối giữa rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững (SRRO), cung cấp những nội dung mang tính cốt lõi. Đồng thời, thông tin báo cáo cung cấp phải thể hiện sự kết nối giữa tài chính phát triển bền vững với BCTC. Để có sự kết nối này, IFRS S1 yêu cầu báo cáo phát triển bền vững phải thực hiện cùng kỳ với BCTC và được cung cấp đồng thời với BCTC và là một phần của BCTC cho mục đích chung. Dữ liệu hoặc các giả định trên báo cáo phát triển bền vững phải nhất quán với các dữ liệu và giả định có liên quan trên BCTC.

Nội dung cốt lõi mà IFRS S1 yêu cầu đơn vị phải công bố thông tin (Trừ khi một Chuẩn mực công bố thông tin về tính bền vững khác của IFRS cho phép hoặc yêu cầu khác trong các trường hợp cụ thể) tuân theo cấu trúc TCFD (Task Force on Climate-Related Financial Disclosures, là khung ESG do “Lực lượng Đặc nhiệm về Công khai tài chính liên quan đến khí hậu” thiết lập) để báo cáo về các vấn đề phát triển bền vững, bao gồm: Quản trị; Chiến lược; Quản lý rủi ro; Số liệu và mục tiêu. Đặc biệt, về mục tiêu, IFRS S1 yêu cầu DN cung cấp các mục tiêu được đặt ra để theo dõi tiến trình đạt được các mục tiêu chiến lược và bất kỳ mục tiêu nào của DN bắt buộc phải đáp ứng theo luật pháp hoặc quy định.

Tóm lược IFRS S2

Mục tiêu của IFRS S2 Công bố thông tin liên quan đến khí hậu là yêu cầu DN công bố thông tin về các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu hữu ích cho người sử dụng chính của BCTC cho mục đích chung trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến việc cung cấp nguồn lực cho DN. IFRS S2 kết hợp đầy đủ các khuyến nghị của TCFD và bổ sung khả năng kiểm chứng. Để đạt được mục tiêu này, DN phải công bố thông tin quan trọng về rủi ro vật chất, rủi ro chuyển đổi và các cơ hội liên quan đến khí hậu.

 IFRS S2 cũng yêu cầu DN phải cung cấp theo ngành cụ thể cùng những hướng dẫn minh họa cho các chỉ số cụ thể của ngành được xây dựng trên Tiêu chuẩn SASB (Sustainability Accounting Standards Board - là bộ tiêu chuẩn kế toán do Hội đồng Tiêu chuẩn kế toán tài chính, Hoa Kỳ) để giúp các công ty xác định rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững và tiết lộ thông tin.

Mục tiêu của việc công bố thông tin tài chính về quản trị liên quan đến khí hậu là giúp người sử dụng BCTC cho mục đích chung hiểu được các quy trình, biện pháp kiểm soát và thủ tục quản trị mà đơn vị sử dụng để giám sát, quản lý và giám sát các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu. rủi ro chuyển đổi liên quan đến khí hậu; Được sử dụng theo S1, S2 yêu cầu công bố thông tin quan trọng về các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu để đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà đầu tư do đó, IFRS S2 chú trọng nhấn mạnh DN chỉ công bố thông tin được xác định là thông tin quan trọng.

Nội dung cốt lõi của IFRS S2 yêu cầu công bố thông tin về các khía cạnh:

- Quản trị: Mục tiêu của việc công bố thông tin tài chính về quản trị liên quan đến khí hậu là giúp người sử dụng BCTC cho mục đích chung hiểu được các quy trình, biện pháp kiểm soát và thủ tục quản trị mà DN sử dụng để giám sát, quản lý và giám sát các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu (SRRO). 

- Chiến lược: Mục tiêu của việc công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu về chiến lược là giúp người sử dụng BCTC có mục đích chung hiểu được chiến lược của DN trong việc quản lý các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu. 

- Tình hình tài chính, hiệu quả tài chính và dòng tiền: IFRS S2 yêu cầu Đơn vị phải thuyết minh thông tin giúp người sử dụng BCTC cho mục đích chung hiểu được: tác động của các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu đến tình hình tài chính, kết quả hoạt động tài chính và dòng tiền của đơn vị trong kỳ báo cáo (ảnh hưởng tài chính hiện tại); tác động dự kiến của các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu đối với tình hình tài chính, kết quả hoạt động tài chính và dòng tiền của đơn vị trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, có tính đến cách thức đưa các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu vào kế hoạch tài chính của đơn vị (dự kiến tài chính).

- Quản lý rủi ro: Mục tiêu của việc công khai thông tin tài chính liên quan đến tính bền vững về quản lý rủi ro là giúp người dùng hiểu các quy trình của một thực thể để xác định, đánh giá, ưu tiên và giám sát các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững, bao gồm cả việc liệu và cách thức các quy trình đó có được tích hợp vào, cũng như cung cấp thông tin cho quy trình quản lý rủi ro tổng thể của đơn vị hay không và để đánh giá hồ sơ rủi ro tổng thể của đơn vị, quy trình quản lý rủi ro tổng thể của đơn vị.

- Số liệu và mục tiêu: Cho phép người dùng BCTC có thể hiểu hiệu suất của DN liên quan đến CRRO của nó, bao gồm cả tiến độ hướng tới bất kỳ mục tiêu nào do DN đã đặt ra và bất kỳ mục tiêu nào mà pháp luật hoặc quy định bắt buộc phải đáp ứng. DN phải công bố các số liệu dựa trên ngành có liên quan đến một hoặc các mô hình kinh doanh, hoạt động cụ thể hơn hoặc các đặc điểm chung khác mà đặc trưng cho sự tham gia vào một ngành. Khi xác định ngành nghề số liệu mà DN tiết lộ, DN phải tham khảo và xem xét các khả năng áp dụng các số liệu theo ngành liên quan đến chủ đề công bố thông tin được mô tả trong Hướng dẫn thực hiện IFRS S2 theo ngành. Trong những số liệu DN phải cung cấp, IFRS S2 đặc biệt quy định rõ về phạm vi cung cấp thông tin liên quan khí nhà kính, bao gồm: phát thải mà DN trực tiếp tạo ra, phát thải gián tiếp từ việc tạo ra năng lượng tiêu thụ của công ty, tất cả các phát thải gián tiếp khác xảy ra trong nhà máy của DN.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ ĐỂ ÁP DỤNG IFRS S1, S2 VÀO VIỆT NAM

Để có thể triển khai tốt IFRS Sustainability Standards nói chung, IFRS S1 nói riêng tại Việt Nam, cần có sự phối hợp và triển khai đồng bộ của các cơ quan bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính và chính bản thân các DN.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước:

- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Báo cáo bền vững và Chuẩn mực IFRS S1 - Yêu cầu chung về công bố thông tin liên quan đến tính bền vững đối với hoạt đông cũng như trách nhiệm xã hội của DN.

- Cần xác định được nguyên tắc, cách thức áp dụng IFRS Sustainability Standards nói chung và IFRS S1 vào Việt Nam trên các khía cạnh đạo lý, nguyên tắc, phạm vi áp dụng của một số chuẩn mực kế toán quốc tế. Bên cạnh đó, cần thảo luận, trao đổi để có thể soạn thảo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về IFRS Sustainability Standards tại Việt Nam sau này.

- Tăng cường hỗ trợ hỗ trợ việc áp dụng IFRS Sustainability Standards trong các DN tại Việt Nam, bước đầu tiên sẽ là thành lập Nhóm Thực hiện Chuyển đổi để hỗ trợ các công ty áp dụng Chuẩn mực và đưa ra các sáng kiến xây dựng năng lực để hỗ trợ việc thực hiện hiệu quả.

Đối với DN:

Thứ nhất, cần chuẩn bị hành lang và lộ trình cho áp chung các tiêu chuẩn của ISSB thông qua các hoạt động:

- Đánh giá các hệ thống và quy trình nội bộ để thu thập, tổng hợp, xác thực thông tin liên quan đến tính bền vững và chuỗi giá trị của DN.

- Xem xét các tiêu chuẩn và tài liệu hỗ trợ được đề xuất của ISSB bao gồm cả SASB khuyến nghị.

- Xem xét các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững ảnh hưởng đến DN tiêu chuẩn TCFD.

Thứ hai, trước mắt có thể áp dụng tiêu chuẩn SASB. IFRS S1 yêu cầu các công ty xem xét tiêu chuẩn SASB trong trường hợp không có tiêu chuẩn ISSB cụ thể, những tiêu chuẩn này có thể cung cấp cho nhà đầu tư thông tin so sánh về các yếu tố bền vững có liên quan đến hiệu quả tài chính và giá trị DN, những tiêu chuẩn này được phát triển thông qua quy trình nghiêm ngặt, có hiểu biết về thị trường và được áp dụng rộng rãi tại hơn 2.500 DN trên thế giới.

Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn SASB sẽ tiếp tục được ISSB hỗ trợ trên cơ sở độc lập trong ít nhất 4 năm và trên thực tế có thể lâu hơn, với các tiêu chuẩn ISSB được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn dựa trên ngành của SASB để tuân theo. Do đó, các DN có thể áp dụng các tiêu chuẩn SASB đi trước để tiến tới áp dụng các chuẩn mực về báo cáo phát triển bền vững nói chung và IFRS S1, S2 nói riêng trong thời gian tới./.

ThS. Nguyễn Thị Xuân Quỳnh

Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 28, tháng 10/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Achmad Petersen (2022), The likely adoption of the IFRS Foundation's proposed sustainability reporting standards.

2. https://www.ifrs.org/issued-standards/ifrs-sustainability-standards-navigator/ifrs-s1-general-requirements.

3. https://www.ifrs.org/issued-standards/ifrs-sustainability-standards-navigator/ifrs-s2-general-requirements.

4. https://www.ifrs.org/news-and-events/news/2023/06/issb-issues-ifrs-s1-ifrs-s2.