Tổng doanh thu phí bảo hiểm 9 tháng giảm
Cập nhật của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2023 ước đạt 52,9 nghìn tỷ đồng (giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: Doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52,2 nghìn tỷ đồng (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022); lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113,4 nghìn tỷ đồng (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022).
9 tháng năm 2023, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 57,1 nghìn tỷ đồng, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 746,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,2% và 15,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 890,5 tỷ đồng (tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm, nhưng theo Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đang có xu hướng tăng do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang rất nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh, cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng thị trường, giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng...
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra hoạt động tại Sun Life |
Trước những sai phạm trong lĩnh vực bảo hiểm gần đây, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra một số tổ chức có liên quan. Kết quả công tác thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khẩn trương xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm; chủ động phát hiện, xử lý các thiếu sót, vi phạm trong quá trình triển khai nghiệp vụ bảo hiểm tại doanh nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng. Có biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý và giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm. Tăng cường giám sát việc quản trị rủi ro, đảm bảo các tiêu chí an toàn tài chính, an toàn vốn của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật…/.
Bình luận